Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

0 1.190

1. Căn cứ pháp lý

Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể như sau:

Điều 75. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;

b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;

c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;

d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.

2. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.


2. Phân tích các điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại hay nói cách khác là các yếu tố cấu thành tội phạm, tương tự đối tượng là cá nhân, hành vi của pháp nhân thương mại chỉ đủ yếu tố cấu thành tội phạm được nêu tại Bộ luật này khi và chỉ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

2.1.  Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại

Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại là hành vi của một người hoặc một số người đang thuộc biên chế của tổ chức kinh tế mà theo pháp luật thì tổ chức kinh tế này là pháp nhân thương mại. Nếu họ không phải trong tổ chức kinh tế được công nhận là pháp nhân thương mại thì hành vi phạm tội của họ không phải là hành vi của pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, nếu một người được pháp nhân thương mại ký hợp đồng hay uỷ quyền thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân thương mại giao và khi thực hiện họ nhân danh pháp nhân thương mại đã ký hợp đồng hoặc uỷ quyền cho họ thì hành vi phạm tội của người này vẫn là hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại mà họ ký hợp đồng hoặc được uỷ quyền.

Khi tham gia vào các mối quan hệ xã hội, pháp nhân thương mại bình đẵng với chủ thể cá nhân. Tuy nhiên xét về đặc điểm cơ cấu, tổ chức thì hành vi của pháp nhân chỉ được thực hiện thông qua một hoặc nhiều cá nhân cụ thể và làm phát sinh các quyền và trách nhiệm tương ứng của pháp nhân. Cá nhân này là người đại diện theo pháp luật và/hoặc một cá nhân khác theo ủy quyền hoặc theo quy định trong cơ cấu, tổ chức của pháp nhân. Trong suốt quá trình hoạt động của mình, pháp nhân thực hiện các quyền và nghĩa vụ thông qua các đại diện có thẩm quyền, trường hợp này có thể nói cá nhân và pháp nhân tương hổ với nhau trong một chủ thể nhất định, hay nói cách khác là hình với bóng mà không thể tách rời, việc thiếu đi một chủ thể không tạo nên tư cách hoạt động và từ đó không làm phát sinh được trách nhiệm của pháp nhân.

Xét các yếu tố cấu thành trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định Bộ luật này thì cần mặc định yếu tố đầu tiên là hành vi đó phải được thực hiện nhân danh pháp nhân. Nghĩa là hành vi được người đại diện theo pháp luật hoặc một cá nhân khác có thẩm quyền thực hiện bằng tư cách của pháp nhân mà không phải bằng tư cách cá nhân của các chủ thể này. Ví dụ: A là Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH X hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cà phê, trong quá trình sản xuất, A cho sử dụng các phế phẩm từ cà phê, đậu nành, sử dụng dầu nhớt, Pin để cho ra thị trường hàng tấn cà phê giả, kém chất lượng dưới danh nghĩa cà phê do Công ty X sản xuất. Qua ví dụ trên, chúng ta có thể nhận thấy, các sản phẩm cà phê được đóng gói, bao bì mang thương hiệu Công ty X, đồng thời hành vi này được chính người đại diện theo pháp luật của Công ty X thực hiện. Vì vậy, hiển nhiên làm phát sinh việc xem xét trách nhiệm hình sự Công ty X trong trường hợp thỏa mãn đồng thời các yếu tố khác. Tại điểm này chúng ta cần phải làm rõ liệu cá nhân thực hiện hành vi có đủ thẩm quyền để nhân danh pháp nhân hay không. Không phải mọi cá nhân đang làm việc và hoạt động tại pháp nhân đều có quyền nhân danh pháp nhân mà chỉ có những cá nhân theo luật định và theo quy định trong cơ cấu, tổ chức của pháp nhân mới đủ thẩm quyền nhân danh và từ đó làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ cho pháp nhân. Cụ thể theo quy định tại Điều 85 Bộ luật Dân sự 2015 thì đại diện của pháp nhân được nêu như sau:

Điều 85: Đại diện của pháp nhân

Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Người đại diện của pháp nhân phải tuân theo quy định về đại diện tại Chương IX Phần này”.

Xét về đại diện theo pháp luật của pháp nhân: Tùy theo từng loại hình pháp nhân mà có đại diện pháp luật tương ứng với những điều kiện cụ thể. Đại diện theo pháp luật của pháp nhân được thể hiện rõ nét nhất trong Điều lệ của pháp nhân đó và trên giấy chứng nhận đăng ký khi được Cơ quan có thẩm quyền cấp.

Xét về đại diện theo ủy quyền: Là trường hợp mà người đại diện theo pháp luật hay nói cách khác là người đại diện đương nhiên vì một lý do nào đó mà không thể thực hiện các công việc, giao dịch nhân danh pháp nhân nên ủy quyền lại cho một hoặc một số người nhất định để thực hiện một hoặc một số công việc, giao dịch trong phạm vi ủy quyền. Và đương nhiên khi nhận được sử ủy quyền từ người đại diện theo pháp luật của pháp nhân mà người được ủy quyền thực hiện công việc, giao dịch trong phạm vi được ủy quyền đều làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của pháp nhân mà mình nhân danh.

Chính vì vậy mà chỉ có những cá nhân có đủ thẩm quyền (đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền) mới được quyền nhân danh pháp nhân để thực hiện những hành vi nhất định

2.2. Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại.

Tại yếu tố thứ nhất, chúng ta đã phân tích hành vi của pháp nhân thương mại được thực hiện thông qua hành vi của một hoặc một số cá nhân có thẩm quyền của pháp nhân đó. Tuy nhiên không phải trong mọi trường hợp việc nhân danh đều nhằm mục đích cuối cùng là vì lợi ích của pháp nhân mà mình nhân danh. Trong thực tế có rất nhiều trường hợp, đối tượng đã lợi dụng tên tuổi, uy tín, địa vị của một pháp nhân để thực hiện những hành vi phục vụ cho lợi ích của chính bản thân mình hoặc cho một, một số cá nhân, tổ chức khác. Xét hành vi này ở những khía cạnh như sau:

– Đủ thẩm quyền nhân danh pháp nhân nhưng khi nhân danh pháp nhân để xác lập thực hiện các hành vi, giao dịch lại không vì lợi ích của pháp nhân mà chỉ nhằm trục lợi cho bản thân hoặc cho đối tượng khác ⇒ không đủ yếu tố cấu thành tội phạm cho pháp nhân.

– Không đủ thẩm quyền nhân danh pháp nhân nhưng vẫn nhân danh pháp nhân để thực hiện các hành vi, giao dịch nhằm phục vụ lợi ích của bản thân hoặc đối tượng khác ⇒ không đủ yếu tố cấu thành tội phạm cho pháp nhân.

Như vậy, có thể thấy bên cạnh yếu tố đủ thẩm quyền nhân danh pháp nhân thì việc nhân danh này phải nhằm mục đích cuối cùng là vì lợi ích của pháp nhân đó. Hai chữ lợi ích ở đây không nhất định phải được cố định trong một ngữ nghĩa là trên thực tế phải đem về cho pháp nhân một lợi ích vật chất, phi vật chất cụ thể nào đó. Chúng ta phải hiểu rằng, pháp nhân thương mại ra đời và hoạt động với tôn chỉ duy nhất là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận đó sẽ được phân chia cho các thành viên đã sáng lập ra nó. Và tất nhiên trước khi đưa ra quyết định cho một vấn đề, sự việc cụ thể nào, người đại diện của pháp nhân luôn luôn mong muốn và hướng đến những giá trị lợi ích nhất định, lợi ích đó có thể được thể hiện dưới dạng vật chất như tiền, tài sản, bất động sản, cổ phiếu…hay dưới dạng lợi phi vật chất là các mối quan hệ làm ăn kinh doanh, uy tín, địa vị…, lợi ích đó có thể biểu hiện ở hiện tại hoặc tương lai…. Vì vậy khi xác định hành vi phạm tội của pháp nhân, chúng ta không cần quan tâm liệu tại thời điểm đó pháp nhân đã đạt được lợi ích nào từ việc thực hiện hành vi này hay không.

Khi một người hoặc một số người thực hiện hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại giao hoặc uỷ quyền đều vì lợi ích của pháp nhân thương mại chứ không vì lợi ích cá nhân của họ. Tuy nhiên, nếu trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội họ lại lợi dụng pháp nhân thương mại để thực hiện thêm hành vi vì lợi ích cá nhân thì chỉ hành vi nào vì lợi ích của pháp nhân thương mại mới buộc pháp nhân thương mại phải chịu, còn hành vi nào vượt ra ngoài lợi ích của pháp nhân thương mại mà vì lợi ích cá nhân họ thì họ phải chịu. Có thể nói, đây là một dạng hành vi “vượt quá của người thực hành” trong vụ án mà pháp nhân thương mại phạm tội.

Ví dụ: Công ty TNHH một thành viên X giao cho Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B vận chuyển một số thiết bị y tế là hàng cấm mà Công ty mua được của một Công ty Y. Trong quá trình nhận và vận chuyển số hàng cấm trên, A và B đã bàn với nhau “nhân tiện” vận chuyển một số thuốc lá ngoại để tiêu thụ. Trên đường vận chuyển thì bị Công an bắt giữ. Khi bị bắt, để trốn tránh trách nhiệm A và B khai tất cả hàng trên xe là của Công ty X. Sau khi điều tra, xác minh thì số thuốc lá ngoại mà A và B vận chuyển không phải của Công ty X, mà của cá nhân A và B. Do đó, Cơ quan điều tra chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Công ty X về hành vi vận chuyển hàng cấm là các thiệt bị y tế.

2.3. Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại

Hành vi phạm tội của một hoặc một số người phải có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Sự chỉ đạo điều hành là sự chỉ đạo của những người đứng đầu hoặc của một tập thể pháp nhân thương mại như: Giám đốc, Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc của công ty. Sự chỉ đạo, điều hành này cũng tương tự như trường hợp phạm tội có tổ chức mà người tổ chức là người chỉ đạo điều hành mọi hành vi của tất cả các đồng phạm khác. Ngoài sự chỉ đạo, điều hành của những người nhân danh pháp nhân thương mại còn có trường hợp tuy không có sự chỉ đạo, điều hành nhưng lại có sự chấp thuận của những người đứng đầu pháp nhân thương mại thì hành vi phạm tội cũng là hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại.

Ví dụ: Một số Công nhân của Công ty A có nhiệm vụ kiểm tra các van xả nước thải theo quy trình xả thải đã được thiết kế và được cơ quan chức năng chấp nhận. Tuy nhiên, khi kiểm tra các van xả thải thấy có nhiều van đã hỏng, một số đường ống đã vỡ làm cho nước thải chảy ra sông. Các công nhân này đã gọi điện về báo cáo Giám đốc tình hình xả thải như trên và đề nghị tiếp tục cho xả thải ra môi trường. Khi được báo cáo, Giám đốc công ty đã đồng ý với biện pháp của các công nhân, mà không có biện pháp khắc phục trong một thời gian dài gây ô nhiễm nguồn nước làm cho các sinh vật sống ở sồng chết hàng loạt.

Như đã phân tích tại yếu tố thứ nhất và thứ hai trong cấu thành trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại thì mọi hoạt động của pháp nhân thương mại được thực hiện thông qua hành vi của người đại diện. Vậy trên cơ sở nào để xác định một hành vi, hoạt động được thực hiện đã có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Để xem xét vấn đề này cần căn cứ vào loại hình của pháp nhân cùng với bộ máy, cơ cấu, tổ chức. Bởi lẽ không phải mọi hành vi, giao dịch của pháp nhân đều do người đại diện quyết định mà tùy vào loại hình, có những vấn đề cần phải có sự xem xét, quyết định của một bộ phận (Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị đối với loại hình doanh nghiệp cổ phần; Hội đồng thành viên đối với doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn…).

Về hình thức biểu hiện: Thực tế trong hoạt động của pháp nhân thương mại việc chỉ đạo được biểu hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau như lời nói, văn bản (Biên bản họp, Nghị quyết, thư điện tử) hoặc có thể chỉ đạo ngầm qua hành vi, cử chỉ nhất định mà chỉ có những cá nhân thân cận mới có thể nắm bắt được.

Khi xem xét có hay không sự chỉ đạo, chấp thuận, điều hành của pháp nhân đối với một hành vi vi phạm cần có cơ sở để đánh giá một cách khách quan rằng đã có sự chấp thuận trước đó. Tùy vào từng trường hợp, mà Cơ quan chức năng sẽ có sự xem xét cụ thể, không nhất thiết mọi sự chỉ đạo, điều hành phải được biểu hiện bằng hình thức văn bản mà có thể dưới bất kỳ hình thức nào mang tính chứng minh. Bởi lẽ, trong cơ cấu, tổ chức của pháp nhân luôn luôn hoạt động theo nguyên tắc chỉ đạo, mệnh lệnh, rất khó để cho rằng một bộ phận, phòng ban có thể tự ý thực hiện một hoặc một số hành vi, giao dịch khi chưa có sự chấp thuận của pháp nhân đó. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc mọi hành vi xảy ra đều là thực thi theo sự chỉ đạo của pháp nhân. Trong thực tế không ít cá nhân, bộ phận đã lợi dụng danh nghĩa pháp nhân để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nhằm trục lợi hoặc thực hiện hành vi với mục đích nhằm mang lại lợi ích cho pháp nhân khi chưa nhận được sự chấp thuận của pháp nhân.

2.4. Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại tương tự như với cá nhân, cụ thể:

“Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ”.

Dù là người phạm tội hay pháp nhân thương mại phạm tội thì bao giờ Bộ luật Hình sự sự cũng quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật Hình sự năm 2015 tuỳ thuộc vào tội phạm mà pháp nhân thương mại thực hiện: 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc xác định thế nào là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại khoản 2 Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015. Điều luật này đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (là các tội phạm mà pháp nhân thương mại thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Cũng như đối với người phạm tội, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự năm 2015), pháp nhân thương mại lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với người phạm tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới. Khi áp dụng các điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội cần chú ý:

Nếu người của pháp nhân thương mại thực hiện hành vi nhân danh pháp nhân thương mại và pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì tùy trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tư cách là cá nhân. Quy định này chống việc lợi dụng pháp nhân thương mại để thực hiện hành vi phạm tội nhằm thoát sự trừng trị của pháp luật.

Pháp nhân thương mại tuy là chủ thể của tội phạm, nhưng không phải là chủ thể của tất cả các tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự, mà chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự một số tội phạm có liên quan trực tiếp đến hoạt động của pháp nhân thương mại.

Một khi hội tụ đầy đủ các yếu tố nêu trên thì pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với tính chất, mức độ hành vi vi phạm. Khi xem xét trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại không loại trừ trách nhiệm hình sự của các cá nhân có liên quan. Một vấn đề được đặt ra khi cùng xem xét một hành vi vi phạm cho hai chủ thể liệu có phù hợp hay không? Dưới góc độ pháp lý, các cá nhân, pháp nhân khi tham gia vào các mối quan hệ xã hội đều bình đẵng về quyền và nghĩa vụ, là hai thực thể hoàn toàn tách biệt nhau nên việc xem xét trách nhiệm hình sự của hai chủ thể này đối với cùng một hành vi là phù hợp.

Đồng thời, quy định này rõ ràng giúp ngăn ngừa việc lợi dụng pháp nhân để thực hiện các hành vi phạm tội cũng như nâng cao trách nhiệm của các cá nhân đại diện khi quyết định một hành vi cụ thể.


3. Tải file Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung

Tải về: Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung

4.9/5 - (96 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.

ZaloFacebookMailMap