1. Khái niệm quyền con người
Trong khoa học pháp lý, các quyền con người (hay còn được gọi là nhân quyền) được hiểu là những quyền mà pháp luật cần phải thừa nhận đối với tất cả các cá nhân. Đó là các quyền tối thiểu mà cá nhân phải có mà các nhà lập pháp không được xâm hại đến. Các quyền không thể tước bỏ bao gồm các quyền sống, quyền sở hữu, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do lập hội, quyền bình đẳng trước pháp luật…
Các quyền con người, lần đầu tiên được ghi nhận trang trọng trong Tuyên ngôn độc lập của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ năm 1776: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền mà không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền đó có quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền đã được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua và công bố vào ngày 10 tháng 12 năm 1948 tuyên bố rằng: “Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi người đều được phú bẩm về lý trí và lương tâm và vì thế phải đối xử với nhau trên tinh thần bác ái. Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do được công bố trong bản Tuyên ngôn này và không có một sự phân biệt nào, như chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay tất cả quan điểm khác, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội, tài sản, nơi sinh, hay tất cả những hoàn cảnh khác… Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân…”.
Trong lịch sử lập hiến Việt Nam, lần đầu tiên nguyên tắc tôn trọng quyền con người đã được quy định tại Điều 50 Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp năm 2013 đã có những quy định cụ thể về quyền con người. Khác với Hiến pháp năm 1992 chỉ đề cập đến quyền con người chỉ trong một điều, thì Hiến pháp năm 2013 đã có gần 20 điều quy định quyền con người.
2. Khái niệm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
Trong khoa học pháp lý, toàn bộ các quyền và nghĩa vụ của công dân, được chia ra làm hai loại: các quyền và nghĩa vụ cơ bản và các quyền và nghĩa vụ không cơ bản. Các quyền và nghĩa vụ được quy định trong Hiến pháp của các nước được quan niệm là quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nó chỉ là một bộ phận của quyền và nghĩa vụ của công dân, nhưng là bộ phận cơ bản có ý nghĩa thiết yếu đối với sự tồn tại và phát triển của họ.
Quyền cơ bản của công dân cơ bản là khả năng của mỗi công dân được tự do lựa chọn hành động. Khả năng đó được Nhà nước ghi nhận trong Hiến pháp và bảo đảm thực hiện bằng quyền lực Nhà nước.
Nghĩa vụ cơ bản của công dân là sự tất yếu phải hành động của mỗi công dân vì lợi ích của toàn thể Nhà nước và xã hội. Sự tất yếu đó được Nhà nước quy định trong Hiến pháp và bảo đảm thực hiện bằng quyền lực Nhà nước.
Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là cơ sở chủ yếu để xác định địa vị pháp lý của công dân, là cơ sở đầu tiên cho mọi quyền và nghĩa vụ khác của công dân được các ngành luật khác ghi nhận. Cơ sở phát sinh duy nhất của các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam là công dân đó có quốc tịch Việt Nam. Chỉ người có quốc tịch Việt Nam mới có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Còn cơ sở phát sinh các quyền và nghĩa vụ khác của công dân là sự tham gia của họ vào các quan hệ pháp luật hoặc các sự kiện pháp lý.
3. Mối quan hệ giữa quyền con người và quyền cơ bản của công dân
Khái niệm quyền con người xét về nguồn gốc tự nhiên là quyền của tất cả các cá nhân, không liên quan đến việc nó có được ghi nhận trong pháp luật một nhà nước cụ thể nào không. Trái lại, khái niệm quyền cơ bản của công dân lại là các quyền được thể hiện trong Hiến pháp của một nước, được ghi nhận và đảm bảo thực hiện trong một nhà nước cụ thể. Chủ thể của quyền con người là mỗi con người mà ngay từ khi họ được sinh ra thì tạo hoá đã ban cho họ cái mà được gọi là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc,… còn chủ thể của quyền cơ bản của công dân là công dân của một nhà nước cụ thể (người mang quốc tịch của một nhà nước cụ thể). Đối với những người không phải là công dân của nhà nước nơi họ cư trú (người không mang quốc tịch của một nhà nước nơi họ cư trú), thì họ chỉ có được một số quyền cơ bản của công dân hoặc phải thực thi một số nghĩa vụ cơ bản của công dân đối với xã hội, nhà nước nơi họ cư trú. Ví dụ, người không phải là công dân Việt Nam (không có quốc tịch Việt Nam) không có quyền bầu cử và ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, không phải thực thi nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam…
Tuy là những khái niệm không thể đồng nhất với nhau, nhưng “quyền con người” và “quyền cơ bản của công dân” lại là các khái niệm có sự thống nhất. Sự thống nhất đó thể hiện ở chỗ, trong mỗi quốc gia, quyền cơ bản của công dân trong nội dung là sự thể hiện cụ thể của quyền con người. Việc nhận thức giá trị và bản chất của quyền con người có vai trò quyết định trực tiếp trong việc xây dựng các quy chế pháp lý về quyền cơ bản của công dân trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia. Việc ghi nhận và đảm bảo thực hiện các quyền cơ bản của công dân chính là đã thực hiện nội dung cơ bản của quyền con người.
Cho tôi xin giáo trình ” Pháp luật an sinh xã hội ” và ” Lý luận pháp luật về quyền con người “.
Trân trọng cảm ơn!
LawFirm.Vn đã gửi đến email của bạn. Bạn vui lòng kiểm tra hộp thư đến nhé!