1. Định nghĩa hoạt động giao tiếp trong hoạt động tư pháp
Giao tiếp là điều kiện để tiến hành hoạt động tư pháp. Thông qua giao tiếp, người cán bộ tư pháp tiến hành các hoạt động cơ bản để thu thập thông tin và tác động đến các đối tượng cần thiết. Vì vậy, giao tiếp là một hoạt động hỗ trợ cho các hoạt động chủ đạo trong cấu trúc tâm lý của hoạt động tư pháp.
Mỗi người trong quá trình sống đã đang và sẽ tham gia vào nhiều mối quan hệ khác nhau: mối quan hệ với thiên nhiên, với thế giới vật chất, quan hệ với những người khác trong xã hội… Có thể chia các mối quan hệ đó thành hai nhóm: mối quan hệ giữa con người với thế giới khách quan và mối quan hệ giữa con người với con người. Mối quan hộ giữa con người với con người được gọi là giao tiếp.
Giao tiếp là hình thức đặc trưng cho mối quan hệ giữa con người với con người, qua đó nảy sinh sự tiếp xúc tâm lý và được biểu hiện ở quá trình trao đổi thông tin, hiểu biết, rung cảm và tác động qua lại lẫn nhau.
Như vậy, giao tiếp là loại quan hệ đặc biệt, chỉ có ở con người, được hình thành trong xã hội loài người.
Giao tiếp là quá trình thiết lập, phát triển sự tiếp xúc giữa các cá nhân xuất phát từ nhu cầu trao đổi những thông tin, hiểu biết và kinh nghiệm nhất định. Bạn muốn lĩnh hội được những kiến thức, muốn có những thông tin về một sự kiện nào đó, bạn phải giao tiếp với những người xung quanh. Nhờ có giao tiếp, bạn có thể bộc lộ bản thân, bộc lộ thái độ của mình và hiểu được người khác. Ở đây, giao tiếp đã thực hiện chức năng nhận thức, giúp bạn có được những thông tin cần thiết về thế giới xung quanh và về bản thân.
Giao tiếp được xem là sự tác động, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau giữa hai hay nhiều người. Giao tiếp không chỉ đơn giản là sự phối hợp hoạt động của nhiều người. Trong sự phối hợp đó, mỗi người tham gia là một chủ thể tích cực. Tính tích cực của các chủ thể trong giao tiếp thể hiện ở chỗ: họ chủ động tác động một cách sáng tạo tới người khác; họ tiếp nhận sự tác động từ người khác và phản ứng với tác động đó một cách tích cực. Như vậy, con người giao tiếp với nhau, thì họ đều là chủ thể tích cực trong quá trình tác động qua lại liên nhân cách.

2. Đặc điểm tâm lý của giao tiếp trong hoạt động tư pháp
Giao tiếp có một vị trí và vai trò hết sức đặc biệt trong hoạt động tư pháp. Thông qua giao tiếp, tất cả các dạng hoạt động tư pháp được tiến hành. Trong giao tiếp không chỉ thể hiện ý chí của các chủ thể tham gia, mà còn thể hiện ý chí của Nhà nước và pháp luật. Hơn nữa, hành vi của các chủ thể tham gia giao tiếp chịu sự điều chỉnh của các quy phạm phạm luật.
Phụ thuộc vào các tình huống cụ thể, giao tiếp trong hoạt động tư pháp rất đa dạng, nhưng chúng có những đặc điểm đặc trưng sau:
2.1. Các chủ thể tham gia vào giao tiếp trong hoạt động tư pháp với những nguyên nhân đặc biệt
Giao tiếp trong hoạt động tư pháp không phải lúc nào cũng được hình thành. Nó chỉ được thiết lập khi một hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được thực hiện. Vì thế, các chủ thể tham gia giao tiếp trong hoạt động tư pháp với những lý do đặc biệt: người cán bộ tư pháp tham gia giao tiếp là để thực hiện chức trách được Nhà nước uỷ quyền, còn các chủ thể tham gia khác là người thực hiện những trách nhiệm, quyền lợi nhất định do nhà nước và pháp luật quy định.
2.2. Có rất nhiều mục đích được đặt ra trong giao tiếp
Thoạt nhìn thì dường như mỗi giao tiếp hướng tới một mục tiêu nhất định như: thu thập chứng cứ, làm sáng tỏ đặc điểm tâm lý của cá nhân, tiến hành giáo dục đối tượng, hoặc cùng nhau hợp tác trong công việc… Song, trong thực tế, các mục đích trên luôn hòa quyện với nhau. Ví dụ, khi thiết lập giao tiếp để thu thập chứng cứ, thì đồng thời phải đạt được các mục đích khác như: cùng nhau hợp tác trong hành động, giáo dục ý thức pháp luật cho các công dân.
Như vậy, thông thường mỗi quan hệ giao tiếp thường hướng tới hai mức độ mục đích: mục đích cụ thể (làm sáng tỏ các chứng cứ cần thiết, cùng hành động) và mục đích chung của hoạt động tư pháp (giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật ở các công dân).
2.3. Có tính mâu thuẫn đối kháng trong giao tiếp
Giao tiếp trong hoạt động tư pháp là loại giao tiếp giữa các chủ thể có vị trí tố tụng khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Vì thế, giữa họ có sự đối lập về quyền lợi, ý chí.
Điều này dẫn tới sự mâu thuẫn và đối kháng giữa các chủ thể tham gia giao tiếp. Tính mâu thuẫn, đối kháng là đặc điểm đặc trưng cho giao tiếp của hoạt động tư pháp.
2.4. Giao tiếp trong hoạt động tư pháp là loại giao tiếp chính thức
Giao tiếp trong hoạt động tư pháp là loại giao tiếp công vụ (giao tiếp chính thức).
Vì vậy, nó phải được tuân thủ theo các quy định của pháp luật tố tụng về thủ tục và trình tự. Tính thủ tục của giao tiếp được thể hiện ở chỗ, giao tiếp được diễn ra theo các trật tự, các quy định cụ thể của pháp luật như: quy định về
việc thiết lập giao tiếp (thông báo cho các đương sự về trách nhiệm, quyền hạn của họ trong giao tiếp); quy định về diễn biến của quá trình giao tiếp (về cách thức tiến hành, các điều kiện, địa điểm, trình tự); và quy định về việc kết thúc giao tiếp (mọi công việc, thông tin trong giao tiếp được ghi lại thành các văn bản cụ thể).
Tính chất thủ tục của giao tiếp tạo điều kiện cho các chủ thể ý thức được mục đích của giao tiếp, cách thức tiến hành giao tiếp, hiểu được vai trò và vị trí của mình trong giao tiếp. Ví dụ, tại phiên tòa, trước khi lấy lời khai của đương sự, tòa án phải giải thích để các đương sự hiểu về trách nhiệm khai báo khách quan, về các quyền của họ mà từ đó nâng cao ý thức pháp luật.
Tính chất công vụ của giao tiếp trong hoạt động tư pháp còn thể hiện ở tính bắt buộc đối với các chủ thể. Đối với một số chủ thể, việc tham gia giao tiếp là ngoài ý muốn của họ. Thậm chí, họ còn hình dung ra một chế tài nhất định có thể đang chờ họ ở phía trước.
Tính chất công vụ của giao tiếp có ảnh hưởng nhất định tới tâm lý của cá nhân: nó có thể làm cá nhân trở nên tích cực trong hành vi. Ví dụ, khi người làm chứng tham gia phiên toà, tính chất chính thức, công vụ của giao tiếp làm nâng cao tinh thần trách nhiệm của họ trong việc khai báo. Từ đó, họ có thái độ nghiêm túc và tích cực hợp tác với tòa án. Tính chất chính thức của giao tiếp cũng có thể dẫn đến những ức chế nhất định trong tâm lý của cá nhân. Đối với bị cáo thì giao tiếp tại phiên tòa có thể gây ra những trạng thái tâm lý căng thẳng, bị ức chế, vì lúc này anh ta đang phải đối mặt với những lời buộc tội và sau đó là những hình phạt.
2.5. Trong giao tiếp luôn xuất hiện những trạng thái tâm lý đặc biệt
Giao tiếp trong hoạt động tư pháp không chỉ chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của các quy phạm pháp luật, mà còn được diễn ra trong những bối cảnh đặc biệt.
Ví dụ, người cán bộ tư pháp phải thường xuyên tiếp xúc với tội phạm, với hậu quả của nó; hoặc làm việc trong những điều kiện giao tiếp có tác động và sức ép từ điều kiện ngoại cảnh… Những yếu tố này làm hình thành ở cá nhân những trạng thái tâm lý đặc biệt (như sự căng thẳng, sự thương xót, sự mong muốn tìm ra và trừng phạt kẻ phạm tội…). Đối với những chủ thể tham gia tố tụng khác (bị can, bị cáo, người làm chứng, người bị hại…) tính đặc biệt của giao tiếp trong hoạt động tư pháp cũng gây nên ở họ sự căng thẳng tâm lý nhất định.