Hội nghị người lao động là gì? Nội dung hội nghị người lao động
Hằng năm các doanh nghiệp đều tổ chức hội nghị người lao động, hay cụ thể là cuộc họp để bàn về các nội dung cần thiết trong quá trình lao động. Vậy hội nghị người lao động là gì? Hội nghị này thảo luận về những nội dung nào?
1. Hội nghị người lao động là gì?
Các văn bản pháp luật hiện hành không có quy định thế nào là hội nghị người lao động. Tuy nhiên, theo tinh thần của khoản 3 Điều 3 Nghị định 60/2013/NĐ-CP, hội nghị người lao động được định nghĩa như sau:
– Là cuộc họp có tổ chức được tổ chức hằng năm;
– Do người sử dụng lao động chủ trì;
– Đối tượng tham gia: người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;
– Mục đích: trao đổi các thông tin cần thiết, triển khai thực hiện các quyền dân chủ của người lao động.
Hiện nay, theo khoản 3 Điều 47 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, hình thức tổ chức, thành phần tham dự, nội dung, thời gian, địa điểm, trách nhiệm tổ chức, quy trình thực hiện, hình thức, kết quả hội nghị người lao động được thực hiện dựa trên căn cứ quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo Điều 48 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Điều 48 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định trách nhiệm ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của người sử dụng lao động như sau:
– Việc ban hành quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc là trách nhiệm của người sử dụng lao động nhằm thực hiện các nội dung quy định về thực hiện dân chủ cơ sở tại nơi làm việc và đối thoại tại nơi làm việc theo quy định tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
– Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của nhóm đại diện đối thoại của người lao động và tổ chức đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) khi muốn xây dựng, bổ sung hoặc sửa đổi quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Trường hợp người sử dụng lao động không tiếp thu ý kiến được góp ý thì phải nêu rõ lý do.
– Sau khi ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải phổ biến công khai tới người lao động.
2. Hội nghị người lao động do ai tổ chức?
Theo khoản 1 Điều 47 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, hội nghị người lao động hiện nay do người sử dụng lao động tổ chức, có sự phối hợp với:
– Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có);
– Nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có).
Hội nghị người lao động được tổ chức định kỳ hằng năm theo 1 trong 2 hình thức: hội nghị đại biểu hoặc hội nghị toàn thể.
3. Nội dung hội nghị người lao động
Căn cứ khoản 2 Điều 47 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, nội dung hội nghị người lao động căn cứ theo quy định tại Điều 64 Bộ luật Lao động 2019 về nội dung đối thoại tại nơi làm việc và theo thỏa thuận của các bên, cụ thể gồm những nội dung cơ bản sau:
– Nội dung đối thoại bắt buộc trong các trường hợp:
+ Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
+ Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi xảy ra thay đổi công nghê, cơ cấu hoặc vì lý do kinh tế
+ Bàn về đề ra, thay đổi phương án sử dụng lao động;
+ Khi cần xây dựng bảng lương, thang lương, định mức lao động;
+ Các vấn đề về tiền thưởng dành cho người lao động;
+ Ban hành, thay đổi nội quy lao động;
+ Tạm đình chỉ công việc của người lao động trong trường hợp cần thiết.
– Ngoài các nội dung nêu trên, các bên có thể lựa chọn những nội dung khác sau đây để tiến hành tổ chức hội nghị người lao động như:
+ Tình hình kinh doanh, sản xuất của người sử dụng lao động;
+ Điều kiện, chế độ làm việc;
+ Việc thực hiện các thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, quy chế, nội quy lao động, cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc và trong quá trình làm việc;
+ Yêu cầu của tổ chức đại diện người lao động, người lao động đối với người sử dụng lao động;
+ Yêu cầu của người sử dụng lao động đối với tổ chức đại diện người lao động, người lao động;
+ Các nội dung khác.
4. Hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc thay thế nhau được không?
– Khoản 1 Điều 63 Bộ luật Lao động 2019 quy định về đối thoại tại nơi làm việc như sau:
Là việc chia sẻ thông tin, thảo luận, tham khảo trao đổi ý kiến giữa tổ chức đại diện người lao động hoặc người lao động và người sử dụng lao động nhằm tăng cường sự hiểu biết, đưa ra giải pháp, hợp tác các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích, mối quan tâm của các bên để đôi bên cùng có lợi.
– Về thời gian tổ chức:
+ Đối thoại tại nơi làm việc: bắt buộc thực hiện tối thiểu 1 lần/năm hoặc khi có yêu cầu của các bên;
+ Hội nghị người lao động: bắt buộc tổ chức hằng năm, trừ trường hợp người sử dụng lao động có dưới 10 lao động thì không phải tổ chức.
– Điều 15 Nghị định 12/2022/NĐ-CP cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp người sử dụng lao động (gấp 02 lần đối với tổ chức) không tổ chức hội nghị người lao động hay đối thoại tại nơi làm việc theo quy định pháp luật.
Như vậy, dựa trên quy định về đối thoại tại nơi làm việc và khái niệm về hội nghị người lao động, có thể thấy mặc dù cùng thảo luận về các nội dung giống nhau nhưng là 02 hoạt động riêng biệt và không có quy định nào cho phép thay thế.
Đồng thời, việc không tổ chức 01 trong 02 hoạt động đối thoại tại nơi làm việc hoặc hội nghị người lao động đề có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật. Vì vậy hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc không thể thay thế nhau.