1. Khái niệm khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự
Theo Từ điển tiếng Việt khiếu nại là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại những quyết định trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Tố cáo là việc cá nhân nói cho cơ quan có thẩm quyền biết một hành động, một việc làm phạm pháp nào đó.
Tại khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018 thì tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật Tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Từ những khái niệm trên, có thể rút ra các khái niệm về khiếu nại trong tố tụng hình sự và tố cáo trong tố tụng hình sự như sau:
Khiếu nại trong tố tụng hình sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận, xem xét, giải quyết lại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo trình tự, thủ tục được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Tố cáo trong tố tụng hình sự là việc cá nhân báo cho cơ quan, người có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Như vậy, quan hệ làm phát sinh khiếu nại trong tố tụng hình sự là quan hệ giữa một bên là người chịu tác động trực tiếp của các quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, và họ khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích của chính mình. Còn quan hệ làm phát sinh tố cáo trong tố tụng hình sự là giữa người không chịu tác động trực tiếp của các quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, và họ thực hiện tố cáo có thể để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Chủ thể có quyền tố cáo là cá nhân, pháp luật không quy định cơ quan, tổ chức là chủ thể của quyền tố cáo.
Quyết định, hành vi là đối tượng bị khiếu nại, tố cáo hướng đến phải là quyết định, hành vi phát sinh trong quá trình tiến hành tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền. Do vậy quyết định, hành vi phát sinh trong quan hệ quản lý hành chính, dù phát sinh ngay trong các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không phải là đối tượng điều chỉnh của các quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự.
Quyết định trái pháp luật, hành vi vi phạm pháp luật làm căn cứ phát sinh khiếu nại, tố cáo là do nhận thức chủ quan và động cơ của người khiếu nại, tố cáo. Còn căn cứ xác định hành vi, quyết định đó có trái pháp luật hay không phải có kết luận cuối cùng của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo theo luật định.
2. Ý nghĩa của khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự
Bộ luật Tố tụng hình sự không chỉ có nhiệm vụ là bảo đảm ngăn chặn tội phạm, phát hiện, xử lý kịp thời tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa mà còn nhiệm vụ quan trọng đó là bảo vệ quyền con người. Việc bảo vệ quyền con người được thể hiện ở nhiều chế định, trong đó chế định về khiếu nại, tố cáo thể hiện rõ vấn đề này, nó là phương thức bảo đảm và thực hiện quyển con người trong tố tụng hình sự; bảo đảm cho hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện đúng đắn; là biện pháp cần thiết để kịp thời phát hiện và khắc phục các vi phạm pháp luật của cơ quan, người tiến hành tố tụng; là nguồn thông tin quan trọng đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, người tiến hành tố tụng.
Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự còn có ý nghĩa chính trị, xã hội, thể hiện tính dân chủ trong hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng, thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Cơ sở pháp lý của quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự
Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, là một trong những quyền có ý nghĩa quan trọng được cụ thể bằng các quy định của Hiến pháp và pháp luật của từng quốc gia. Tuy nhiên, do đặc điểm về trình độ phát triển, nhận thức pháp lý của người dân, sự khác biệt về văn hóa, tri thức mà mỗi một quốc gia quy định quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự có sự khác nhau. Ví dụ như quyền khiếu nại, tố cáo và quy trình giải quyết tập trung chủ yếu ở giai đoạn điều tra (Bộ luật Tố tụng hình sự Liên bang Nga) hay giai đoạn tố tụng tại tòa án (Bộ luật Tố tụng hình sự Cộng hòa Liên bang Đức). Quyền khiếu nại, tố cáo ở những giai đoạn này là rất quan trọng. Những hoạt động tố tụng do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong những giai đoạn này có ảnh hưởng rất lớn đến quyển, lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng. Việc giải quyết đúng đắn, phù hợp và kịp thời khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn này sẽ hạn chế những vi phạm không đáng có do hành vi tố tụng, quyết định tố tụng gây ra cho con người. Mặt khác, phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời những sai sót, thậm chí tránh được hậu quả do các hoạt động tố tụng vi phạm gây ra là mục đích hướng tới mà các nhà lập pháp của một số nước trên thế giới ghi nhận và quy định trong hệ thống pháp luật tố tụng hình sự.
Ở Việt Nam quyển khiếu nại, tố cáo được bắt nguồn từ tinh thần của bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và được ghi nhận cụ thể trong các bản Hiến pháp tiếp theo, đến nay được quy định tại Điều 30 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.”
Hoạt động tố tụng hình sự là hoạt động có tác động, ảnh hưởng rất lớn, tác động trực tiếp tới các quyền của con người như quyền tự do, an ninh cá nhân, đòi hỏi phải có những quy định pháp lý chi tiết, rõ ràng để kịp thời phát hiện chính xác và xử lý công minh mọi hành vi vi phạm, phòng ngừa, ngăn chặn thiệt hại, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Do đó, trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã dành Chương XXXIII với 14 điều luật (từ Điều 469 đến Điều 483) quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, quy định chi tiết về chủ thể có quyền khiếu nại, tố cáo và quy định cụ thể thời hạn, thời hiệu, trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, cũng như quy định cơ quan có trách nhiệm kiểm sát hoạt động thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo đó là Viện kiểm sát nhân dân, để mọi người có thể tham gia tốt nhất, góp phần vào việc giải quyết vụ án hình sự, phát huy quyền dân chủ và là hình thức để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.