Hệ thống pháp luật là gì? Đặc điểm của hệ thống pháp luật

0 5.149

1. Hệ thống pháp luật là gì?

Do nhu cầu quản lý xã hội, nhà nước phải ban hành một khối lượng rất lớn các văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản đó chứa đựng những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội ở nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Toàn bộ các quy phạm pháp luật đó không tồn tại rời rạc mà có sự gắn bó hữu cơ, chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau và nằm trong một chỉnh thể thống nhất, tạo thành hệ thống pháp luật.

Hệ thống pháp luật là khái niệm phản ánh cơ cấu bên trong (hệ thống cấu trúc của pháp luật, hình thức bên trong của pháp luật) đồng thời thể hiện sự thống nhất hữu cơ của các quy phạm pháp luật cấu thành hệ thống đó, thể hiện sự phân chia các quy phạm ấy thành các lĩnh vực (hoặc các ngành luật) và các chế định pháp luật.

Hiểu theo nghĩa chung nhất, hệ thống pháp luật là một chỉnh thể thống nhất các hiện tượng pháp luật (mà cốt lõi là các quy phạm pháp luật được thể hiện trong các nguồn pháp luật) có sự liên kết, ràng buộc chặt chẽ, thống nhất với nhau, luôn tác động qua lại lẫn nhau để thực hiện việc điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội.

Nghiên cứu hệ thống pháp luật có ý nghĩa quan trọng đối với việc làm rõ những thuộc tính của pháp luật, sự thống nhất nội tại, mối liên hệ ràng buộc, tính toàn diện, đồng bộ của pháp luật… từ đó phát hiện những thiếu sót, sự chồng chéo hay mâu thuẫn của hệ thống pháp luật nhằm kịp thời bổ sung và hoàn thiện. Qua đó, xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, hợp lý, hiệu quả… là nhân tố quan trọng tạo ra sự ổn định và phát triển cho đất nước.

Hình minh họa. Hệ thống pháp luật là gì? Đặc điểm của hệ thống pháp luật

2. Đặc điểm của hệ thống pháp luật

Hệ thống pháp luật có các đặc điểm sau:

2.1. Hệ thống pháp luật được hình thành một cách khách quan

Sự hình thành của hệ thống pháp luật phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Các thành tố của hệ thống pháp luật do chính các quan hệ mà chúng điều chỉnh xác lập, không phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể ban hành pháp luật.

2.2. Các thành tố trong hệ thống pháp luật có mối liên hệ chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ với nhau

Sự thống nhất nội tại là một nguyên tắc quan trọng của hệ thống pháp luật. Để pháp luật thực sự trở thành cơ sở điều chỉnh, thống nhất hành vi của các chủ thể trong xã hội, tạo lập trật tự chung thì pháp luật phải có tính thống nhất. Các quy định pháp luật, các nguồn pháp luật và các thành tố khác của hệ thống pháp luật phải có sự gắn bó hữu cơ, liên hệ chặt chẽ với nhau đồng thời tác động qua lại lẫn nhau, phối hợp và hỗ trợ nhau trong điều chỉnh các quan hệ xã hội. Sự thống nhất của hệ thống pháp luật phải được thể hiện trong từng thành tố, giữa các thành tố với nhau trong cả hệ thống và phải được xem xét trên cả hai phương diện là hình thức và nội dung.

2.3. Tính ổn định của hệ thống pháp luật chỉ là tương đối

Hệ thống pháp luật luôn vận động, thay đổi và phát triển để phù hợp với nhu cầu điều chỉnh pháp luật và tiến trình phát triển của đất nước.

Cùng với sự vận động không ngừng của các quan hệ xã hội, hệ thống pháp luật cũng được bổ sung thêm những quy phạm pháp luật, nguồn pháp luật, hiện tượng pháp luật mới và loại bỏ những quy phạm pháp luật, nguồn pháp luật và hiện tượng pháp luật đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với sự vận động và phát triển của xã hội.

4.9/5 - (98 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.

ZaloFacebookMailMap