Điều kiện để được hoãn chấp hành hình phạt tù
1. Hình phạt tù là gì?
Hình phạt tù là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước; được quy định tại Điều 30 Bộ luật Hình sự 2015; do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội; nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.
Phạt tù là hình thức phạt “tước quyền tự do” của người bị kết án; buộc họ phải cách ly khỏi cuộc sống xã hội trong một khoản thời gian nhất định. Người đã bị kết án phải chấp hành hình phạt tại trại giam; phải tuân thủ theo một chế độ sinh hoạt, lao động cải tạo của trại giam.
2. Các hình phạt tù theo quy định Bộ luật hình sự
2.1. Tù có thời hạn
Tù có thời hạn được quy định tại Điều 38 Bộ luật hình sự 2015 cụ thể:
– Tù có thời hạn là buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt; tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định.
+ Tù có thời hạn đối với người phạm một tội; có mức tối thiểu là 03 tháng và mức tối đa là 20 năm.
+ Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù; cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 01 ngày tù.
– Không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng; do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng.
2.2. Tù chung thân
Tù chung thân theo quy định tại Điều 39 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
– Tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng; đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình.
– Không áp dụng hình phạt tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Như vậy:
+ Đối với tù có thời hạn thì khung hình phạt tù là từ 03 tháng đến 20 năm.
+ Đối với tù chung thân thì khung hình phạt tù; không được quy định cố định vì đây là tù không thời hạn. Khung hình phạt tù được tính từ khi người đó chấp hành hình phạt tù; đến khi được đặc xá, đại xá, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù hoặc khi người đó chết…
3. Điều kiện để được hoãn chấp hành hình phạt tù
Theo quy định tại Điều 67 Bộ luật Hình sự 2015, hướng dẫn bởi Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP, người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt khi có đủ các điều kiện sau đây:
3.1. Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự
– Bị bệnh nặng:
Bị bệnh nặng là trường hợp người bị xử phạt tù đang bị bệnh hiểm nghèo (bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị (ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn lâm sàng IV, lao nặng độ 4 kháng thuốc, xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên)) hoặc mắc bệnh khác dẫn đến không có khả năng tự phục vụ bản thân, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao. hoặc đang bị bệnh khác tới mức không thể chấp hành hình phạt và nếu phải chấp hành hình phạt sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ.
– Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi:
Trường hợp người bị xử phạt tù là phụ nữ có thai không phân biệt họ cố tình có thai và sinh con liên tục để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù hay không hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi không phân biệt là con đẻ hay con nuôi thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi.
– Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng:
Điều này đồng nghĩa với việc người phạm tội là người tạo ra thu nhập, một nguồn sống chính của cả gia đình. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp người bị kết án là lao động duy nhất thì đều được hưởng quy định hoãn chấp hành hình phạt mà theo đó người này phải thõa mãn được hai điều kiện được luật định như sau:
+ Gia đình gặp khó khăn đặc biệt nếu người phạm tội chấp hành hình phạt: Gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt là trường hợp người bị kết án là lao động duy nhất trong gia đình, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình người đó cư trú xác nhận là đúng và thuộc một trong các trường hợp sau:
- Gia đình của người bị kết án gặp tai nạn, ốm đau, thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng dẫn đến không còn tài sản gì đáng kể, không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng dưới mức chuẩn hộ nghèo;
- Bố, mẹ, vợ, chồng, con của người bị kết án ốm đau kéo dài mà không có người chăm sóc.
+ Không phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Cho dù gia đình người phạm tội có khó khăn đến mức độ nào thì khi người phạm tội bị kết án ở các tội danh nêu trên thì họ vẫn không được xem xét để hoãn chấp hành hình phạt.
– Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ:
Tội ít nghiêm trọng ở đây là các tội mà có khung hình phạt tù đến 03 năm. Xét về hành vi thì rõ ràng hành vi mà người phạm tội thực hiện có mức độ nguy hiểm cũng như hậu quả xảy ra không lớn. Kết hợp với tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi cùng với nhu cầu về công vụ (Do nhu cầu công vụ là trường hợp cơ quan có thẩm quyền thấy cần thiết phải có người bị xử phạt tù để thực hiện công vụ nhất định và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù ngay thì chưa có người thay thế họ) thì được xem xét cho hoàn chấp hành hình phạt tù.
3.2. Có nơi cư trú rõ ràng
Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người bị xử phạt tù về cư trú, sinh sống thường xuyên;
3.3. Sau khi bị xử phạt tù không có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không có căn cứ cho rằng họ bỏ trốn
Lưu ý: Tòa án cũng có thể cho người bị xử phạt tù thuộc một trong các trường hợp quy định tại Mục 3.1 nhưng không đáp ứng một trong các điều kiện tại Mục 3.2 và 3.3 này được hoãn chấp hành hình phạt tù nhưng phải gắn với hoàn cảnh đặc biệt và phải xem xét thận trọng, chặt chẽ.
Ví dụ: Nguyễn Thị B bị xử phạt 04 năm tù về tội cố ý gây thương tích, không có nơi cư trú rõ ràng, đang nuôi con 12 tháng tuổi nhưng con bị mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị trong bệnh viện mà không có người chăm sóc thì Tòa án có thể xem xét cho Nguyễn Thị B được hoãn chấp hành hình phạt tù.
4. Thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù
Thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù được xác định như sau:
– Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục: Thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày Tòa án ban hành quyết định cho đến khi sức khỏe của người bị xử phạt tù được hồi phục.
– Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi: Thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày Tòa án ban hành quyết định cho đến khi kết thúc thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù mà Tòa án quyết định.
– Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm: Thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày Tòa án ban hành quyết định cho đến khi kết thúc thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù mà Tòa án quyết định.
– Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm: Thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày Tòa án ban hành quyết định cho đến khi kết thúc thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù mà Tòa án quyết định.
5. Giải quyết một số trường hợp sau khi được hoãn chấp hành hình phạt tù
– Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù mà người được hoãn chấp hành hình phạt tù lại có thai hoặc phải tiếp tục nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì Tòa án có thể quyết định cho họ được hoãn đến khi đứa con sau cùng đủ 36 tháng tuổi;
– Người được hoãn chấp hành hình phạt tù đối với trường hợp “là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt” và “Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ”, thì có thể được hoãn một hoặc nhiều lần, nhưng tổng số thời gian được hoãn tối đa đến 01 năm.