Hợp đồng trao đổi tài sản là gì? Quy định về hợp đồng trao đổi tài sản
1. Khái niệm hợp đồng trao đổi tài sản là gì?
Trao đổi hàng hoá là nhu cầu tất yếu trong nền kinh tế tự cung, tự cấp. Vì chưa xuất hiện tiền tệ làm công cụ thanh toán cho việc trao đổi đó cho nên con người trao đổi vật lấy vật ngang bằng giá, tức đổi vật này lấy vật khác và giá trị của vật được coi bằng nhau, giá trị này do nhu cầu của các bên quyết định.
Cùng với sự phát triển của xã hội loài người, để tiện lợi cho việc trao đổi hàng hoá, Nhà nước điều chỉnh quan hệ trao đổi bằng giá trị tiền tệ. Tiền là thước đo của giá trị hàng hoá. Từ đây, quan hệ mua bán xuất hiện và việc trao đổi được xác định bằng giá trị hàng hoá, vì vậy người có hàng hoá giá trị thấp phải bù trừ cho người có hàng hoá giá trị cao hơn.
Trong cuộc sống, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng ngày càng tăng. Để thoả mãn nhu cầu đó, con người tham gia vào các giao dịch dân sự như mua bán, vay, mượn... Tuy nhiên, có những trường hợp nhiều người không còn nhu cầu sử dụng tài sản của mình đang sở hữu mặc dù nó vẫn còn giá trị sử dụng. Mặt khác, họ có nhu cầu sử dụng tài sản khác. Những trường hợp này nếu nhu cầu của hai người gặp nhau với những tài sản họ đang mong muốn chiếm hữu thì có thể trao đổi cho nhau các tài sản đó.
Hợp đồng trao đổi là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau (khoản 1 Điều 455 Bộ luật Dân sự 2015). Tài sản đem trao đổi phải thuộc quyền sở hữu của mỗi bên, bên này định đoạt tài sản của mình đồng thời làm phát sinh quyền sở hữu của bên kia đối với tài sản đã định đoạt. Bản chất của hợp đồng trao đổi tài sản (vật) là hai hợp đồng mua bán tài sản nhưng việc thanh toán hợp đồng không phải bằng tiền mà bằng hiện vật. Vì vậy, nếu có tranh chấp về hợp đồng trao đổi ngoài việc áp dụng các quy định của hợp đồng trao đổi tài sản còn phải áp dụng các quy định của hợp đồng mua bán tài sản (khoản 4 Điều 455).
Khi trao đổi, nếu tài sản đem trao đổi có giá trị khác nhau, các bên phải thanh toán phần chênh lệch cho nhau. Trong thực tế, có trường hợp một bên có tài sản giá trị lớn hơn tài sản của bên kia nhưng các bên trao đổi cho nhau mà không tính đền bù phần chênh lệch. Điều này phụ thuộc vào sự thoả thuận của các bên.
2. Đối tượng, hình thức của hợp đồng
Đối tượng của hợp đồng trao đổi rất đa dạng, phụ thuộc vào sự thoả thuận của các bên, đối tượng có thể là vật cùng loại, vật không cùng loại. Tuy nhiên, trong thực tế, đối tượng của hợp đồng trao đổi tài sản thường là vật cùng loại, có thể là động sản hoặc bất động sản. Tuỳ thuộc vào đối tượng của hợp đồng mà hình thức của hợp đồng có thể bằng miệng, văn bản hoặc văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
3. Đặc điểm pháp lý của hợp đồng trao đổi tài sản
3.1. Hợp đồng trao đổi tài sản là hợp đồng có đền bù
Hợp đồng trao đổi là sự trao đổi tài sản và quyền sở hữu của hai bên cho nhau. Các vật đem trao đổi là các lợi ích mà các bên hướng tới. Vì vậy, nếu trao đổi không đúng đối tượng sẽ gây thiệt hại cho bên kia. Khi các bên nhận được đầy đủ tài sản trao đổi thì hợp đồng chấm dứt. .
Có thể coi hợp đồng trao đổi tài sản là hợp đồng mua bán đặc biệt. Tính chất ngang giá là bản chất của hợp đồng trao đổi và luôn luôn đóng vai trò quyết định giữa giá trị của các vật là đối tượng của hợp đồng trao đổi tài sản. Tuy nhiên, các bên có thể trao đổi vật khác giá trị và tính đền bù chênh lệch.
3.2. Hợp đồng trao đổi tài sản là hợp đồng song vụ
Sau khi các bên giao kết hợp đồng, mỗi bên đều có quyền và có nghĩa vụ đối với bên kia. Các bên đều có quyền yêu cầu bên kia chuyển vật và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu nếu tài sản phải đăng kí quyền sở hữu. Các bên đều có nghĩa vụ chuyển vật cho nhau. Ngoài ra, nếu có chênh lệch giá trị thì bên có tài sản giá trị lớn hơn có quyền yêu cầu bên kia thanh toán.
4. Quyền và nghĩa vụ của các bên
Trong hợp đồng trao đổi tài sản, mỗi bên đều được coi là người bán và người mua. Do vậy, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong mỗi quan hệ được xác định theo hợp đồng mua bán tài sản.
Các bên đều có nghĩa vụ bảo đảm chất lượng các tài sản của mình đúng như đã thoả thuận, phải bảo đảm quyền sở hữu về tài sản của mình cho bên kia. Quyền sở hữu của mỗi bên được xác lập đối với tài sản của bên kia kể từ khi các bên tiếp nhận tài sản của nhau. Trong trường hợp tài sản trao đổi chênh lệch về giá trị thì các bên phải thanh toán cho nhau phần chênh lệch đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (Điều 456 Bộ luật Dân sự 2015).
Đối tượng của hợp đồng trao đổi là bất động sản hoặc tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu của các bên phát sinh đối với tài sản của mỗi bên kể từ thời điểm đăng kí quyền sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thời điểm xác lập quyền sở hữu cũng chính là thời điểm chấm dứt hợp đồng trao đổi tài sản.
Khi có tranh chấp về hợp đồng trao đổi tài sản, cần phải áp dụng các quy định về hợp đồng trao đổi tài sản. Ngoài ra, còn phải áp dụng các quy định về hợp đồng mua bán tài sản để giải quyết.