Khái niệm, đặc điểm và nguyên tắc của hoạt động điều tra

0 1.820

1. Khái niệm hoạt động điều tra

Điều tra trong tố tụng hình sự được nghiên cứu dưới góc độ một hoạt động nhằm tìm kiếm chứng cứ để xác định sự thật của vụ án. Với ý nghĩa như vậy, hoạt động điều tra trong tố tụng hình sự Việt Nam xuất hiện ở tất cả các giai đoạn tố tụng như: khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn tố tụng điều tra do các chủ thể khác nhau tiến hành với các biện pháp khác nhau và trình tự, thủ tục khác nhau nhằm thực hiện nhiệm vụ của từng giai đoạn tố tụng hình sự. Ở giai đoạn điều tra, điều tra được hiểu là các hoạt động nhận thức của Cơ quan điều tra theo trình tự, thủ tục luật định bằng phương pháp, chiến thuật và kỹ thuật nhằm tìm kiếm chứng cứ xác định sự thật của vụ án và thực hiện nhiệm vụ khác của giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Trong giai đoạn điều tra, ngoài Cơ quan điều tra, trong một số trường hợp Viện kiểm sát cũng tiến hành một số hoạt động điểu tra nhằm thực hiện chức năng thực hiện quyền công tố trong tố tụng hình sự.


2. Đặc điểm hoạt động điều tra

– Hoạt động điều tra do Cơ quan điều tra và một số cơ quan có thẩm quyền thực hiện.

– Hoạt động điều tra được tiến hành theo trình tự, thủ tục luật định bằng các phương pháp mang tính chất kỹ thuật và chiến thuật.

– Mục đích của giai đoạn điều tra trước hết là tìm kiếm chứng cứ, xác định sự thật của vụ án và giải quyết các nhiệm vụ khác của giai đoạn điều tra.

Hình minh họa. Khái niệm, đặc điểm và nguyên tắc của hoạt động điều tra

3. Nguyên tắc của các hoạt động điều tra

Điều tra trong tố tụng hình sự có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện mục đích của tố tụng hình sự. Hoạt động điều tra còn tác động ở mức độ khác nhau đến các quyền cơ bản của con người. Chính vì vậy, hoạt động điều tra phải dựa trên các quan điểm có tính chất chỉ đạo, đòi hỏi thể hiện và tuân thủ xuyên suốt quy định của pháp luật về điều tra cũng như thực tiễn thực hiện hoạt động điều tra. Đó chính là các nguyên tắc của hoạt động điều tra, bao gồm:

Thứ nhất, hoạt động điều tra phải tôn trọng sự thật, khách quan, toàn diện và đầy đủ. Nguyên tắc này đòi hỏi mục đích của hoạt động điều tra là phải xác định sự thật của vụ án, đó là những tình tiết xảy ra trong thực tế của vụ án hình sự, mà Cơ quan điều tra không được xuyên tạc, bóp méo, làm sai lệch sự thật đó. Cơ quan điều tra được sử dụng các biện pháp luật định để làm sáng tỏ sự thật của vụ án. Sự thật bao quát nhất ở đây là có hay không có sự kiện phạm tội xảy ra trên thực tế? Ai là người phạm tội, phạm tội gì theo quy định nào của Bộ luật Hình sự?

Ngoài việc tôn trọng sự thật, hoạt động điều tra phải bảo đảm khách quan. Tính khách quan của hoạt động điều tra của vụ án được quy định bởi chính tính khách quan của sự kiện phạm tội và các yếu tố tác động đến nó. Tính khách quan đòi hỏi các hoạt động điều tra phải diễn ra đúng pháp luật nhằm chứng minh sự thật của vụ án đúng như trong thực tế nó xảy ra, không suy diễn theo ý chí chủ quan của người tiến hành tố tụng. Đối lập với tính khách quan là tính chủ quan của những người tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, nhất là trong hoạt động thu thập, nghiên cứu, đánh giá các tài liệu, chứng cứ của vụ án vì những động cơ khác nhau.

Để bảo đảm tính khách quan trong hoạt động điều tra đòi hỏi những người tiến hành tố tụng phải có thái độ vô tư, không định kiến khi thu thập, nghiên cứu, đánh giá chứng cứ chứng minh các sự kiện, tình tiết xảy ra trên thực tế… Mặt khác, tính khách quan cũng đòi hỏi người tiến hành tố tụng phải tận tâm, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và lương tâm nghề nghiệp. Những khuynh hướng chỉ thu thập chứng cứ buộc tội mà bỏ qua chứng cứ gỡ tội làm mất đi tính khách quan của hoạt động xác định sự thật của vụ án.

Để bảo đảm tính khách quan của hoạt động điều tra đòi hỏi những người tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết đúng đắn, kịp thời những yêu cầu, khiếu nại, tố cáo có ý nghĩa đối với việc điều tra.

Tính khách quan của hoạt động điều tra còn đòi hỏi những người tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, nhất là những yêu cầu của pháp luật, ví dụ bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng, những trường hợp phải thay đổi người tiến hành tố tụng. Thực hiện đúng pháp luật là một trong những yếu tố bảo đảm tính khách quan của hoạt động điều tra.

Thứ hai, yêu cầu về tính toàn diện. Tính toàn diện trong hoạt động điều tra đòi hỏi việc điểu tra phải được xem xét một cách triệt để, từ tổng thể đến chi tiết và mối quan hệ của các chi tiết đó trong tổng thể vụ án. Để đạt được yêu cầu này, người tiến hành tố tụng cần phải làm rõ các vấn đề chứng minh của vụ án bằng cách xem xét các chứng cứ riêng lẻ trong tổng hợp chứng cứ và đặt chúng trong mối quan hệ qua lại với nhau.

Thứ ba, hoạt động điều tra phải tuân thủ pháp luật hay còn gọi là tính hợp pháp. Mọi biện pháp hợp pháp ở đây được hiểu là các biện pháp được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Điều này bị quy định bởi tính chất pháp lý của chân lý trong tố tụng hình sự. Chân lý trong tố tụng hình sự là những nhận thức về vụ án nhưng nhận thức đó không phải là kết quả của mọi biện pháp kể cả bất hợp pháp mà nhận thức đó phải trên nển tảng, bị ràng buộc bởi pháp luật. Chính vì vậy, luật tố tụng hình sự đã quy định hàng loạt các biện pháp xác định Sự thật của vụ án trong từng giai đoạn tố tụng và với các chủ thể khác nhau. Cơ quan điều tra chỉ được phép áp dụng các biện pháp điều tra mà Bộ luật Tố tụng hình sự quy định để thu thập chứng cứ trong giai đoạn điều tra.

Tính hợp pháp của các hoạt động điều tra không chỉ nhằm bảo đảm xác định được sự thật, đồng thời còn tránh được việc tuỳ tiện, lạm quyền trong hoạt động điều tra, xác định sự thật bằng mọi giá, kể cả các biện pháp xâm phạm đến quyền con người.

Người tiến hành tố tụng có thể sử dụng một hoặc kết hợp các biện pháp điều tra do luật định để xác định sự thật vụ án. Tính hợp pháp ở đây thể hiện việc tuân thủ pháp luật một cách nghiêm chỉnh trên bốn nội dung, đó là thẩm quyền áp dụng, căn cứ áp dụng, trình tự áp dụng và đối tượng áp dụng. Trong nhiều trường hợp, biện pháp áp dụng còn phải bảo đảm những điều kiện khác mới thỏa mãn tính hợp pháp như hỏi cung phải có sự tham gia của Luật sư khi được yêu cầu, khám xét phải có người làm chứng… Việc quy định về tính hợp pháp của các biện pháp là sự giới hạn phạm vi cho phép về quyền của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.

Về nguyên tắc, Cơ quan điều tra được áp dụng mọi biện pháp để xác định sự thật của vụ án nhưng không bao hàm đòi hỏi phải tìm bằng được chân lý khách quan trong vụ án mà chân lý chỉ có thể là kết quả của những gì có thể làm được để có kết quả trong vụ án và pháp luật đã tạo những điều kiện tối đa để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thể đạt được đến giới hạn chứng minh cao nhất, nhằm bảo đảm cho sự thật vụ án được xác định ngày một tiệm cận hơn đến chân lý. Nói cách khác, tố tụng hình sự Việt Nam không đòi hỏi phải tìm bằng được sự thật mà yêu cầu các Cơ quan điều tra phải sử dụng mọi biện pháp luật định để tìm sự thật của vụ án.

Tuy nhiên, cho dù pháp luật tố tụng hình sự – cơ sở pháp lý cho hoạt động điều tra có hoàn thiện đến đâu thì quá trình điều tra không thể không có sự can thiệp của các yếu tố chủ quan của người tiến hành tố tụng. Trong một số trường hợp, chính các yếu tố chủ quan này làm cho sự thật của vụ án bị xuyên tạc, bóp méo. Chính vì thế, trong quá trình điều tra đòi hỏi người tiến hành tố tụng phải đánh giá chứng cứ với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, sau khi nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ các tình tiết của vụ án.

5/5 - (94 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.

ZaloFacebookMailMap