Tống tiền là gì? Bị tống tiền phải làm sao? Cách xử lý nếu bị tống tiền đơn giản, dễ áp dụng hiện nay là gì? Hình thức xử phạt đối với hành vi tống tiền là gì? Nếu bị tống tiền bằng hình ảnh, bằng clip thì xử lý thế nào? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!
1. Tống tiền là gì? Thủ đoạn tống tiền phổ biến hiện nay?
Trước hết, pháp luật hiện hành không định nghĩa về hành vi tống tiền.
Thực tế, tống tiền được hiểu là hành vi đe dọa, dọa nạt, uy hiếp hoặc bằng bất kỳ hình thức, thủ đoạn nào khác nhằm yêu cầu/buộc người khác phải nộp tiền cho mình.
Người thực hiện hành vi tống tiền có thể là cá nhân hoặc có thể là tổ chức.
Thủ đoạn thường dùng của người thực hiện hành vi tống tiền có thể là:
- Đe dọa gửi, đăng các video, clip liên quan đến người bị đe dọa lên các trang mạng xã hội hoặc tới các đơn vị, cá nhân có ảnh hưởng tới người bị đe dọa (ví dụ gia đình, nơi làm việc…);
- Đe dọa, uy hiếp sẽ sử dụng vũ lực (có thể có vũ khí hoặc không có vũ khí) để tấn công người bị đe dọa gây phương hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người bị đe dọa nếu không chuyển giao tiền cho người đe dọa;
- Đe dọa gửi các thông tin bí mật, các bí quyết kinh doanh, các hồ sơ, tài liệu liên quan đến người bị tống tiền đến những địa điểm nhằm gây bất lợi hoặc gây thiệt hại cho họ;
- Đe dọa, uy hiếp về tinh thần người khác nếu không sẽ thực hiện việc gây thiệt hại về tài sản như hủy hoại tài sản, hoặc tố giác hành vi vi phạm pháp luật/hành vi vi phạm đạo đức, loan tin về đời tư/làm lộ thông tin về công việc…của người bị đe dọa;
Cũng lưu ý: Bên cạnh hành vi chiếm đoạt tiền, người tống tiền còn có thể yêu cầu các lợi ích vật chất, tài sản khác từ người bị đe dọa.
Hiện nay, việc đe dọa tống tiền có thể xuất phát từ một số nguyên nhân như:
- Có sự xung đột về lợi ích;
- Có sự mâu thuẫn với nhau;
- Xuất phát từ mong muốn chiếm đoạt tiền của người khác (chiếm đoạt tài sản);
Như vậy, tống tiền được hiểu đơn giản là hành vi đe dọa, uy hiếp về tinh thần để người bị đe dọa tin rằng họ sẽ nguy hại về tính mạng, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản. Từ đó, người đe dọa yêu cầu người bị đe dọa phải nộp tiền, chuyển các lợi ích vật chất tương đương như tiền hoặc các tài sản khác cho người đe dọa.
2. Cách xử lý khi bị tống tiền là gì?
Để bảo vệ quyền lợi khi bị tống tiền, đe dọa tống tiền, người bị đe dọa cần bình tĩnh, xử lý theo các hướng dẫn sau đây của chúng tôi (lưu ý, tùy thuộc từng trường hợp mà việc xử lý có thể lần lượt theo từng bước hoặc có sự kết hợp giữa các bước):
Một là, bình tĩnh, cố gắng kéo dài thời gian để tìm kiếm/xác minh thông tin, lựa chọn phương án xử lý phù hợp
- Tùy thuộc từng trường hợp mà việc kéo dài thời gian có thể được tiến hành theo nhiều cách khác nhau như hỏi các thông tin về video, hình ảnh, tài liệu,… được sử dụng làm công cụ, phương tiện đe dọa, tống tiền;
- Hỏi chi tiết về thời gian, địa điểm, số tài khoản nhận tiền, người nhận tiền và các thông tin khác liên quan đến việc giao nhận tiền/tài sản;
- Nếu được, hãy ghi âm cuộc gọi, chụp lại hình ảnh cuộc đối thoại với người đe dọa, miễn sao càng có nhiều thông tin liên quan đến việc bị đe dọa càng tốt;
Hai là, xác minh các thông tin mà người đe dọa
- Nếu người đe dọa cho bạn thời gian để xác minh các thông tin, ví dụ chuyển tiền trong thời hạn 1 tiếng, 3 ngày… thì bạn cần phải xác minh lại các thông tin mà đối tượng này cung cấp là chính xác hay không;
- Nếu họ không cho thời gian để thực hiện chuyển tiền, tài sản thì bạn cần phải cố gắng kéo dài thời gian, đồng thời với việc hồi tưởng/nhớ lại các thông tin đó hoặc đề nghị được xem trước các thông tin mà đối tượng đang đe dọa, uy hiếp để xác nhận mức độ đúng sai, chính xác;
- Ngay khi có xác nhận mức độ đúng đắn của thông tin nhận được, bạn cân nhắc để lựa chọn phương án xử lý phù hợp nhất;
Ba là, lựa chọn phương án xử lý phù hợp
- Phương án được ưu tiên lựa chọn là trình báo tới cơ quan công an gần nhất nơi bạn đang sinh sống;
- Bạn nên tới trực tiếp cơ quan này để được hỗ trợ, hướng dẫn cách xử lý phù hợp;
- Khi đi nên mang theo đầy đủ tài liệu, giấy tờ, bản ghi âm, ghi hình, bản ảnh… liên quan đến vụ việc cho cơ quan công an;
- Đặc biệt, nếu như bạn đã chuyển khoản/chuyển tiền/chuyển tài sản cho người đe dọa thì nên lưu lại chứng cứ xác nhận đã chuyển tiền/tài sản để làm căn cứ xử lý;
- Phương án ưu tiên thứ 2 có thể là liên hệ tới các cơ quan quản lý Nhà nước khác (ví dụ Ủy ban nhân dân xã, phường), các địa chỉ tiếp công dân của Nhà nước, các tổ chức hành nghề luật (ví dụ văn phòng luật, công ty luật, hội luật gia…) để được hỗ trợ, hướng dẫn cách xử lý;
- Việc liên hệ với cơ quan Nhà nước khác nên được tiến hành trực tiếp: Bạn tới trực tiếp các cơ quan này và đề nghị được hỗ trợ pháp lý;
- Bạn có thể liên hệ với các tổ chức hành nghề luật có thể thông qua số điện thoại hỗ trợ, email trực tuyến, website của các đơn vị… hoặc tới trực tiếp văn phòng/trụ sở của các đơn vị này;
- Bạn cũng có thể lựa chọn phương án trao đổi với người nhà, người bạn tin tưởng hoặc người có chuyên môn thay vì lựa chọn phương án ưu tiên thứ 2;
- Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo rằng những người bạn hỏi ý kiến đều có kiến thức chuyên môn hoặc có kinh nghiệm xử lý các vấn đề liên quan đến vụ việc của mình;
Trên đây là một số phương án xử lý đơn giản, dễ thực hiện nhất khi bạn bị đe dọa, hoặc bị tống tiền.
Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn phương án khởi kiện dân sự, đòi bồi thường thiệt hại nếu như không đủ điều kiện khởi tố người có hành vi tống tiền theo quy định của pháp luật hình sự.
Một trong những nguyên tắc để xử lý khi bị tống tiền là bạn cần bình tĩnh để xác nhận rõ yêu cầu của người đe dọa và cố gắng kéo dài thời gian có thể để có thêm thông tin, tìm phương án xử lý phù hợp.
3. Tống tiền người khác phạm tội gì?
Thông thường, hành vi tống tiền bằng clip, bằng video như bạn đang gặp phải sẽ có thể bị truy cứu hình sự với tội danh cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, nếu hành vi của đối tượng là đe dọa, uy hiếp và yêu cầu ngay tức khắc phải đưa tiền, chuyển tiền mà không cho bạn thời gian suy nghĩ, chuẩn bị thì có thể bị truy cứu hình sự với tội danh cướp tài sản tại Điều 168 Bộ luật Hình sự.
Sự khác nhau giữa hai loại tội danh này là dựa vào yếu tố thời gian, tức đối tượng đe dọa có yêu cầu phải chuyển tiền/chuyển tài sản ngay tức khắc hay không.
Tùy thuộc mức độ vi phạm mà người phạm tội (người có hành vi đe dọa, uy hiếp để chiếm đoạt tiền phải chịu mức án khác nhau), cụ thể như sau:
Loại tội phạm | Tội cướp tài sản | Tội cưỡng đoạt tài sản |
---|---|---|
Hành vi cơ bản | Đe dọa, uy hiếp bằng vũ lực hoặc bằng các thủ đoạn khác ngay tức khắc hoặc để cho người bị đe dọa/bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được để chiếm đoạt tài sản; Biểu hiện trong trường hợp của bạn như: Đe dọa đưa hình ảnh, video, thông tin cá nhân…lên trang mạng xã hội ngay lập tức nếu không đưa tiền; Đe dọa, uy hiếp sử dụng vũ lực khiến bạn rơi vào tình trạng không thể chống cự được, buộc bạn phải giao tiền, chuyển tiền ngay lập tức; | Đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác để nhằm uy hiếp tinh thần người khác để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản (thường đối tượng vi phạm sẽ cho nạn nhân một khoảng thời gian nhất định để chuyển tiền, tài sản cho mình); Biểu hiện trong trường hợp của bạn: Trong khoảng thời gian nhất định phải chuyển tiền cho đối tượng nếu không sẽ thực hiện đưa/gửi/phát tán hình ảnh, video, thông tin cá nhân…lên mạng xã hội, tới cơ quan làm việc…; |
Mức phạt | Đây cũng là loại tội phạm có cấu thành hình thức, tức người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đã thực hiện hành vi đe dọa dùng bạo lực, vũ lực, đe dọa ngay tức khắc làm cho người bị tấn công, người bị đe dọa lâm vào tình trạng không thể phản kháng, không thể chống cự được mà không cần quan tâm đến vấn đề tài sản đã bị chiếm đoạt hay chưa đều sẽ bị xử lý; Mức phạt cụ thể đối với tội phạm này như sau: Khung cơ bản: 3 – 10 năm tù; Khung tăng nặng 1: 7 – 15 năm tù (ví dụ, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng); khung tăng nặng 2: 12 – 20 năm tù (ví dụ, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng); Khung tăng nặng 3: 18 – 20 năm hoặc tù chung thân (ví dụ, chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên); | Đây là tội phạm có cấu thành hình thức, nghĩa là đối tượng chỉ cần thực hiện hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản (mà không phải là tội cướp) thì dù có chiếm đoạt tài sản được hay không đều bị xử lý hình sự; Mức phạt cụ thể như sau: Khung cơ bản: 1 – 5 năm tù; Khung tăng nặng 1: 3 – 10 năm tù (ví dụ, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng); Khung tăng nặng 2: 7 -15 năm tù (ví dụ, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng); Khung tăng nặng 3: 12 – 20 năm tù (ví dụ, chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên); |