Hoàn cảnh ra đời, nội dung cơ bản và ý nghĩa của Hiến pháp 1980
1. Hoàn cảnh ra đời của Hiến pháp năm 1980
Thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975 đã mở ra một giai đoạn phát triển mới trong lịch sử cách mạng nước ta nói chung, lịch sử lập hiến Việt Nam nói riêng. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước đã được thống nhất, cả nước cùng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược chung là: xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp năm 1959 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Nước Việt Nam cần một bản Hiến pháp mới để thể chế hóa đường lối của Đảng về sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.
Cuộc tổng tuyển cử ngày 25/4/1976 cử tri cả nước đã bầu ra Quốc hội thống nhất. Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội thống nhất (25/6/1976 đến 3/7/1976), Quốc hội đã thông qua những nghị quyết quan trọng, trong đó có nghị quyết về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1959 và thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp gồm 36 vị do Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trường Chinh làm Chủ tịch. Sau hơn một năm chuẩn bị khẩn trương, Dự thảo Hiến pháp đã được lấy ý kiến, thảo luận trong cán bộ và nhân dân. Ngày 18/12/1980 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa VI đã chính thức thông qua Hiến pháp mới. Hiến pháp năm 1980 được xây dựng và thông qua trong không khí hào hùng và tràn đầy niềm tự hào dân tộc sau Đại thắng mùa xuân 1975, với tinh thần “lạc quan cách mạng” và mong muốn nhanh chóng xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội tiến tới chủ nghĩa cộng sản ở nước ta, nên không tránh khỏi các quy định mang tính chủ quan, duy ý chí và quan niệm giản đơn về chủ nghĩa xã hội của bản Hiến pháp này.
2. Nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 1980
Hiến pháp năm 1980 bao gồm lời nói đầu, 12 chương với 147 điều. Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1980 khẳng định truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta là lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm để dựng nước và giữ nước. Cuộc đấu tranh lâu dài và bền bỉ vì độc lập tự do đã hun đúc nên truyền thống kiên cường bất khuất của dân tộc ta. Tiếp đó, nêu tóm tắt những thắng lợi vĩ đại mà nhân dân Việt Nam đã giành được trong Cách mạng tháng Tám, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai. Lời nói đầu xác định những nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong điều kiện mới mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đề ra và nêu lên những vấn đề cơ bản mà Hiến pháp năm 1980 đề cập đến.
Chương I. “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Chế độ chính trị” quy định chế độ chính trị của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó xác định bản chất giai cấp của Nhà nước ta là Nhà nước chuyên chính vô sản, sứ mệnh lịch sử của Nhà nước là thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, tiến tới chủ nghĩa cộng sản. Quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động là vấn đề thấu suốt toàn bộ Hiến pháp năm 1980. Trong lĩnh vực chính trị quyền làm chủ tập thể được thể hiện bằng quy định: Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Lần đầu tiên Hiến pháp năm 1980 thể chế hóa chính thức vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội không chỉ trong Lời nói đầu như Hiến pháp năm 1959, mà còn có một điều riêng quy định rõ về vấn đề này. Điều 4 Hiến pháp năm 1980 quy định: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác – Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp”.
Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến nước Việt Nam vị trí, vai trò của các tổ chức xã hội được thể chế hóa trong Hiến pháp. Điều 9 Hiến pháp năm 1980 quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – bao gồm các chính đảng, Tổng công đoàn Việt Nam, tổ chức liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các thành viên khác của Mặt trận – là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước. Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, giáo dục và động viên nhân dân đề cao ý thức làm chủ tập thể, ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Chương II. “Chế độ kinh tế” quy định Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ một xã hội mà nền kinh tế phổ biến là sản xuất nhỏ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, xây dựng một xã hội có kinh tế công – nông nghiệp hiện đại, văn hoá và khoa học, kỹ thuật tiên tiến, quốc phòng vững mạnh, có đời sống văn minh và hạnh phúc. Mục đích chính sách kinh tế của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thoả mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và văn hoá ngày càng tăng của cả xã hội bằng cách không ngừng phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động xã hội, trên cơ sở chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa và nền khoa học, kỹ thuật hiện đại.
Nhà nước tiến hành cách mạng về quan hệ sản xuất, hướng dẫn, sử dụng và cải tạo các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, thiết lập và củng cố chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất nhằm thực hiện một nền kinh tế quốc dân chủ yếu có hai thành phần: thành phần kinh tế quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân và thành phần kinh tế hợp tác xã thuộc sở hữu tập thể của nhân dân lao động. Kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân và được phát triển ưu tiên. Nhà nước giữ độc quyền về ngoại thương và mọi quan hệ kinh tế khác với nước ngoài. Những cơ sở kinh tế của địa chủ phong kiến và tư sản mại bản đều bị quốc hữu hoá không bồi thường. Nhà nước tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa ở thành thị và nông thôn bằng những hình thức thích hợp.
Chương III. “Văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật” quy định nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đẩy mạnh cách mạng tư tưởng và văn hoá, xây dựng nền văn hoá mới có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc, có tính đảng và tính nhân dân; xây dựng con người mới có ý thức làm chủ tập thể, yêu lao động, quý trọng của công, có văn hoá, có kiến thức khoa học, kỹ thuật, có sức khoẻ, yêu nước xã hội chủ nghĩa và có tinh thần quốc tế vô sản. Chủ nghĩa Mác – Lênin là hệ tư tưởng chỉ đạo sự phát triển của xã hội Việt Nam. Nhà nước chăm lo việc tăng cường cơ sở vật chất, quy định chế độ và thi hành những biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động về văn hoá, giáo dục, khoa học, kỹ thuật. Sự nghiệp giáo dục do Nhà nước thống nhất quản lý. Nhà nước chăm lo phát triển cân đối hệ thống giáo dục: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục đại học; phát triển các trường dạy nghề, trường vừa học vừa làm, hệ thống học tại chức; hoàn thành thanh toán nạn mù chữ, tăng cường công tác bổ túc văn hoá, không ngừng nâng cao trình độ văn hoá và nghề nghiệp của toàn dân. Nhà nước đẩy mạnh cách mạng khoa học – kỹ thuật nhằm phát triển lực lượng sản xuất, tăng năng suất lao động, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, nâng cao đời sống nhân dân và củng cố quốc phòng, xây dựng nền khoa học, kỹ thuật tiên tiến của nước ta.
Chương IV. “Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” quy định nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện và hiện đại trên cơ sở kết hợp xây dựng Tổ quốc với bảo vệ Tổ quốc, kết hợp sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân với sức mạnh của toàn dân, kết hợp sức mạnh truyền thống đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm với sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa. Các lực lượng vũ trang nhân dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ những thành quả của cách mạng, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tự do, hạnh phúc và lao động hoà bình của nhân dân, cùng toàn dân xây dựng nước nhà. Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, chăm lo công nghiệp quốc phòng, huy động nhân lực, vật lực nhằm xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ đất nước.
Chương V. “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” quy định các nguyên tắc Hiến pháp về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và những quyền và nghĩa vụ cơ bản cụ thể của công dân Việt Nam về. Kế thừa và phát triển các quy định của Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Hiến pháp năm 1980 quy định thêm một số quyền mới của công dân, như: quyền tham gia quản lý công việc của Nhà nước và xã hội (Điều 56), quyền học tập không phải trả tiền (Điều 60), khám bệnh và chữa bệnh không phải trả tiền (Điều 61), quyền có nhà ở (Điều 62). Về các nghĩa vụ của công dân, Hiến pháp năm 1980 quy định thêm: công dân có nghĩa vụ tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân (Điều 77), nghĩa vụ tuân theo kỷ luật lao động, bảo vệ an ninh chính trị, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội (Điều 78), nghĩa vụ lao động công ích (Điều 80)… Do quan niệm giản đơn về CNXH, cũng như bệnh chủ quan, duy ý chí khi thông qua Hiến pháp năm 1980, nên nhiều quyền của công dân đề ra quá cao, không phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển kinh tế – xã hội và vì thế các quyền này không mang tính khả thi, không thể thực hiện được trên thực tế.
Từ chương VI đến chương X. Quy định về bộ máy nhà nước. Chương VI quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Chương VII quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Nhà nước. Chương VIII quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng bộ trưởng. Chương IX quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp. Chương X quy định tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân các cấp.
Tổ chức bộ máy nhà nước theo Hiến pháp năm 1980 bao gồm quan điểm mang đậm dấu ấn của quan điểm về quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Quan điểm này được xem như sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ nội dung và tinh thần các quy định của Hiến pháp này, nhưng ảnh hưởng mạnh mẽ và rõ nhất là tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Đó là việc áp dụng chế độ làm việc tập thể trong hoạt động của các cơ quan nhà nước không chỉ các cơ quan dân cử (Quốc hội và Hội đồng nhân dân), mà còn cả nguyên thủ quốc gia cũng là tập thể (bỏ chế định Chủ tịch nước, thiết lập chế định Hội đồng Nhà nước được quy định là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội và là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), các cơ quan chấp hành và điều hành ở trung ương (Hội đồng Bộ trưởng) cũng như ở địa phương (Ủy ban nhân dân) đều làm việc theo chế độ tập thể. Hiến pháp năm 1980 đề cao một cách quá mức vai trò, thẩm quyền của các cơ quan dân cử ở trung ương và địa phương, như : Quốc hội có quyền tự “định cho mình những nhiệm vụ và quyền hạn khác, khi xét thấy cần thiết”; “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương”, “quyết định các chủ trương, biện pháp nhằm xây dựng và phát triển địa phương về mọi mặt”…
Chương XI. Quy định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Thủ đô. Quốc kỳ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ: “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Quốc ca nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Quốc hội thông qua. Thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội.
Chương XII. “Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp” quy định Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Việc sửa đổi Hiến pháp phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
3. Ý nghĩa của Hiến pháp năm 1980
Mặc dù có những hạn chế nhất định, nhưng Hiến pháp năm 1980 vẫn có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử lập hiến ở nước ta. Hiến pháp năm 1980 đã phản ánh tập trung những thành quả cách mạng mà nhân dân Việt Nam đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đề ra những biện pháp nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trên phạm vi cả nước, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Xét theo tính chất và nội dung của các nguyên tắc và các chế định, Hiến pháp năm 1980 là một bản Hiến pháp xã hội chủ nghĩa. Đó là Hiến pháp của thời kỳ quá độ cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.