Do đặc điểm tâm, sinh lý của người dưới 18 tuổi nên khi tiến hành tố tụng đối với chủ thể này ngoài việc xác định những vấn đề cần chứng minh có tính chất bắt buộc chung đối với các vụ án hình sự và các tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng vụ án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án còn phải chứng minh những tình tiết được quy định tại Điều 416 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đó là:
– Tuổi, mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi;
– Điểu kiện sinh sống và giáo dục;
– Có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục;
– Nguyên nhân, điểu kiện, hoàn cảnh phạm tội.
Khoản 1 Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi, cụ thể: “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm”.
1. Tuổi, múc độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi
Trong quá trình tiến hành tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải xác định tuổi của người dưới 18 tuổi. Việc xác định tuổi là cần thiết để có thể xác định việc truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đó. Mặt khác, việc xác định tuổi còn cần thiết cho việc quyết định áp dụng hình phạt thích hợp và bảo đảm chế độ thi hành án hình sự đúng quy định của pháp luật đối với người dưới 18 tuổi.
Khi có đầy đủ căn cứ xác định về độ tuổi của người dưới 18 tuổi đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án mới được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và chỉ áp dụng đường lối xét xử đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi có đầy đủ căn cứ để kết luận rằng bị cáo là người dưới 18 tuổi khi phạm tội.
Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của người dưới 18 tuổi được xác định:
– Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.
– Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.
– Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.
– Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó;
– Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.
2. Điều kiện sinh sống và giáo dục
Yếu tố môi trường và điều kiện sinh sống, giáo dục có một ảnh hưởng rất lớn đối với sự hình thành và phát triển nhân cách nói chung và ảnh hưởng đến hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi nói riêng.
Gia đình là tế bào của xã hội, người dưới 18 tuổi ảnh hưởng trực tiếp từ những người thân trong gia đình như ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em… Người dưới 18 tuổi khi còn là trẻ em như những tờ giấy trắng hay còn được gọi là chiếc máy thu ghi âm, ghi hình, ghi lại tất cả những thói quen, tật xấu của các thành viên trong gia đình mà trước hết là các bậc cha, mẹ đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành nhân cách lệch chuẩn của người dưới 18 tuổi như các hành vi vi phạm đạo đức (tụ tập cờ bạc, rượu chè, cá độ…); các hành vi vi phạm pháp luật hình sự…
Những gia đình có cơ cấu không hoàn chỉnh (cha, mẹ ly hôn; không có cha hoặc mẹ từ khi còn sơ sinh…) người dưới 18 tuổi sống trong gia đình thường không được quan tâm, chăm sóc và dậy dỗ như các trẻ em khác cùng trang lứa. Chính từ việc thiếu thốn tình cảm, không được quan tâm, chăm sóc cả về kinh tế lẫn học tập nên người dưới 18 tuổi thường thiếu phương hướng có suy nghĩ tiêu cực và có biểu hiện lệch lạc dễ dẫn đến con đường phạm tội.
Ngược lại, sự chiều chuộng con cái một cách thái quá của một số bậc cha, mẹ đã tạo cho người dưới 18 tuổi có thói quen ỷ lại, lười lao động, ích kỷ và xem thường người khác… hoặc có những bậc cha, mẹ quá khắt khe, hành xử thô bạo, đánh đập, hắt hủi con cái làm cho người dưới 18 tuổi có tâm lý sợ hãi, xa lánh, bỏ nhà đi bụi đời và từ đó đi vào con đường phạm tội một cách dễ dàng.
Nhà trường ngoài chức năng giáo dục ra còn phải giáo dục phẩm chất, nhân cách cho học sinh. Khác với gia đình hay các tổ chức xã hội, nhà trường vừa là nơi người dưới 18 tuổi học lý thuyết, vừa là nơi để họ thể hiện cuộc đời. Quá trình trong nhà trường thầy, cô giáo bằng kỹ năng của mình sẽ giúp học sinh nhận thức, khám phá và sáng tạo, là quá trình giúp học sinh đi từ trang sách đến cuộc sống thông qua trí tuệ và tâm hồn đến hành động trong cuộc đời. Nhà trường có vai trò to lớn trong việc giáo dục và hình thành nhân cách của các em.
Các hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống xã hội cũng là yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của người dưới 18 tuổi. Sống trong một môi trường xấu (khu phố có nhiều tệ nạn xã hội) thì người dưới 18 tuổi dễ bị tác động theo chiều hướng tiêu cực và dễ khiến họ có những hành vi lệch chuẩn, dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội.
Kết luận, điều kiện sinh sống và giáo dục người dưới 18 tuổi có ảnh hưởng đến việc xác định một số điểm liên quan đến hành vi phạm tội do người dưới 18 tuổi gây ra và khả năng cải tạo, giáo dục họ. Do vậy, khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử đối với những vụ án mà bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, cẩn xác định:
– Điều kiện sinh sống của gia đình;
– Thái độ của cha mẹ đối với việc giáo dục con cái;
– Môi trường sinh hoạt xung quanh, nội dung giáo dục của nhà trường, nơi làm việc, nơi cư trú có ảnh hưởng đến hành vi của người dưới 18 tuổi phạm tội hay không.
3. Có hay không người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục
Khi nghiên cứu về người dưới 18 tuổi phạm tội, các công trình nghiên cứu tiếp cận dưới góc độ nhân cách của người dưới 18 tuổi phạm tội cho thấy: về mặt cấu trúc, các thành phần của tâm lý cá nhân người dưới 18 tuổi phạm tội và trẻ em bình thường không có khác biệt, nhưng ở nhóm tâm lý người dưới 18 tuổi phạm tội có những đặc thù về tính chất của các thành phần tạo nên đời sống tâm lý. Trong cấu trúc của người dưới 18 tuổi phạm tội có điểm nổi bật là: xu hướng chung không sẵn sàng hoạt động, không kiên định thực hiện hành vi hợp chuẩn và hợp pháp (không có nhu cầu hứng thú, tâm thế… tích cực đối với hành vi hợp chuẩn và hợp pháp) vì thế trong những hoàn cảnh thuận lợi, thích hợp các em thực hiện hành vi không hợp chuẩn và không hợp pháp. Bên cạnh đó, người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về mặt thể chất và tinh thần, nhẹ dạ, cả tin và thiếu kinh nghiệm sống nên dễ bị lôi kéo, tác động của người đủ 18 tuổi trở lên.
Theo khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức là một trong những tình tiết giảm nhẹ, vì vậy trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử những vụ án có người dưới 18 tuổi tham gia cần phải xác định có hay không sự xúi giục của người đủ 18 tuổi trở lên. Ngoài ra, theo điểm o khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội là một tình tiết tăng nặng.
4. Nguyên nhân, điều kiện và hoàn cảnh phạm tội
Để đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội đạt hiệu quả, chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến hành vi phạm tội của họ. Việc người dưới 18 tuổi phạm tội cũng như các hiện tượng xã hội khác đều có quy luật vận động riêng và thường xuyên bị chi phối bởi hoàn cảnh xã hội khách quan. Để xác định nguyên nhân phạm tội, trước hết ta phải xem xét ở các hiện tượng, quá trình xã hội. Nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến tình trạng người dưới 18 tuổi phạm tội cũng không nằm ngoài quy luật xã hội. Các nguyên nhân và điều kiện dẫn đến người dưới 18 tuổi phạm tội, đó là:
– Môi trường gia đình, nhà trường, xã hội;
– Đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi của người dưới 18 tuổi là điều kiện ảnh hưởng, tác động lẫn nhau một cách biện chứng làm phát sinh tội phạm ở người dưới 18 tuổi.
Như đã phân tích ở trên, người dưới 18 tuổi trong quá trình hình thành nhân cách của mình chịu ảnh hưởng từ gia đình, người thân. Vai trò của cha, mẹ và những người thân như ông, bà, anh, chị là các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành nhân cách của người dưới 18 tuổi.
Các yếu tố tích cực (lễ phép; biết vâng lời cha, mẹ, ông, bà, anh, chị; được giáo dục tốt…) sẽ hình thành nên nhân cách tốt cho người dưới 18 tuổi.
Các yếu tố tiêu cực (thói hư, tật xấu, chửi thề, rượu chè, cờ bạc, hành vi vi phạm pháp luật…) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành nhân cách của người dưới 18 tuổi.
Sự buông lỏng quản lý, giáo dục hay bao che, thương con thái quá của các bậc phụ huynh cũng là nguyên nhân dẫn người dưới 18 tuổi đến những hành vi trái pháp luật.
Bên cạnh những yếu tố nêu trên, nhà trường cũng là một trong những yếu tố quan trọng đối với sự hình thành, phát triển nhân cách của người dưới 18 tuổi. Ngoài số giờ sống trong gia đình, người dưới 18 tuổi còn có thời gian ở trường để sinh hoạt và học tập cũng khá nhiều. Nếu như sống trong một môi trường giáo dục tốt thì các em sẽ phát triển tốt và tránh được các hiện tượng tiêu cực đối với gia đình và xã hội. Ngược lại, nếu môi trường giáo dục không tốt thì các em dễ bị lệch lạc và có những hành vi tiêu cực từ bỏ học, vi phạm hành chính ’’ và vi phạm pháp luật hình sự. Để người dưới 18 tuổi có thể phát triển một cách tốt nhất cần có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc quản lý, giáo dục.
Ngoài ra, yếu tố xã hội cũng là một trong những tiền đề tạo nên nhân cách của người dưới 18 tuổi. Việc tổ chức nhiều khu vui chơi, giải trí và các trung tâm dạy nghề cho các em không đủ điểu kiện đến trường hoặc vì một lý do nào đó làm gián đoạn việc học tập… cũng góp phần làm cho người dưới 18 tuổi hình thành và phát triển nhân cách một cách tốt nhất.
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với những vụ án mà bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, cơ quan tiến hành tố tụng cần phải xác định nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội nhằm:
– Đưa ra các biện pháp xử lý chính xác và phù hợp theo đúng quy định của pháp luật;
– Yêu cầu các cơ quan hoặc tổ chức áp dụng những biện pháp cần thiết để khắc phục nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm tại các cơ quan hoặc tổ chức đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.