Ly hôn là mặt trái của hôn nhân và là việc thường xuyên xảy ra trong quan hệ hôn nhân gia đình. Đối với trường hợp yêu cầu đơn phương ly hôn cần những điều kiện như thế nào để được Tòa án quyết định chấp thuận? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!
1. Điều kiện để được giải quyết đơn phương ly hôn?
Đơn phương ly hôn là việc yêu cầu ly hôn chỉ xuất phát từ một bên ý chí của vợ hoặc chồng. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định một số điều kiện để Tòa án giải quyết về đơn phương ly hôn như sau:
– Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
– Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
– Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Vấn đề hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng… được quy định tại điểm 8 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán – Toà án nhân dân tối cao, bao gồm:
– Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
– Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
– Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình.
Như vậy, có 1 trong những các điều kiện trên thì Tòa án sẽ giải quyết cho đơn phương ly hôn. Người nộp đơn đơn phương ly hôn cần chứng minh được căn cứ xin ly hôn.
2. Các giấy tờ cần chuẩn bị khi ly hôn đơn phương
Để được Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương, người yêu cầu phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ như sau:
- Đơn khởi kiện ly hôn (Theo mẫu số 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NĐ-HĐTP);
- Giấy chứng nhận Đăng ký kết hôn;
- Giấy tờ chứng thực cá nhân: CMND/CCCD/Căn cước… của vợ và chồng;
- Giấy xác nhận thông tin cư trú;
- Giấy khai sinh của con (trong trường hợp có con chung);
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm…)
- …
3. Thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương
Theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, khi ly hôn đơn phương, người có yêu cầu phải nộp đơn đến Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc.
Đồng thời, Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định những tranh chấp về hôn nhân và gia đình sẽ do Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Tuy nhiên, nếu những vụ án ly hôn này có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài thì thẩm quyền thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Do đó, đơn khởi kiện ly hôn sẽ nộp đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị yêu cầu ly hôn đơn phương cư trú hoặc làm việc. Trường hợp có yếu tố nước ngoài như trên thì sẽ nộp đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
4. Thời gian giải quyết đơn phương ly hôn bao lâu?
Thủ tục ly hôn đơn phương được thực hiện như thủ tục của một vụ án dân sự. Trong trường hợp thông thường, thời gian giải quyết một vụ án ly hôn đơn phương thường là ít nhất 04 tháng. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều trường hợp phức tạp, vì nhiều lý do bất khả kháng… mà có thể kéo dài hơn.