Hoàn cảnh ra đời, nội dung cơ bản và ý nghĩa của Hiến pháp 1992
1. Hoàn cảnh ra đời của Hiến pháp năm 1992
Hiến pháp năm 1980 được xây dựng và thông qua trong hoàn cảnh đất nước chan hoà khí thế lạc quan, hào hùng của Đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước ta sạch bóng quân xâm lược. Trên thế giới, Hiến pháp của các nước xã hội chủ nghĩa được ban hành vào cuối những năm 60 – 70 đã khẳng định đây là thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội phát triển, đang thịnh hành cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp và phổ biến quan điểm giáo điều, giản đơn về chủ nghĩa xã hội. Điều này đã để lại dấu ấn trong nội dung của Hiến pháp năm 1980 và là một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế – xã hội của đất nước. Để đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng, đi dần vào thế ổn định và phát triển, Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đã đề ra đường lối đổi mới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, chính sách đối ngoại,… đặc biệt là đổi mới về kinh tế. Trong công cuộc đổi mới do Đảng cộng sản Việt Nam đề ra tại đại hội Đảng lần thứ 6 năm 1986 cho phép nhìn thấy những khiếm khuyết của Hiến pháp năm 1980. Hiến pháp năm 1980 không phù hợp quy luật khách quan, thể hiện ở cơ chế tập trung quan liêu bao cấp do đó đã gây những tác hại nhất định đến sự phát triển của đất nước. Vì vậy, cần phải thay đổi Hiến pháp năm 1980 bằng một bản Hiến pháp mới phù hợp với điều kiện của đất nước trong quá trình đổi mới.
Nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về đổi mới chính sách đối ngoại, tháng 12/1988 Quốc hội thông qua nghị quyết sửa đổi Lời nói đầu Hiến pháp năm 1980, bỏ hết những câu chữ chỉ đích danh từng tên thực dân, từng tên đế quốc,… để thực hiện phương châm “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” với những nước vốn là kẻ thù xâm lược và đã từng gây tội ác đối với nhân dân ta. Tiếp theo, để dân chủ hóa đời sống chính trị, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường vị trí và vai trò của các cơ quan dân cử ở địa phương, ngày 30 tháng 6 năm 1989 tại kỳ họp thứ 5 nhiệm kỳ khóa VIII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi bảy điều Hiến pháp năm 1980 để quy định thêm công dân có quyền tự ứng cử làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; quy định việc thành lập cơ quan thường trực Hội đồng nhân dân từ cấp huyện trở lên. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội ra nghị quyết thành lập Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp để sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện Hiến pháp năm 1980 nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới.
Do điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước những năm đổi mới có những thay đổi lớn lao, cho nên Hiến pháp năm 1992 đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 10 sửa đổi vào ngày 25 tháng 12 năm 2001.
2. Nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 1992
Hiến pháp năm 1992 gồm lời nói đầu, 12 chương với 147 điều. Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1992 khẳng định truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta là lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam. Tiếp đó, nêu tóm tắt những thắng lợi vĩ đại mà nhân dân Việt Nam đã giành được dưới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện từ năm 1930 đến năm 1992.
Lời nói đầu đã nêu nêu lên những vấn đề cơ bản mà Hiến pháp năm 1992 đề cập đến và khẳng định nhân dân Việt Nam nguyện đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường xây dựng đất nước, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, giành những thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chương I. “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Chế độ chính trị” quy định chế độ chính trị của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó xác định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.
Hiến pháp năm 1992 tiếp tục thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam tại Điều 4 của Hiến pháp. Vị trí, vai trò của các tổ chức xã hội tiếp tục được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1992 tại Điều 9 của Hiến pháp.
Chương II. “Chế độ kinh tế” quy định mục đích, chính sách kinh tế của Nhà nước, các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các nguyên tắc quản lý kinh tế của Nhà nước. Mục đích chính sách kinh tế của Nhà nước là làm cho dân giàu nước mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân trên cơ sở phát huy mọi năng lực sản xuất, mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế gồm kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản Nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài dưới nhiều hình thức, thúc đẩy xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật, mở rộng hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật và giao lưu với thị trường thế giới.
Nhà nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhà nước thống nhất quản lý nền kinh tế quốc dân bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách; phân công trách nhiệm và phân cấp quản lý Nhà nước giữa các ngành, các cấp; kết hợp lợi ích của cá nhân, của tập thể với lợi ích của Nhà nước.
Chương III. “Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ” quy định chính sách văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ.
Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; kế thừa và phát huy những giá trị của nền văn hiến các dân tộc Việt Nam, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; phát huy mọi tài năng sáng tạo 65
trong nhân dân. Nhà nước thống nhất quản lý sự nghiệp văn hóa. Nghiêm cấm truyền bá tư tưởng và văn hóa phản động, đồi trụy; bài trừ mê tín, hủ tục…
Nhà nước và xã hội phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Hiến pháp năm 1992 quy định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân về mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn giáo viên, quy chế thi cử và hệ thống văn bằng…
Nhà nước thực hiện chính sách phát triển khoa học và công nghệ nhằm xây dựng luận cứ khoa học cho việc định ra đường lối, chính sách và pháp luật, đổi mới công nghệ, phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao trình độ quản lý, bảo đảm chất lượng và tốc độ phát triển của nền kinh tế; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Hiến pháp năm 1992 quy định phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, xây dựng nền khoa học và công nghệ tiên tiến đồng thời phát triển đồng bộ các ngành khoa học, chăm lo đào tạo và sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ…
Chương IV. “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” quy định chính sách quốc phòng và an ninh quốc gia. Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân. Nhà nước ta chủ trương củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, nòng cốt là các lực lượng vũ trang nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và công dân phải làm đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh do pháp luật quy định.
Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn, lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và những thành quả của cách mạng, cùng toàn dân xây dựng đất nước.
Chương V. “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” quy định các nguyên tắc Hiến pháp về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và những quyền và nghĩa vụ cơ bản cụ thể của công dân Việt Nam.
Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của nước ta, “quyền con người” được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992. Đây là một bước tiến trong nhận thức về vấn đề quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân.
Lần đầu tiên quy định quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật, quyền được thông tin. Hiến pháp năm 1992 quy định mở rộng quyền sở hữu của công dân; bổ sung quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; mở rộng quyền tự do đi lại và cư trú của công dân… Tất cả những quy định này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của đất nước cũng như của mọi công dân Việt Nam, thể hiện bản chất tốt đẹp của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Khắc phục những nhược điểm của Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 đã gạt bỏ những quy định thiếu tính hiện thực, bổ sung những quy định phù hợp với tình hình thực tế của xã hội. Phần lớn các quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1980 đã được sửa đổi theo hướng quy định rõ hơn, đầy đủ hơn, phù hợp hơn với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và xu thế phát triển của thời đại.
Hiến pháp năm 1992 còn khẳng định: Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam định cư ở nước nước ngoài. Bên cạnh đó điều 81 Hiến pháp năm 1992 có quy định quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.
Từ chương VI đến chương X quy định về bộ máy nhà nước. Chương VI quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Chương VII quy định tổ chức và hoạt động của Chủ tịch nước. Chương VIII quy định tổ chức và hoạt động của Chính phủ. Chương IX quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp. Chương X quy định tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân các cấp.
Chương XI. “Quy định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Thủ đô, ngày Quốc khánh”. Quốc kỳ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ: “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Quốc ca nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Quốc hội thông qua. Thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội. Ngày tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945 là ngày Quốc khánh.
Chương XII. “Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp” quy định Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Việc sửa đổi Hiến pháp phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
3. Ý nghĩa của Hiến pháp năm 1992
Hiến pháp năm 1992 đã thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng trên mọi mặt: chính trị, kinh tế, xã hội,… khẳng định quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng và kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Sự ra đời của Hiến pháp năm 1992 có ý nghĩa vô cùng to lớn. Hiến pháp năm 1992 là nền tảng chính trị – pháp lý vững chắc của công cuộc đổi mới toàn diện và sâu sắc đất nước. Hiến pháp năm 1992 là cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh đổi mới về kinh tế, đổi mới hệ thống chính trị, thực hiện các quyền tự do dân chủ của công dân, cải cách bộ máy nhà nước, từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Hiến pháp năm 1992 là cơ sở pháp lý cao nhất cho sự ra đời và hoàn thiện pháp luật về kinh tế – phương tiện đặc biệt quan trọng trong việc xóa bỏ các quan hệ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, xây dựng quan hệ kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa, hội nhập, có sự quản lý của Nhà nước. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến nước ta, Hiến pháp năm 1992 tuyên bố: “Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (Điều 15); “Kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân được chọn hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, được thành lập doanh nghiệp không bị hạn chế về quy mô hoạt động trong những ngành nghề có lợi cho quốc kế dân sinh” (Điều 21); “Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được liên doanh, liên kết với cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật” (Điều 22); “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa” (Điều 23); “Nhà nước khuyến khích các tổ chức cá nhân nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ vào Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế; bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp đối với vốn, tài sản và các quyền lợi khác của các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không bị quốc hữu hóa” (Điều 25); “Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài” (Điều 18). Dựa vào các quy định nền tảng đó, hàng loạt các đạo luật, bộ luật mới về kinh tế – dân sự – lao động lần lượt ra đời như Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại và hàng chục đạo luật, bộ luật khác. Cần phải khẳng định rằng, không có những tư duy pháp lý mới về kinh tế của Hiến pháp năm 1992 làm nền tảng, không thể có sự đổi mới và hoàn thiện pháp luật về kinh tế, không thể tạo lập được một trật tự các quan hệ kinh tế mới làm chỗ dựa vững chắc cho đổi mới các yếu tố của thượng tầng kiến trúc, giữ vững sự ổn định và phát triển xã hội. Không dựa trên những quy định gốc về chế độ kinh tế của Hiến pháp năm 1992 không thể xây dựng và hoàn thiện được một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế – dân sự – lao động đồng bộ và thống nhất như hiện nay. Và, do đó không thể có vốn để đầu tư, không thể có công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhờ có các quy định nền tảng về kinh tế của Hiến pháp năm 1992, pháp luật nói chung, đặc biệt là pháp luật về kinh tế nói riêng thực sự trở thành một lực lượng vật chất góp phần xây dựng và phát triển kinh tế nước nhà trong hơn 20 năm.
Hiến pháp năm 1992 – nền tảng chính trị – pháp lý cho việc đề cao và phát huy nhân tố con người trong đời sống nhà nước và xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến nước ta, Hiến pháp năm 1992 đã dành một điều nói về quyền con người với nội dung khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật” (Điều 50). Việc ghi nhận một điều nói về quyền con người với tư cách là một quy định chung trước khi ghi nhận các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Hiến pháp năm 1992 thể hiện một bước tiến mới về tư duy lý luận và sự kế thừa một cách sâu sắc giá trị tiến bộ của tư duy chính trị – pháp lý của nhân loại. Phải thừa nhận rằng cá nhân con người với tư cách là một thực thể tự nhiên – xã hội, có những quyền cơ bản xác định. Việc thừa nhận các quyền này đã được cộng đồng loài người ghi nhận trong nhiều công ước quốc tế. Cá nhân con người chính là giá trị, giá trị con người không tách rời với giá trị của loài người, tạo thành một thể thống nhất, hoàn chỉnh. Chính vì thế mà cộng đồng quốc tế (trong pháp luật quốc tế) và các quốc gia riêng biệt (trong pháp luật của một nước) đều ghi nhận và bảo vệ các giá trị con người. Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận khái niệm “quyền con người” với nội dung chính trị pháp lý rộng hơn để phản ánh giá trị của cá nhân con người trong mối quan hệ với một nhà nước nhất định, đồng thời là giá trị tổng hợp được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Khái niệm quyền con người với quan niệm như vậy được thể hiện trong Hiến pháp năm 1992 là chiếc cầu nối tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế, bảo đảm và tăng cường hiệu lực thực hiện các quyền con người một cách mạnh mẽ hơn. Như vậy, khái niệm “quyền con người” không loại trừ khái niệm “quyền công dân” và cũng không thay thế nó được. Hiến pháp năm 1992 vừa ghi nhận quyền con người, vừa ghi nhận quyền công dân để vừa nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa Nhà nước và cá nhân con người, lại vừa tạo nên sự thống nhất giữa luật quốc gia và luật quốc tế về giá trị của con người, từng bước xóa bỏ quan niệm “khép kín” của pháp luật quốc gia trên lĩnh vực này. Việc ghi nhận “quyền con người” không tách rời “quyền công dân” chỉ ra rằng, nội dung cơ bản của quyền con người ở mỗi quốc gia chính là quyền công dân. Vì thế, Hiến pháp năm 1992 khẳng định: “Các quyền con người,… thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật” (Điều 50). Hiến pháp năm 1992 còn có một quy định pháp lý mới có tính nền tảng chỉ đạo hoạt động lập pháp của Nhà nước là: “Quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định” (Điều 51). Điều quy định mới này thể hiện thái độ trân trọng và đề cao các quyền con người, quyền công dân của Nhà nước Việt Nam. Đó là các giá trị của xã hội mà Nhà nước phải có nghĩa vụ thể chế bằng Hiến pháp và các đạo luật là những hình thức pháp lý cao nhất. Nhờ đó, mà các giá trị của xã hội với tư cách là các quyền của con người, quyền công dân tồn tại một cách ổn định, được thừa nhận và bắt buộc chung, được bảo đảm thực hiện bằng bộ máy nhà nước. Do đó, một mặt cá nhân con người phải nhận thức sâu sắc rằng khi các giá trị xã hội với tư cách là các quyền và nghĩa vụ đã được Hiến pháp và luật quy định, đó là các quyền và nghĩa vụ cao quý, công dân phải tôn trọng và có ý thức thực hiện. Mặt khác, về phía Nhà nước phải đề cao trách nhiệm tìm tòi, khám phá, phát hiện nhu cầu và giá trị xã hội với tư cách là các quyền và nghĩa vụ để sớm thể chế và ghi nhận trong Hiến pháp và các đạo luật. Bằng các quy định đó Nhà nước nhằm hạn chế, ngăn ngừa các cá nhân, tổ chức và cơ quan tùy tiện đặt ra các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật vi phạm quyền con người, quyền công dân. Với những tư duy chính trị – pháp lý mới nói trên, Hiến pháp năm 1992 trong chương “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” đã có bước phát triển trong việc thể chế và ghi nhận các quyền về chính trị, quyền tự do cá nhân, các quyền về kinh tế, các quyền của người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam. Theo đó hàng loạt các quy định đề cao và phát huy nhân tố con người được thể chế hóa trong các bộ luật, đạo luật. Các quyền về chính trị được đổi mới và hoàn thiện trong các Luật về Bầu cử, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ… Các quyền về kinh tế – dân sự – lao động được đổi mới trong Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Lao động, Luật Doanh nghiệp… Các quyền tự do bất khả xâm phạm về thân thể, cư trú, đi lại được đổi mới và quy định trong Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Cư trú… Các quyền về tự do ngôn luận, báo chí được thể chế và ghi nhận trong Luật Báo chí, Luật Xuất bản,… và nhiều văn bản luật khác. Có thể nói, các quyền con người, quyền công dân mà Hiến pháp năm 1992 ghi nhận đã từng bước được thể chế hóa qua hoạt động lập pháp của Quốc hội tạo thành một hệ thống các quyền và nghĩa vụ cơ bản của con người và công dân Việt Nam mang tính chất dân tộc và quốc tế sâu sắc, không thua kém hệ thống các quyền và nghĩa vụ cơ bản được Hiến pháp, luật của các nước phát triển ghi nhận.
Hiến pháp năm 1992 đặt nền móng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến nước ta, thuật ngữ nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được trang trọng ghi nhận trong Hiến pháp: “Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” (Điều 2). Cùng với việc khẳng định bản chất của nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Hiến pháp năm 1992 còn nhấn mạnh các nguyên tắc cơ bản trong tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta như: “Quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2); “Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ” (Điều 6); “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa” (Điều 12) “Đảng Cộng sản Việt Nam,… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (Điều 4). Dựa vào tư duy lý luận về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và các nguyên tắc nền tảng về tổ chức quyền lực nhà nước, bộ máy nhà nước ta tiếp tục được cải cách, đổi mới một bước. Quốc hội – một thiết chế dân chủ đại diện ngày càng hoạt động thực quyền, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Các cơ quan hành chính nhà nước đứng đầu là Chính phủ không ngừng cải cách để trở thành bộ máy quản lý đất nước ngày càng có hiệu lực, hiệu quả, trong sạch và minh bạch. Các cơ quan tư pháp đang tích cực đổi mới để tăng cường lòng tin của nhân dân vào cán cân công lý, vào sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp của các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền. Chính vì thế, có thể nói Hiến pháp năm 1992 đã đặt nền móng cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân ở nước ta trong suốt hơn 20 năm.