1. Kết hôn là gì?
Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. (Khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)
2. Điều kiện kết hôn với công an mới nhất
Để kết hôn thì điều đầu tiên phải tuân thủ quy định kết hôn của Luật hôn nhân gia đình cụ thể cần đáp ứng các điều kiện sau:
Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình 2014 về điều kiện kết hôn như sau:
(i) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
(ii) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
(iii) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
(iv) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật hôn nhân gia đình 2014.
(v) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn sau:
– Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
– Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
– Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Ngoài những điều kiện nêu trên, nếu bạn muốn kết hôn với người đang phục vụ trong ngành công an nhân dân thì còn phải đáp ứng các điều kiện đặc thù của ngành công an, cụ thể là không thuộc một số trường hợp sau:
– Gia đình làm tay sai cho chế độ phong kiến, Nguy quân, Ngụy quyền;
– Bố mẹ hoặc bản thân có tiền án hoặc đang chấp hành án phạt tù;
– Gia đình hoặc bản thân theo Đạo thiên chúa, Cơ đốc, Tin lành…;
– Gia đình hoặc bản thân là người dân tộc Hoa;
– Bố mẹ hoặc bản thân là người nước ngoài (kể cả đã nhập tịch)
Theo các văn bản nội bộ của Bộ Công an ban hành để được đăng ký kết hôn với công an, cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền ngoài các điều kiện chung của công dân Việt Nam nêu trên còn tiến hành thẩm tra lý lịch cá nhân và lý lịch ba đời của người còn lại nếu không phục vụ trong ngành công an. Theo đó nếu khi thẩm tra lý lịch mà rơi vào các trường hợp sau thì sẽ không được kết hôn với người phục vụ trong công an:
– Về lý lịch cá nhân:
+ Tôn giáo: Không chấp nhận các tôn giáo như Thiên Chúa giáo, Tin lành, Cơ đốc,…;
+ Dân tộc: Không chấp nhận người có dân tộc Hoa;
+ Không được có tiền án hoặc đang chấp hành bản án, chưa được xóa án tích;
+ Quốc tịch: Việt Nam, tuy nhiên người nước ngoài kể cả đã nhập quốc tịch Việt Nam cũng không được kết hôn với người phục vụ trong công an nhân dân;
– Về lý lịch gia đình:
+ Thẩm tra lý lịch ba đời: Đời thứ nhất bao gồm ông, bà bao gồm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; Đời thứ hai bao gồm cha mẹ, cô, gì, chú, bác ruột; Đời thứ ba bao gồm bản thân và anh, chị, em ruột, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha. Kể cả trường hợp gia đình có Đảng viên vẫn thẩm tra lý lịch ba đời.
+ Gia đình không được có ai tham gia Ngụy quân, Ngụy quyền hoặc làm tay sai cho chế độ phong kiến;
+ Gia đình không được có ai có tiền án hoặc đang chấp hành bản án hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích;
+ Về tôn giáo: Không tham gia tôn giáo;
+ Về quốc tịch: Buộc quốc tịch phải là Việt Nam, tuy nhiên người nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam cũng không đủ điều kiện kết hôn;
+ Về dân tộc: Gia đình nếu có người thuộc dân tộc Hoa thì không đủ điều kiện.