Khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự
Tội phạm xảy ra trên thực tế là một dạng vật chất xét dưới góc độ triết học. Là một dạng vật chất nên nó có thuộc tính của vật chất, đó là phản ánh. Phản ánh là việc hệ thống vật chất này sẽ để lại thuộc tính của mình trên hệ thống vật chất khác khi chúng tác động vào nhau. Trên cơ sở phương pháp luận như vậy, tội phạm thực hiện trên thực tế sẽ phản ánh những dấu vết của chúng trong thế giới khách quan tức là trong không gian và thời gian nhất định.
Để thực hiện hiệu quả biện pháp điều tra khám nghiệm hiện trường cần xác định chính xác hiện trường. Có nhiều định nghĩa về hiện trường. Thông tin Khoa học hình sự, số 2 năm 1980 xác định: “Hiện trường trong công tác hình sự là nơi xảy ra sự việc cần được điều tra về mặt hình sự”. Quan điểm khác cho rằng “hiện trường là nơi xảy ra, nơi phát hiện vụ việc mang tính chất hình sự”. Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định hiện trường là “nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm để phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan và làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án”. Dù còn nhiều quan điểm khác nhau nhưng hiện trường được xác định là khoảng không gian có giới hạn cụ thể, nơi được Cơ quan điều tra xác định có chứa các thông tin dưới dạng vật chất về tội phạm cần phải được thu thập để hình thành chứng cứ của vụ án hình sự.
Như vậy, hiện trường là nơi ghi lại những dấu vết vật chất của tội phạm, là nguồn chứa những thông quan trọng để từ đó Cơ quan điểu tra thu thập được các chứng cứ có giá trị để giải quyết vụ án đúng đắn. Chính vì vậy, điều tra tại hiện trường là một trong những hoạt động điều tra phổ biến, quan trọng trong tố tụng hình sự. Việc thu thập chứng cứ từ hiện trường vụ án hình sự được thực hiện bằng biện pháp điều tra do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định là khám nghiệm hiện trường. Biện pháp điều tra tại hiện trường là cách thức Cơ quan điều tra sử dụng tri thức và phương tiện kỹ thuật hình sự nhằm phát hiện, thu thập, lưu giữ những thông tin về tội phạm và các thông tin khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án hình sự tại hiện trường.
Biện pháp khám nghiệm hiện trường có thể được thực hiện trước hoặc sau khi khởi tố vụ án. Bởi lẽ, rất nhiều trường hợp cần khám nghiệm hiện trường để lấy được thông tin, trên cơ sở đó cơ quan có thẩm quyền mới ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.
Khám nghiệm hiện trường được thực hiện bằng thủ tục chặt chẽ do luật tố tụng hình sự quy định như sau: thành phần tham gia hoạt động khám nghiệm trường bao gồm: Điều tra viên chủ trì cuộc khám nghiệm, Kiểm sát viên, người chứng kiến. Trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát khám nghiệm hiện trường. Khi khám nghiệm hiện trường cũng phải có người chứng kiến. Tùy từng trường hợp, khi cần thiết có thể cho bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng tham gia và mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm.
Khi khám nghiệm hiện trường, các lực lượng tham gia khám nghiệm hiện trường tiến hành các hoạt động như: chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình; xem xét tại chỗ và thu lượm dấu vết của tội phạm, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án. Các hoạt động này có sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật. Quá trình khám nghiệm hiện trường và kết quả khám nghiệm hiện trường phải được thể hiện trong biên bản khám nghiệm hiện trường. Biên bản khám nghiệm hiện trường là nguồn chứng cứ và phải được lập theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Trường hợp không thể xem xét ngay được thì tài liệu, đồ vật thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra.
Xin cho em hỏi khúc này:”Tội phạm xảy ra trên thực tế là một dạng vật chất xét dưới góc độ triết học. Là một dạng vật chất nên nó có thuộc tính của vật chất, đó là phản ánh. Phản ánh là việc hệ thống vật chất này sẽ để lại thuộc tính của mình trên hệ thống vật chất khác khi chúng tác động vào nhau. Trên cơ sở phương pháp luận như vậy, tội phạm thực hiện trên thực tế sẽ phản ánh những dấu vết của chúng trong thế giới khách quan tức là trong không gian và thời gian nhất định” là thuộc tài liệu nào v ạ. em xin cảm ơn
Bạn có thể tham khảo tài liệu: [Ebook] Giáo trình điều tra hình sự