Vài chục năm trở lại đây, những thay đổi đáng kinh ngạc trong lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam đã góp phần đưa nền luật học nước nhà tiến gần hơn với các quan niệm luật học phương Tây. Một trong những thay đổi đáng nhớ trong lĩnh vực luật học gần đây, chính là sự xa rời lý thuyết về ngành luật – Vốn đã ngự trị trong nhiều năm ở nước ta, cùng với cơ chế kinh tế chỉ huy bằng mệnh lệnh hành chính và công cụ kế hoạch.
Ngày nay, khi nghiên cứu về một lĩnh vực pháp luật nào đó, người ta ít nhắc đến vấn đề đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh (vốn đã gắn liền với lý thuyết về ngành luật) nhưng sự thực là không một lĩnh vực pháp luật nào lại không có đối tượng tác động là những quan hệ xã hội nhất định. Vì lẽ đó, dù không thật sự tán đồng với lý thuyết về ngành luật trong bối cảnh nền luật học đương đại nhưng không vì thế mà chúng ta phủ nhận ý nghĩa, tác dụng của việc tìm hiểu đối tượng tác động (hay đối tượng điều chỉnh) của một lĩnh vực pháp luật nào đó, nhất là đối với những lĩnh vực pháp luật đặc thù như Luật Chứng khoán. Xét dưới góc độ kinh tế luật, việc xác định và làm rõ bản chất của những quan hệ xã hội do Luật Chứng khoán điều chỉnh có tác dụng tốt cho việc xây dựng và thực thi một cách hiệu quả các quy định đặc thù của Luật Chứng khoán trong đời sống thực tiễn. Chỉ khi nào xác định đúng đối tượng điều chỉnh của Luật Chứng khoán thì mới có thể nói đến tính hiệu quả của Luật Chứng khoán. Dù muốn hay không, rõ ràng việc nhận diện các quan hệ xã hội do Luật Chứng khoán điều chỉnh, đồng nghĩa với việc góp phần “đưa cuộc sống vào pháp luật”.
Vậy, đối tượng điều chỉnh của Luật Chứng khoán là những quan hệ xã hội nào?
Thực tiễn lập pháp ở các nước đều cho thấy, dù có cách diễn đạt khác nhau nhưng Luật Chứng khoán các nước đều thống nhất với nhau ở chỗ, mục tiêu của việc ban hành Luật Chứng khoán chính là nhằm tạo lập một kênh tài chính mới cho nền kinh tế (ngoài kênh tài chính truyền thống là hoạt động ngân hàng), trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của giới đầu tư và giúp Nhà nước quản lý hiệu quả nền kinh tế.
Một cách khái quát, có thể hình dung đối tượng điều chỉnh của Luật Chứng khoán chính là các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Những quan hệ xã hội này bao gồm hai nhóm sau đây:
– Nhóm quan hệ xã hội phát sinh giữa các cơ quan nhà nước có chức năng kiểm soát và giám sát thị trường chứng khoán với các chủ thể khác là tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Đây là nhóm quan hệ xã hội theo “chiều dọc”, phát sinh trong quá trình quản lý, giám sát từ phía Nhà nước đối với thị trường chứng khoán. Các quan hệ này liên quan đến việc xác định cơ cấu tổ chức và thẩm quyền của các cơ quan công quyền đặc trách quản lý, kiểm soát thị trường chứng khoán, cũng như các hành vi pháp lý của những cơ quan này như: cấp và thu | hồi các loại giấy phép liên quan đến lĩnh vực chứng khoán, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp về chứng khoán…
– Nhóm quan hệ xã hội phát sinh giữa các chủ thể là tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Đây là nhóm quan hệ xã hội theo chiều ngang”, phát sinh trong quá trình giao dịch giữa các tổ chức, cá nhân trên thị trường chứng khoán. Các quan hệ này liên quan đến những hành vi pháp lý của mỗi chủ thể tham gia giao dịch như tổ chức phát hành – tổ chức niêm yết; nhà đầu tư; tổ chức kinh doanh chứng khoán; tổ chức cung ứng dịch vụ hỗ trợ trên thị trường chứng khoán (ví dụ sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán và trung tâm lưu ký chứng khoán).
Xét về bản chất, các quan hệ xã hội do Luật Chứng khoán điều chỉnh, dù là quan hệ “dọc” hay quan hệ “ngang”, cũng đều có đặc điểm chung là gắn với thị trường chứng khoán và phát sinh trong quá trình hoạt động của thị trường chứng khoán. Do các quan hệ này đều gắn với thị trường chứng khoán nên hiển nhiên nó mang đầy đủ các dấu hiệu đặc trưng của thị trường chứng khoán, chẳng hạn như tính rủi ro cao, tính ảnh hưởng dây chuyền, tính nhạy cảm trước các biến động của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng và an ninh trong nước cũng như khu vực và thế giới.
Ở chừng mực nào đó, như một hệ quả tất yếu – các đặc điểm này lại có ảnh hưởng mang tính quyết định đến nội dung điều chỉnh của Luật Chứng khoán.