1. Hiệu lực theo không gian của Bộ luật Tố tụng hình sự
Hiệu lực theo không gian của một văn bản quy phạm pháp luật là giá trị tác động của văn bản được xác định trong phạm vi lãnh thổ, vùng hay khu vực nhất định. Hiệu lực theo không gian của Bộ luật Tố tụng hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, Bộ luật Tố tụng hình sự “có hiệu lực đối với mọi hoạt động tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Do vậy, mọi hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự được tiến hành trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân thủ những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam. Theo quy định của Hiến pháp, lãnh thổ bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Những tội phạm xảy ra trên tàu bay hoặc tàu biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang hoạt động ngoài không phận hoặc lãnh hải Việt Nam là phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp bị cáo phạm tội ở nước ngoài, nếu xét xử ở Việt Nam cũng phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam.
Về nguyên tắc, hoạt động tố tụng đối với hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thuộc thẩm quyển xét xử của Tòa án Việt Nam – nơi tội phạm được thực hiện hoặc nơi kết thúc điều tra.
Hoạt động tố tụng hình sự đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam được tiến hành theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại. Nguyên tắc này thể hiện sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong các hoạt động tố tụng giữa cơ quan có thẩm quyền Việt Nam với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài chưa ký kết hoặc chưa gia nhập điều ước quốc tế có liên quan. Nguyên tắc này được áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể và được thực hiện thông qua con đường ngoại giao.
Trường hợp người nước ngoài thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc tập quán quốc tế thì được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì được giải quyết bằng con đường ngoại giao. Quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao là các quyền ưu đãi đặc biệt mà nước tiếp nhận, phù hợp với luật quốc tế, dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, các viên chức, nhân viên ngoại giao nhằm tạo điều kiện cho họ hoàn thành một cách có hiệu quả các chức phận của họ.
2. Hiệu lực theo thời gian của Bộ luật Tố tụng hình sự
Hiệu lực theo thời gian là tính bắt buộc thi hành của văn bản quy phạm pháp luật đối với các chủ thể pháp luật từ thời điểm văn bản đó phát sinh hiệu lực đến khi chấm dứt hiệu lực. Hay nói cách khác, hiệu lực theo thời gian là giới hạn xác định thời điểm phát sinh và thời điểm chấm dứt hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, là giá trị tác động của văn bản quy phạm pháp luật đến các quan hệ xã hội phát sinh từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực pháp luật đến thời điểm chấm dứt hiệu lực. Theo Luật số 101/2015/QH13 thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016. Kể từ ngày có hiệu lực, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thay thế Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Sau khi được Quốc hội thông qua, ngày 09/12/2015, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Lệnh số 35/2015/L-CTN công bố Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên và theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 thì các quy định tại Nghị quyết số 110/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội vê’ việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 có ghi thời điểm “ngày 01 tháng 7 năm 2016” được thay thế bằng thời điểm “ngày 01 tháng 01 năm 2018”, thời điểm “ngày 01 tháng 01 năm 2019” được thay thế bằng thời điểm “ngày 01 tháng 01 năm 2020”. Như vậy, hiệu lực theo thời gian của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 và khi thi hành cần chú ý một số nội dung sau:
– Đối với những vụ án do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đang thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 nhưng đến ngày 01/01/2018 chưa kết thúc thì thẩm quyền giải quyết tiếp tục được áp dụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 cho đến khi kết thúc vụ án, còn các vấn đề khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
– Đối với những tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đang trong quá trình kiểm tra, xác minh nhưng đến ngày 01/01/2018 chưa kết thúc thì thời hạn giải quyết được tính theo thời hạn của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
– Đối với những bị can, bị cáo đang bị tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 nhưng đến ngày 01/01/2018 không được tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hoặc thời hạn tạm giam vượt quá thời hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Viện kiểm sát, Tòa
án quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đang áp dụng hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
– Đối với những vụ án hình sự do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đang tiến hành điều tra nhưng đến ngày 01/01/2018 chưa kết thúc điều tra thì thời hạn điều tra được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
– Đối với những vụ án hình sự đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn nhưng đến ngày 01/01/2018 chưa kết thúc điều tra, chưa quyết định việc truy tố hoặc chưa đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm thì thời hạn điều tra, truy tố, xét xử được tính theo thời hạn của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
– Đối với những bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị trước ngày 01/01/2018 và thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 456 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhưng kể từ ngày 01/01/2018 mới xét xử thì áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để giải quyết;
– Đối với những vụ án hình sự đã xét xử sơ thẩm theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 mà có kháng cáo, kháng nghị trước ngày 01/01/2018 nhưng kể từ ngày 01/01/2018 mới xét xử phúc thẩm thì áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để giải quyết. Đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 mà có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trước ngày 01/01/2018 nhưng chưa giải quyết hoặc kể từ ngày 01/01/2018 mới có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để giải quyết;
– Đối với những trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận người bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì người bào chữa tiếp tục sử dụng cho đến khi kết thúc việc bào chữa;
– Tòa án tiếp tục áp dụng các quy định pháp luật hiện hành về án phí, lệ phí Tòa án và các chi phí tố tụng khác cho đến khi có quy định mới của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với việc ghi âm, ghi hình có âm thanh hoạt động hỏi cung bị can, Quốc hội giao cho Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện kể từ ngày 01/01/2018. Chậm nhất đến ngày 01/01/2020 thì thực hiện thống nhất việc ghi âm, ghi hình có âm thanh hoạt động hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.
Xem thêm: Hiệu lực của Bộ luật Hình sự trên lãnh thổ Việt Nam
Xem thêm: Hiệu lực của Bộ luật Hình sự ngoài lãnh thổ Việt Nam