1. Đối chất là gì?
Trong quá trình thu thập chứng cứ bằng các biện pháp lấy lời khai những người tham gia tố tụng, vì những lý do khác nhau không tránh khỏi lời khai của những người này có sự khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau về cùng một tình tiết của vụ án. Nếu tồn tại mâu thuẫn này thì tình tiết của vụ án sẽ không được xác định. Đối chất là biện pháp điều tra được áp dụng khi có sự mâu thuẫn trong lời khai của những người tham gia tố tụng về một, một số tình tiết của vụ án nhằm xác định sự thật của vụ án. Bản chất của biện pháp đối chất là thông qua lập luận, tâm lý, logic trong lời khai của các bên để xác định lời khai nào đúng sự thật. Như vậy, kết quả của đối chất sẽ có giá trị là chứng cứ nếu việc đối chất được thực hiện thông qua cách thức thực hiện khoa học của Điều tra viên, đồng thời tuân thủ thủ tục luật định về đối chất.
2. Thủ tục đối chất
Để tiến hành đối chất, Điều tra viên phải xác định có sự mâu thuẫn trong lời khai của những người tham gia tố tụng và thực hiện thủ tục đối chất theo quy định. Thủ tục đó là:
– Trước khi tiến hành đối chất, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc đối chất. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản đối chất.
– Giải thích quyền và nghĩa vụ cho người tham gia đối chất là bị hại, người làm chứng.
– Khi bắt đầu đối chất, Điều tra viên hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất, sau đó hỏi họ về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Sau khi nghe đối chất, Điều tra viên có thể hỏi thêm từng người.
– Trong quá trình đối chất, Điều tra viên có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan; có thể để cho những người tham gia đối chất hỏi lẫn nhau; câu hỏi và trả lời của những người này phải ghi vào biên bản.
– Chỉ sau khi những người tham gia đối chất đã khai xong mới được nhắc lại những lời khai trước đó của họ.
– Việc đối chất phải được lập thành biên bản và có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.