1. Khái niệm thanh tra tài chính trong lĩnh vực ngân sách nhà nước
Thanh tra là một chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước, là việc xem xét, đánh giá, xử lý của cơ quan nhà nước đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thường được thực hiện bởi cơ quan chuyên trách theo một trình tự, thủ tục luật định nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với Nhà nước các biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Thanh tra và kiểm tra nói chung và trong lĩnh vực tài chính nói riêng như là một công cụ hữu hiệu để góp phần đem lại sự lành mạnh và tính hiệu quả cho hoạt động quản lý.
Hoạt động thanh tra có một số đặc điểm đặc trưng là:
– Thanh tra gắn liền với quản lý nhà nước, thanh tra gắn liền với cơ quan quản lý nhà nước, với tư cách là một chức năng, một giai đoạn của chu trình quản lý nhà nước; tất cả các giai đoạn của chu trình quản lý nhà nước đều phải thông qua thanh tra, kiểm tra để có thông tin đầy đủ, chính xác.
– Thanh tra luôn mang tính quyền lực nhà nước. Để thực hiện hoạt động kiểm tra, xem xét, đánh giá phải thông qua cơ quan nhà nước, mang quyền lực nhà nước để tiến hành hoạt động đó.
– Thanh tra mang tính độc lập tương đối. Có đưa ra kết luận cuối cùng mang tính chất thẩm định về tính hợp pháp, hợp lý của hành vi của đối tượng thanh tra.
Tóm lại, thanh tra là một hoạt động mang tính quản lý, theo đó một chủ thể dựa vào quyền lực nhà nước để tiến hành kiểm tra xem xét, đánh giá tính hợp lý và hợp pháp của hành vi của đối tượng thanh tra và nhằm duy trì trật tự và hiệu quả cho hoạt động quản lý.
Thanh tra tài chính là một hoạt động mang tính quản lý, theo đó một chủ thể dựa vào quyền lực nhà nước để tiến hành kiểm tra, xem xét, đánh giá tính hợp pháp và hợp lý của hành vi đối tượng thanh tra trong lĩnh vực tài chính nhằm duy trì trật tự và hiệu quả cho hoạt động quản lý tài chính.
Kiểm tra tài chính được hiểu là hoạt động xem xét đánh giá trực trạng tài chính của đối tượng kiểm tra và đưa ra các nhận xét, đối chiếu các tiêu chuẩn đã được thiết lập, nhằm phát hiện những sai phạm trong hoạt động tài chính của đối tượng để áp dụng các biện pháp sửa chữa kịp thời.
Thanh tra tài chính trong lĩnh vực NSNN là hoạt động bao gồm giám sát, phân tích đối chiếu một cách có hệ thống các thông tin, dữ liệu thông qua các tài liệu, sổ sách, chứng từ nhằm đánh giá một cách có cơ sở kết quả các hoạt động thu chi NSNN của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các hoạt động sử dụng kinh phí NSNN khác của các chủ thể thụ hưởng kinh phí từ NSNN.

2. Mục đích của hoạt động thanh tra Ngân sách nhà nước
Điều 3 Luật thanh tra thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2004 quy định mục đích của thanh tra là: “Hoạt động thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với Nhà nước các biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân”.
Như vậy, mục đích của hoạt động thanh tra trong lĩnh vực NSNN là nhằm:
– Phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực NSNN;
– Phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thu chi và sử dụng vốn NSNN;
– Phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý ngân sách, chính sách, pháp luật để kiến nghị với Nhà nước các biện pháp khắc phục;
– Phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động quản lý nhà nước về ngân sách;
– Bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
3. Đặc điểm của hoạt động thanh tra trong lĩnh vực Ngân sách Nhà nước
– Hoạt động thanh tra tài chính trong lĩnh vực NSNN gắn liền với hoạt động quản lý thu chi NSNN.
– Hoạt động thanh tra tài chính trong lĩnh vực NSNN mang tính quyền lực nhà nước, dựa vào quyền lực nhà nước để thực hiện.
– Hoạt động thanh tra tài chính trong lĩnh vực NSNN mang tính độc lập và tuân thủ quy định pháp luật.
– Chủ thể tiến hành thanh tra trong lĩnh vực NSNN là cơ quan thanh tra tài chính, chủ thể bị thanh tra là những chủ thể sử dụng kinh phí của nhà nước.
– Đối tượng thanh tra là hoạt động sử dụng kinh phí NSNN.
– Mục đích của hoạt động thanh tra tài chính trong lĩnh vực NSNN là nhằm đảm bảo tính minh bạch hiệu quả của hoạt động sử dụng kinh phí NSNN.
Như vậy, pháp luật thanh tra tài chính trong lĩnh vực NSNN là tổng hợp các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình kiểm tra kiểm tra giám sát các hoạt động thu chi NSNN của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hoạt động sử dụng kinh phí nhà nước.
4. Các nguyên tắc của hoạt động thanh tra tài chính trong lĩnh vực Ngân sách nhà nước
Hoạt động thanh tra tài chính nói chung và hoạt động thanh tra tài chính trong lĩnh vực NSNN nói riêng đều phải đảm bảo những nguyên tắc nhất định trong quá trình tiến hành hoạt động thanh tra, đó là:
– Nguyên tắc tuân thủ pháp luật: đòi hỏi thanh tra việc chấp hành pháp luật NSNN là nhằm xử lý các trường hợp vi phạm, ngăn chặn các hành vi trái pháp luật NSNN, có ý nghĩa giáo dục đối với cán bộ công chức Nhà nước trong việc thực thi pháp luật NSNN. Vì vậy, hoạt động thanh tra trong lĩnh vực ngân sách trước hết phải quán triệt nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng những chuẩn mực pháp lý khi xem xét, phân tích, đánh giá, kết luận các vụ việc một cách chính xác; đồng thời ngăn chặn tình trạng can thiệp trái pháp luật, làm vô hiệu hoá hoạt động thanh tra. Các tổ chức thanh tra, đoàn thanh tra và các thanh tra viên phải thực hiện đúng chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của mình do pháp luật quy định. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân được thanh tra phải chấp hành đúng yêu cầu của cơ quan thanh tra theo pháp luật. Việc thu thập chứng cứ, tài liệu, kết luận vụ việc, xử lý sai phạm phải căn cứ vào quy định của pháp luật.
– Nguyên tắc đảm bảo tính chính xác khách quan dựa trên những cơ sở dữ liệu khách quan: tính chính xác mới cho phép đánh giá đúng thực trạng chấp hành pháp luật, chính sách, nhiệm vụ, kế hoạch nhà nước giao của đối tượng thanh tra. Giúp cho việc xử lý vi phạm đúng người, đúng việc, đúng pháp luật. Nguyên tắc khách quan đòi hỏi trong hoạt động thanh tra phải tôn trọng sự thật, không suy diễn tuỳ tiện chủ quan, không gán cho đối tượng thanh tra những chi tiết mà bản thân nó không có. Tính khách quan trong công tác thanh tra đòi hỏi phải có thái độ vô tư, việc làm thận trọng và đối lập với tư tưởng chủ quan, áp đặt, nôn nóng dẫn đến những kết luận vội vàng.
– Nguyên tắc dân chủ và công khai: Thông qua công khai làm cho công tác thanh tra bảo đảm được chính xác, khách quan hơn vì nó cho phép kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện kết quả thanh tra làm cho các kết luận thanh tra đúng đắn, trung thực với hiện tượng đã xảy ra.
– Nguyên tắc không cản trở hoạt động bình thường của các chủ thể bị thanh tra.