1. Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp là gì?
Theo quy định của Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2020 thì: Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp là hợp đồng được giao kết bởi một bên là người thành lập doanh nghiệp, phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.
Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp là những hợp đồng được ký kết trước khi đăng ký kinh doanh liên quan đến hoạt động phục vụ cho việc thành lập, hoạt động công ty như: Hợp đồng thuê trụ sở, hợp đồng dịch vụ pháp lý với văn phòng/công ty luật để thực hiện thủ tục thành lập công ty; Hợp đồng thỏa thuận góp vốn, Hợp đồng thỏa thuận về quản lý điều hành, bồi thường thiệt hại…
Trên cơ sở quy định của Điều 18 Luật doanh nghiệp 2020. Chủ doanh nghiệp có thể ký các hợp đồng liên quan đến thành lập công ty và có đủ giá trị pháp lý, sau khi có giấy phép đăng ký kinh doanh là pháp nhân, doanh nghiệp sẽ chuyển thông tin hợp đồng từ cá nhân sang thông tin của doanh nghiệp để thực hiện tiếp quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng.
- Trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2020 và các bên phải thực hiện việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác.
- Trường hợp doanh nghiệp không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người ký kết hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2020 chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng; trường hợp có người khác tham gia thành lập doanh nghiệp thì cùng liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó.
2. Đặc điểm của hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp
Hợp đồng có các đặc điểm sau đây:
2.1. Về chủ thể
Một trong các bên giao kết hợp đồng là người thành lập doanh nghiệp. Theo quy định tại khoản 25 điều 4 Luật doanh nghiệp 2020, người thành lập doanh nghiệp là cá nhân, tổ chức thành lập hoặc góp vốn để thành lập doanh nghiệp. Như vậy, người ký kết hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp 2020 là cá nhân, tổ chức thành lập hoặc góp vốn thành lập doanh nghiệp
2.2. Về mục đích
Mục đích của hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp là để phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp. Những hợp đồng đó có thể là: Hợp đồng thuê trụ sở, hợp đồng mua các phương tiện, thiết bị cho hoạt động của doanh nghiệp, hợp đồng dịch vụ pháp lý với văn phòng/công ty luật để thực hiện thủ tục thành lập công ty. Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, nên doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng tài sản của chính pháp nhân đối với nghĩa vụ và trách nhiệm phát sinh do vi phạm hợp đồng. Doanh nghiệp tương lai sẽ phải tiếp nhận thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ một hợp đồng mà chính pháp nhân doanh nghiệp không ký kết.
2.3. Về thời điểm giao kết
Thời điểm giao kết hợp đồng là trước và trong quá trình thành lập doanh nghiệp. Như đã phân tích ở trên, thời điểm doanh nghiệp chưa thành lập thì chưa có tư cách pháp nhân để trở thành một bên chủ thể của hợp đồng. Có thể dựa trên các quy định riêng tại từng chế định về các loại hình doanh nghiệp để xác định thời điểm doanh nghiệp được thành lập. Công ty có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chính vì vậy, từ thời điểm ấy trở đi, các công ty mới có thể tự mình xác lập, thực hiện và thay đổi hợp đồng với chủ thể khác. Trước thời điểm ấy, các hợp đồng được giao kết vì lợi ích công ty thì do người thành lập công ty giao kết.
2.4. Về trách nhiệm đối với vi phạm hợp đồng
Trường hợp doanh nghiệp không được thành lập, người mang nghĩa vụ và chịu trách nhiệm đối với vi phạm hợp đồng là người trực tiếp giao kết hợp đồng, trong trường hợp này là người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp được thành lập, doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Bốn đặc điểm trên đã khái quát hoá định nghĩa của hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp theo cách nhìn nhận hiện đại của pháp luật Việt Nam. Các hợp đồng này có thể là hợp đồng được người thành lập doanh nghiệp giao kết với người không phải người thành lập doanh nghiệp, hoặc có thể là hợp đồng giao kết giữa những người thành lập doanh nghiệp với nhau. Khi giao kết hợp đồng, các bên sẽ phát sinh nghĩa vụ, trách nhiệm ràng buộc đối với hợp đồng sau khi doanh nghiệp được thành lập hoặc không được thành lập.
3. Trách nhiệm của các bên khi tham gia ký kết hợp đồng
Trên thực tế để một doanh nghiệp nào đó có thể đi vào hoạt động ổn định và kinh doanh phát triển thì người thành lập doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị chu đáo và có phương án rõ ràng trước khi doanh nghiệp được thành lập. Theo đó người thành lập doanh nghiệp có thể ký hợp đồng nhằm để chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trong thời điểm trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Khi ký kết hợp đồng sẽ phát sinh nghĩa vụ đối với các bên tham gia ký kết. Trường hợp doanh nghiệp được thành lập thì doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết. Còn trong trường hợp doanh nghiệp không được đăng ký thành lập thì người ký kết hợp đồng chịu trách nhiệm hoặc người thành lập doanh nghiệp liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó. Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi của bên còn lại trong giao kết hợp đồng trước khi đăng ký doanh nghiệp. Tức là quyền và nghĩa vụ của họ vẫn được đảm bảo dù công ty có được thành lập không. Và trong trường hợp doanh nghiệp không được đăng ký kinh doanh thì gặp rủi ro là người ký kết hợp đồng nhân danh mình hoặc những người thành lập liên đới chịu trách nhiệm. Để hạn chế rủi ro, các thành viên hoặc cổ đông sáng lập nên thỏa thuận cụ thể với nhau về nghĩa vụ pháp lý phát sinh từ việc ký hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp.
Riêng đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân, vì đặc tính không có tư cách pháp nhân sau khi thành lập nên sẽ không đặt ra vấn đề phân biệt trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp tư nhân trước và sau khi thành lập. Trong mọi trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân đều phải chịu trách nhiệm vô hạn. Vấn đề chịu trách nhiệm của hợp đồng ký trước khi thành lập doanh nghiệp chỉ đặt ra đối với người thành lập doanh nghiệp là thành viên công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ đông sáng lập công ty cổ phần.