Huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy
Việc huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy là biện pháp cơ bản trong chữa cháy, từ đó việc chữa cháy sẽ kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra. Nội dung chi tiết sẽ được LawFirm.Vn cụ thể qua Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Luật phòng cháy và chữa cháy, Nghị định 136/2020/NĐ-CP, Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
1. Khái niệm
Cháy được hiểu là trường hợp xảy ra cháy không kiểm soát được có thể gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường. (Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001)
Chữa cháy bao gồm các công việc huy động, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cắt điện, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan, dập tắt đám cháy và các hoạt động khác có liên quan đến chữa cháy. (Khoản 8 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001)
2. Huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy
Căn cứ theo Điều 34 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 thì việc huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy được thực hiện như sau:
– Khi có cháy, người và phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đều có thể được huy động để chữa cháy và phục vụ chữa cháy; khi nhận được lệnh huy động phải chấp hành ngay.
– Phương tiện, tài sản được huy động bị thiệt hại hoặc nhà, công trình bị phá dỡ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 38 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 được bồi thường theo quy định của pháp luật.
– Việc huy động xe ưu tiên, người và phương tiện của quân đội, của tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam để tham gia chữa cháy được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
3. Huy động xe ưu tiên, người và phương tiện của quân đội, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam để tham gia chữa cháy
Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì:
– Người và phương tiện của quân đội khi không làm nhiệm vụ khẩn cấp đều có thể được huy động để chữa cháy và phục vụ chữa cháy.
– Người chỉ huy đơn vị quân đội khi nhận được lệnh huy động lực lượng và phương tiện để chữa cháy và phục vụ chữa cháy phải chấp hành ngay hoặc báo cáo ngay lên cấp có thẩm quyền để Tổ chức thực hiện.
– Người và phương tiện của tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam đều có thể được huy động để chữa cháy và phục vụ chữa cháy trừ những tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Lưu ý: Không huy động các loại xe sau đây để chữa cháy và phục vụ chữa cháy:
– Xe quân sự, xe Công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp;
– Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
– Xe hộ đê, xe đang làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
– Đoàn xe có Cảnh sát dẫn đường;
– Đoàn xe tang;
– Các xe ưu tiên khác theo quy định của pháp luật.
4. Thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy
Thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy được quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 136/2020/NĐ-CP gồm:
– Người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý.
Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì phải đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định
– Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của lực lượng phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý.
Sau khi huy động thì thông báo cho người có thẩm quyền quản lý lực lượng, phương tiện và tài sản đó biết.
Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức trong phạm vi quản lý của mình.
Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện, tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định.
– Giám đốc Công an cấp tỉnh được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của lực lượng Công an thuộc phạm vi quản lý của mình.
Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định.
– Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi cả nước.
Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định.
Sau khi huy động thì thông báo cho người có thẩm quyền quản lý lực lượng, phương tiện và tài sản đó biết.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý của mình và lực lượng quân đội đóng ở địa phương.
Sau khi huy động thì thông báo cho người có thẩm quyền quản lý lực lượng, phương tiện, tài sản đó biết.
– Bộ trưởng Bộ Công an được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi cả nước.
Sau khi huy động thì thông báo cho người có thẩm quyền quản lý lực lượng, phương tiện và tài sản đó biết.
5. Thủ tục huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy
Thủ tục huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy được căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 136/2020/NĐ-CP:
– Việc huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy phải được thể hiện bằng Lệnh huy động, điều động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy (Mẫu số PC20).
– Trường hợp khẩn cấp, lệnh huy động có thể bằng lời nói, nhưng chậm nhất không quá 03 ngày làm việc phải thể hiện lệnh đó bằng văn bản. Người ra lệnh huy động bằng lời nói phải xưng rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, đồng thời phải nêu rõ căn cứ huy động và yêu cầu về người, phương tiện, tài sản cần huy động, thời gian, địa điểm tập kết.
– Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài phạm vi quản lý, người chỉ huy chữa cháy báo cáo đề xuất và được người có thẩm quyền huy động đồng ý thì được phép huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó để chữa cháy nhưng sau đó phải tham mưu cho người có thẩm quyền huy động ban hành quyết định huy động bằng văn bản.
6. Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy
Khoản 8 Điều 1 Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi 2013 quy định các hành vi bị nghiêm cấm:
– Chiếm đoạt, hủy hoại, làm hư hỏng, tự ý thay đổi, di chuyển, che khuất phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy, biển báo, biển chỉ dẫn;
– Cản trở lối thoát nạn.
7. Xử lý vi phạm quy định về huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy
Căn cứ theo quy định tại Điều 41 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về vi phạm quy định về trang bị, bảo quản và sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy thì:
– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi làm che khuất phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
– Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện phòng cháy và chữa cháy định kỳ;
+ Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy không đầy đủ hoặc không đồng bộ theo quy định;
+ Không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới theo quy định.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy chưa được kiểm định về chất lượng, chủng loại, mẫu mã theo quy định;
+ Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy không phù hợp với tính chất nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở theo quy định;
+ Sử dụng phương tiện chữa cháy ở vị trí thường trực chữa cháy dùng vào mục đích khác;
+ Không dự trữ đủ nước chữa cháy theo quy định;
+ Di chuyển, thay đổi vị trí lắp đặt phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
+ Không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới chuyên dùng để vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho nhà, công trình theo quy định;
+ Làm mất, hỏng hoặc làm mất tác dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy theo quy định.
– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 4 Điều 41 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Kết luận: Huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy được thực hiện theo các quy định tại Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Luật phòng cháy và chữa cháy, Nghị định 136/2020/NĐ-CP, Nghị định 167/2013/NĐ-CP.