Nhằm giảm thiểu nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nên phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Vậy hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận này bao gồm những gì? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu qua bài viết sau:
1. Cơ sở nào phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm?
Theo quy định tại Điều 11 và 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ những trường hợp sau đây:
– Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
– Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
– Sơ chế nhỏ lẻ;
– Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
– Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
– Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
– Nhà hàng trong khách sạn;
– Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;
– Kinh doanh thức ăn đường phố;
– Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
Các cơ sở không thuộc diện phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nêu trên phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tương ứng.
(Điều kiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật An toàn thực phẩm 2010. Riêng đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phải tuân thủ các yêu cầu quy định tại Điều 28 Nghị định 15/2018/NĐ-CP).
2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm gồm có:
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
– Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
– Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
– Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.
3. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được quy định như sau:
– Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 35 Luật An toàn thực phẩm 2010;
Xem thêm: Cơ quan cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
– Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Điều 37 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm như sau
– Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 03 năm.
– Trước 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Luật An toàn thực phẩm.