Khái niệm tác giả theo pháp luật sở hữu trí tuệ
Tiếp cận ngôn ngữ, “tác giả” có nguồn gốc Hán Việt, “tác” có nghĩa là làm, cũng có nghĩa là sáng tác tác phẩm; “giả” có nghĩa là kẻ, người. Cho nên, “tác giả” có nghĩa là người làm một tác phẩm, người tạo nên một tác phẩm.
Về mặt pháp lý, tác giả được hiểu là người sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật của mình để trực tiếp sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Tác giả sẽ đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả khi sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm. Trường hợp này, tác giả sẽ có các quyền nhân thân và quyền tài sản quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo pháp luật Việt Nam, tác giả chỉ có thể là cá nhân, là những con người cụ thể vì chỉ có con người mới có hoạt động sáng tạo ra các tài sản trí tuệ (tác phẩm).
Tác giả là những người bằng lao động trí óc của mình, trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học định hình dưới dạng vật chất nhất định. Ngoài ra, những người làm các công việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn cũng là tác giả của tác phẩm phái sinh. Với khái niệm trên chỉ những người trực tiếp làm ra tác phẩm thông qua hoạt động của tư duy sáng tạo mới là tác giả. Những người cung cấp tư liệu, hỗ trợ, góp ý kiến không thể là tác giả. Mặt khác, kết quả của lao động do tư duy sáng tạo mang lại định hình dưới thể vật chất nhất định (trên giấy, phim lụa, băng đĩa từ, băng đĩa la-de, gỗ, kim loại hoặc loại hình vật chất bất kỳ đã có và sẽ có trong tương lai), điều có nghĩa là không bảo hộ đối với những ý tưởng sáng tạo. Nhà nước chỉ bảo hộ những ý tưởng về văn học, nghệ thuật và khoa học đã được hình thành bằng tác phẩm và định hình ở bất kỳ dạng vật chất nào.
Đồng tác giả: Theo Khoản 1 Điều 38 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, trường hợp một tác phẩm do nhiều người “sử dụng thời gian cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra một tác phẩm” là đồng tác giả và có các quyền nhân thân và tài sản.
Ví dụ, bài hát Lời ru trên nương, nhạc Trần Hoàn thiện, lời thơ Nguyễn Khoa Điềm, hoặc bài hát Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, nhạc Hoàn thiệng Hiệp, lời thơ Phạm Tiến Duật, những tác phẩm này có thể phân biệt được phần riêng biệt của từng tác giả cụ thể. Nhưng tác phẩm Thi nhân Việt Nam của đồng tác giả Hoài Thanh và Hoài Chân, tác phẩm Gửi người em gái miền Nam của đồng tác giả Đoàn Chuẩn và Từ Linh lại không thể biết được mức độ đóng góp cụ thể của từng tác giả đối với tác phẩm.
Có những trường hợp một tác phẩm là kết quả của nhiều cá nhân tạo ra trên cơ sở đầu tư của một tổ chức, nếu tách riêng kết quả nghiên cứu của từng người thì hoàn toàn không có giá trị, vậy xác định tổ chức là tác giả hay các cá nhân là đồng tác giả. Trường hợp một nhóm người được tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo ra một tác phẩm thực hiện trong giờ làm việc, sử dụng phòng thí nghiệm, kinh phí và cơ sở vật chất khác của tổ chức đó sẽ là đồng tác giả, nhưng không phải là chủ sở hữu quyền tác giả. Tổ chức giao nhiệm vụ là chủ sở hữu quyền tác giả, còn các đồng tác giả có những quyền nhân thân và tài sản nhất định theo quy định của pháp luật.
Chẳng hạn, Trường Đại học H cấp kinh phí cho một nhóm tác giả biên soạn Giáo trình Tâm lý học gồm ông A, ông B và ông C. Như vậy, các đồng tác giả biên soạn cuốn sách này có các quyền nhân thân được quy định tại Khoản 1, 2 và 4 Luật Sở hữu trí tuệ, còn trường Đại học H là chủ sở hữu quyền tác giả có quyền công bố, cho người khác công bố tác phẩm và toàn bộ nhóm quyền tài sản (theo Khoản 3 Điều 19 và Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
Các đồng tác giả sáng tạo ra tác phẩm chung nếu có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các tác giả khác thì có các quyền nhân thân và quyền tài sản quy định tại các Điều 19 và Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Trường hợp đồng tác giả không tách bạch sự độc lập được hiểu toàn bộ nội dung đều do hai tác giả thực hiện. Vị trí của các đồng tác giả giống như vị trí của các đồng sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia nên khi chuyển giao quyền tác giả phải có sự đồng ý của tất cảc các đồng tác giả. Bộ truyện tranh Thần đồng Đất Việt được Cục Bản quyền tác giả công nhận Phan Thị (Giám đốc công ty Phan Thị) và Lê Linh (họa sỹ Lê Phong Linh) là đồng tác giả nên cả hai đều có các quyền nhân thân thân theo quy định của pháp luật.
Người sáng tạo ra tác phẩm phái sinh từ tác phẩm của người khác, bao gồm tác phẩm được dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn là tác giả của tác phẩm phái sinh đó. Cá nhân, tổ chức làm công việc hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo tác phẩm không được công nhận quyền tác giả.
Tác giả có thể là pháp nhân hay tổ chức không? Trong hệ thống pháp luật một số nước về quyền tác giả, khái niệm tác giả không chỉ là thể nhân mà còn có thể là pháp nhân hoặc tổ chức, nếu việc xác định tác giả là thể nhân không cần thiết hoặc sẽ gây khó khăn cho việc quản lý. Vì vậy, “khái niệm tác giả được hiểu rộng hơn không chỉ là cá nhân mà còn có thể là tổ chức, pháp nhân. Hiểu khái niệm này theo nghĩa rộng như vậy sẽ bao hàm việc ghi nhận pháp nhân đầu tư xây dựng chương trình máy tính là “tác giả” của chương trình máy tính đó và mới có thể xác định được tác giả của các chương trình của nước ngoài như của Microsoft, Norton,… đang được lưu hành tại Việt Nam”. Trong quá trình tạo ra tác phẩm thì vai trò của những người tham gia cũng hoàn toàn khác nhau, nên sự phân định phần quyền tác giả rất khó khăn. Ví dụ: “Để ra đời phần mềm máy tính “Window 95”, Công ty Microsoft đã phải huy động gần 2.500 lập trình viên tham gia làm việc nhưng vai trò của họ không như nhau. Một số lập trình viên hoạch định các thuật toán để giải quyết vấn đề, một số lập trình viên khác chỉ làm những công việc đã được vạch sẵn với những phép thử/sai, không cần sáng tạo gì thêm”. Khi thảo luận về Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ 2005, nhiều ý kiến cho rằng nên quy định đăng ký quyền tác giả đối với phần mềm là một pháp nhân vì phần mềm có hàng nghìn người tham gia cùng viết, nếu theo quy định của pháp luật thì phải ghi đầy đủ tên tất cả những người đó vào giấy chứng nhận bản quyền phần mềm – điều mà thực tế chưa bao giờ thực hiện được. Hiện nay, pháp luật nước ta chỉ quy định tác giả là cá nhân, do đó khi xác định tác giả cũng cần xem xét, đánh giá vai trò thực sự của họ trong suốt quá trình sáng tạo ra tác phẩm đó. Theo hệ thống pháp luật một số nước công nhận tổ chức là tác giả thì tổ chức đó có đầy đủ các quyền nhân thân và quyền tài sản, vấn đề này cần được cân nhắc kỹ lưỡng cho phù hợp với các Công ước quốc tế, các hiệp định đa phương, song phương và thực tiễn.