Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

0 125

Nhóm huấn luyện là nhóm các đối tượng huấn luyện có cùng đặc điểm chung về công việc, yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động và được phân loại theo quy định tại Nghị định 140/2018/NĐ-CP.


1. Đối tượng tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

Theo khoản 1, 2, 3 Điều 14 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015, các đối tượng bắt buộc tham gia huấn luyện an toàn lao động là:

– Người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động,

– Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động,

– Người làm công tác y tế, an toàn,

–  Vệ sinh viên.

– Người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động kể cả người lao động không làm theo hơp đồng lao động.

Các đối tượng trên được chia thành các nhóm cụ thể tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 140/2018/NĐ-CP, như sau:

– Nhóm 1: Người đứng đầu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và phòng, ban, chi nhánh trực thuộc; phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương; cấp phó của người đứng đầu theo quy định tại Khoản này được giao nhiệm vụ phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động.
– Nhóm 2: Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động bao gồm: Chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn, vệ sinh lao động của cơ sở; người trực tiếp giám sát về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
– Nhóm 3: Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là người làm công việc thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
– Nhóm 4: Người lao động không thuộc các nhóm 1, 3, 5, 6 quy định tại khoản này, bao gồm cả người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho người sử dụng lao động.
– Nhóm 5: Người làm công tác y tế.
– Nhóm 6: An toàn, vệ sinh viên theo quy định tại Điều 74 Luật an toàn, vệ sinh lao động

Hình minh họa. Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

2. Nội dung huấn luyện

Từ khoản 1 đến khoản 6 Điều 18 Nghị định 44/2016/NĐ-CP, quy định về nội dung huấn luyện của từng nhóm, được triển khai tương ứng từ 2.1 đến 2.6 như sau.

2.1. Huấn luyện nhóm 1

– Hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

– Nghiệp vụ công tác an toàn, vệ sinh lao động bao gồm: Tổ chức bộ máy, quản lý và thực hiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động ở cơ sở; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động; kiến thức cơ bản về yếu tố nguy hiểm, có hại, biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện lao động; văn hóa an toàn trong sản xuất, kinh doanh.

2.2. Huấn luyện nhóm 2

– Hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

– Nghiệp vụ công tác an toàn, vệ sinh lao động: Tổ chức bộ máy, quản lý và thực hiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động ở cơ sở; xây dựng nội quy, quy chế, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động; văn hóa an toàn trong sản xuất, kinh doanh; kiến thức cơ bản về yếu tố nguy hiểm, có hại, biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện lao động; xây dựng, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động hằng năm; phân tích, đánh giá rủi ro và xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; xây dựng hệ thống quản lý về an toàn, vệ sinh lao động; nghiệp vụ công tác tự kiểm tra; công tác Điều tra tai nạn lao động; những yêu cầu của công tác kiểm định, huấn luyện và quan trắc môi trường lao động; quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; sơ cấp cứu tai nạn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động; công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật, thống kê, báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động;

– Nội dung huấn luyện chuyên ngành: Kiến thức tổng hợp về máy, thiết bị, vật tư, chất phát sinh yếu tố nguy hiểm, có hại; quy trình làm việc an toàn với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

2.3. Huấn luyện nhóm 3

– Hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

– Kiến thức cơ bản về an toàn, vệ sinh lao động: Chính sách, chế độ về an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động; kiến thức cơ bản về yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc và phương pháp cải thiện điều kiện lao động; chức năng, nhiệm vụ của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; văn hóa an toàn trong sản xuất, kinh doanh; nội quy an toàn, vệ sinh lao động, biển báo, biển chỉ dẫn an toàn, vệ sinh lao động và sử dụng thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân; nghiệp vụ, kỹ năng sơ cứu tai nạn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp;

– Nội dung huấn luyện chuyên ngành: Kiến thức tổng hợp về máy, thiết bị, vật tư, chất phát sinh các yếu tố nguy hiểm, có hại và phương pháp phân tích, đánh giá, quản lý rủi ro liên quan đến công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động mà người được huấn luyện đang làm; quy trình làm việc an toàn, vệ sinh lao động; kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến công việc của người lao động.

2.4. Huấn luyện nhóm 4

– Kiến thức cơ bản về an toàn, vệ sinh lao động: Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động; chính sách, chế độ về an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động; kiến thức cơ bản về yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc và phương pháp cải thiện điều kiện lao động; chức năng, nhiệm vụ của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; văn hóa an toàn trong sản xuất, kinh doanh; nội quy an toàn, vệ sinh lao động, biển báo, biển chỉ dẫn an toàn, vệ sinh lao động và sử dụng các thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân, nghiệp vụ, kỹ năng sơ cứu tai nạn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.

– Huấn luyện trực tiếp tại nơi làm việc: Quy trình làm việc và yêu cầu cụ thể về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

2.5. Huấn luyện nhóm 5

– Hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

– Nghiệp vụ công tác an toàn, vệ sinh lao động bao gồm: Tổ chức bộ máy, quản lý và thực hiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động ở cơ sở; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động; kiến thức cơ bản về yếu tố nguy hiểm, có hại, biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện lao động; văn hóa an toàn trong sản xuất, kinh doanh;

2.6. Huấn luyện nhóm 6

Người lao động tham gia mạng lưới an toàn, vệ sinh viên ngoài nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định còn được huấn luyện bổ sung về kỹ năng và phương pháp hoạt động của an toàn, vệ sinh viên.


3. Thời gian huấn luyện

Theo Điều 19 Nghị định 44/2016/NĐ-CP, thời gian huấn luyện lần đầu tối thiểu được quy định như sau:

– Nhóm 1, nhóm 4: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 16 giờ.

– Nhóm 2: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 48 giờ.

– Nhóm 3: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 24 giờ.

– Nhóm 5:  Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 16 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra (khoản 6 Điều 1 Nghị định 140/2018/NĐ-CP)

– Nhóm 6: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 4 giờ ngoài nội dung đã được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.


4. Trách nhiệm của người sử dụng lao động

Theo khoản 4, 5 Luật an toàn vệ sinh và lao động 2015, người sử dụng lao động có các trách nhiệm sau:

–  Người sử dụng lao động tự tổ chức huấn luyện và chịu trách nhiệm về chất lượng huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, người học nghề, tập nghề, người thử việc trước khi tuyển dụng hoặc bố trí làm việc.

– Định kỳ huấn luyện lại nhằm trang bị đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao.

– Người sử dụng lao động chủ động tổ chức huấn luyện riêng về an toàn, vệ sinh lao động hoặc kết hợp huấn luyện các nội dung về an toàn, vệ sinh lao động với huấn luyện về phòng cháy, chữa cháy hoặc nội dung huấn luyện khác được pháp luật chuyên ngành quy định mà không gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh.


5. Huấn luyện, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động và huấn luyện định kỳ

5.1. Huấn luyện ôn lại, cập nhật kiến thức và huấn luyện định kỳ

Theo Điều 21 Nghị định 44/2016/NĐ-CP, huấn luyện, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động và huấn luyện định kỳ được quy định như sau:

– Huấn luyện ôn lại kiến thức, cập nhật kiến thức: ít nhất 2 năm 1 lần

– Thời gian huấn luyện: ít nhất bằng 50% thời gian huấn luyện lần đầu.

– Đối với người làm công tác y tế: tham gia các cuộc họp, hội nghị và giao dịch với cơ quan y tế địa phương hoặc y tế bộ, ngành để nâng cao nghiệp vụ và phối hợp công tác, theo điểm c khoản 3 Điều 73 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015.

– Đối với nhóm 4: huấn luyện định kỳ 1 năm 1 lần, thời gian huấn luyện ít nhất bằng 50% thời gian huấn luyện lần đầu, theo khoản 2 Điều 21 Nghị định 44/2016/NĐ-CP.

5.2. Huấn luyện khi có sự thay đổi về công việc; thay đổi về thiết bị, công nghệ và huấn luyện sau thời gian nghỉ làm việc

Theo điểm a khoản 3 Điều 21 Nghị định 44/2016/NĐ-CP, huấn luyện khi có sự thay đổi về công việc, thay đổi thiết bị công nghệ như sau:

– Trước khi giao việc phải được huấn luyện nội dung về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với công việc mới hoặc thiết bị, công nghệ mới.

-Trường hợp đối tượng đã được huấn luyện trong thời hạn dưới 12 tháng kể từ khi chuyển sang làm công việc mới hoặc kể từ khi có sự thay đổi thiết bị, công nghệ thì nội dung huấn luyện lại được miễn phần đã được huấn luyện.

Theo điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định 44/2016/NĐ-CP, khi cơ sở ngừng hoạt động hoặc người lao động nghỉ việc từ 6 tháng trở lên thì người lao động được huấn luyện lại với nội dung như lần đầu và thời gian là bằng 50% lần đầu.

5/5 - (97 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.

ZaloFacebookMailMap