1. Hoàn cảnh ra đời của Hiến pháp năm 1959
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ vào ngày 20/7/1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng nhưng đất nước còn tạm chia làm hai miền NAM – BẮC. Nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới này là: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Ở miền Bắc cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã cơ bản hoàn thành và bắt đầu cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa; đã có nhiều biến đổi sâu sắc trong lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, trong các giai cấp và thành phần xã hội. Chính vì vậy Hiến pháp năm 1946 không còn phù hợp với tình hình, nhiệm vụ trong thời kỳ đó và cần phải thay đổi Hiến pháp.
Ngày 23/1/1957, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa I đã ra nghị quyết về việc sửa đổi Hiến pháp và thành lập Ban sửa đổi Hiến pháp đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 1/4/1959, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi công bố để nhân dân thảo luận, đóng góp ý kiến. Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I, ngày 31/12/1959, Hiến pháp sửa đổi được thông qua và ngày 1/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh công bố Hiến pháp.
2. Nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 1959
Hiến pháp năm 1959 bao gồm Lời nói đầu, 10 chương với 112 điều. Bản chất Nhà nước được quy định trong lời nói đầu: Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là Nhà nước dân chủ nhân dân dựa trên nền tảng liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo. Trong lời nói đầu đã đề cập đến vai trò lãnh đạo của Đảng lao động Việt Nam. Lời nói đầu khẳng định: “Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, ngày nay là Đảng lao động Việt Nam, cách mạng Việt Nam đã tiến lên một giai đoạn mới. Cuộc đấu tranh bền bỉ đầy gian khổ và hy sinh dũng cảm của nhân dân ta chống ách thống trị của đế quốc và phong kiến đã giành được thắng lợi vĩ đại: Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thành lập, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nước Việt Nam độc lập trước quốc dân và toàn thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Việt Nam đã xây dựng một nước Việt Nam độc lập và dân chủ”.
Chương I. ” Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” quy định về hình thức chính thể của Nhà nước ta vẫn là Nhà nước cộng hoà dân chủ nhân dân, xác định tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Tất cả các cơ quan Nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân. Tất cả các nhân viên cơ quan Nhà nước đều phải trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, tuân theo Hiến pháp và pháp luật, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.
Hiến pháp năm 1959 khẳng định nước Việt Nam là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc không thể chia cắt, các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Nhà nước nghiêm cấm và trừng trị mọi hành động phản quốc, chống lại chế độ dân chủ nhân dân, chống lại sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.
Chương II. “Chế độ kinh tế và xã hội” là chương mới so với Hiến pháp năm 1946, trong đó quy định về đường lối chính sách phát triển kinh tế, các hình thức sở hữu, về chính sách của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế… Hiến pháp năm 1959 quy định: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tiến dần từ chế độ dân chủ nhân dân lên chủ nghĩa xã hội bằng cách phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội, không ngừng sản xuất để nâng cao đời sống vật chất và văn hóa cho nhân dân. Dần dần xóa bỏ các hình thức sở hữu không xã hội chủ nghĩa, tạo nên một nền kinh tế thuần nhất dựa trên chế độ sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. Kinh tế quốc doanh thuộc hình thức sở hữu của toàn dân, giữ vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế quốc dân và được Nhà nước bảo đảm phát triển ưu tiên.
Chương III. “Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Ở chương này, Hiến pháp năm 1959 đã kế thừa và phát triển các quy định của Hiến pháp năm 1946 về các quyền và nghĩa vụ của công dân, đồng thời mở rộng quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và có quy định bảo đảm việc thực hiện các quyền đó trên thực tế. Hiến pháp năm 1959 quy định những quyền và nghĩa vụ mới như: quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 29), có quyền làm việc (Điều 30), có quyền nghỉ ngơi (Điều 31), quyền người lao động được giúp đỡ về vật chất khi già yếu, bệnh tật, hoặc mất sức lao động (Điều 32), quyền tự do nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học nghệ thuật (Điều 34), nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ tài sản công cộng (Điều 46)… Điều 25 Hiến pháp năm 1959 quy định Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân có thể thực hiện các quyền của mình.
Chương IV. “Quốc hội” quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, có quyền bầu ra Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Hội đồng Chính phủ. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Nhiệm kỳ của mỗi khoá Quốc hội là bốn năm. Quốc hội mỗi năm họp hai lần. Uỷ ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội do Quốc hội bầu ra, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Uỷ ban thường vụ Quốc hội có quyền quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước.
Chương V. “Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” quy định Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là người thay mặt cho nước Việt Nam dân chủ cộng hoà về mặt đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà do Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà bầu ra. Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà từ ba mươi lăm tuổi trở lên có quyền ứng cử Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thống lĩnh các lực lượng vũ tranh toàn quốc, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc phòng. Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, khi xét thấy cần thiết, có quyền tham dự và chủ toạ các phiên họp của Hội đồng Chính phủ. Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khi xét thấy cần thiết thì triệu tập và chủ toạ Hội nghị chính trị đặc biệt. Hội nghị chính trị đặc biệt xét những vấn đề lớn của nước nhà.
Chương VI. “Hội đồng Chính phủ” quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ. Hội đồng Chính phủ là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Hội đồng Chính phủ chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Hội đồng Chính phủ gồm có: Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, các Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Tổng giám đốc ngân hàng Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ chủ toạ Hội đồng Chính phủ và lãnh đạo công tác của Hội đồng Chính phủ. Các Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng, có thể được uỷ nhiệm thay Thủ tướng khi Thủ tướng vắng mặt. Các Bộ trưởng và Thủ trưởng các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ lãnh đạo công tác của ngành mình dưới sự lãnh đạo thống nhất của Hội đồng Chính phủ.
Chương VII. “Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính” quy định tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Các đơn vị hành chính trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà phân định như sau: tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, thành phố, thị xã; xã, thị trấn. Các đơn vị hành chính trong khu vực tự trị do luật định. Các đơn vị hành chính kể trên đều thành lập Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính. Các thành phố có thể chia thành khu phố có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính theo quyết định của Hội đồng Chính phủ. Hội đồng nhân dân các cấp là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân địa phương bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương. Hội đồng nhân dân bảo đảm sự tôn trọng và chấp hành pháp luật của Nhà nước ở địa phương; đặt kế hoạch xây dựng kinh tế, văn hoá và những sự nghiệp lợi ích công cộng ở địa phương; xét duyệt và phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách của địa phương; duy trì trật tự và an ninh ở địa phương, bảo vệ tài sản công cộng, bảo hộ quyền lợi của công dân, bảo đảm quyền bình đẳng của các dân tộc. Uỷ ban hành chính các cấp là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân địa phương, là cơ quan hành chính của Nhà nước ở địa phương. Uỷ ban hành chính các cấp quản lý công tác hành chính của địa phương; chấp hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp mình và nghị quyết, mệnh lệnh của cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên.
Chương VIII. “Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân” quy định tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. Toà án nhân dân tối cao nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, các Toà án nhân dân địa phương, các Toà án quân sự là những cơ quan xét xử của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Trong trường hợp cần xét xử những vụ án đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định thành lập Toà án đặc biệt. Toà án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Các Toà án nhân dân địa phương chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân địa phương.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Việt Nam dân chủ cộng hoà kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan nhà nước và công dân. Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương và Viện kiểm sát quân sự có quyền kiểm sát trong phạm vi do luật định. Viện kiểm sát nhân dân các cấp chỉ chịu sự lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Chương IX. “Quốc kỳ – Quốc huy – Thủ đô”. Quốc kỳ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Quốc huy nước Việt Nam dân chủ cộng hoà hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ “Việt Nam dân chủ cộng hoà”. Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là Hà Nội.
Chương X. “Sửa đổi Hiến pháp” quy định chỉ có Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
3. Ý nghĩa của Hiến pháp năm 1959
Hiến pháp năm 1959 ghi nhận những thành quả đấu tranh giữ nước và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng lao động Việt Nam (tức Đảng cộng sản Việt Nam ngày nay) trong sự nghiệp cách mạng ở nước ta, là bản tuyên ngôn của tất cả nhân dân Việt Nam, chính thức thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng lao động Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh vì hòa bình, thống nhất nước nhà. Hiến pháp năm 1959 là Hiến pháp xã hội chủ nghĩa đầu tiên của nước ta, đặt cơ sở pháp lý nền tảng cho sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Hiến pháp năm 1959 đồng thời là cương lĩnh đấu tranh để thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.