Điều kiện bảo hộ tên thương mại
Theo quy định tại Điều 78 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, tên thương mại được cho là có khả năng phân biệt khi đáp ứng được hai điều kiện sau:
Thứ nhất, tên thương mại phải chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng.
Doanh nghiệp khi tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể sử dụng tên giao dịch đầy đủ hoặc tên viết tắt để dễ dàng cho các giao dịch. Ví dụ như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam VietinBank là tên thương mại đầy đủ, bên cạnh đó, ngân hàng thường sử dụng tên giao dịch là Ngân hàng VietinBank; từ “VietinBank” chính là tên riêng – chứa thành phần phân biệt của tên thương mại. Thành phần tên riêng này giúp cho ta dễ dàng phân biệt doanh nghiệp này với các doanh nghiệp khác trong cùng một lĩnh vực, khu vực kinh doanh.
Tuy nhiên trên thực tế, có một số tên thương mại không chứa thành phần tên riêng nhưng đã tồn tại trong thời gian lâu dài và được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. Trong trường hợp này thì tên thương mại đó vẫn được coi là có khả năng phân biệt qua quá trình sử dụng thực tế. Ví dụ: Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội, Công ty cổ phần Bia – rượu – nước giải khát Hà Nội…
Thứ hai, tên thương mại không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh; không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.
Các quốc gia thường đặt ra một số điều kiện mà tên thương mại phải đáp ứng để được cho phép và được chấp nhận đăng ký trong sổ đăng bạ tên các công ty, có thể tồn tại ở cấp quốc gia. Đặc điểm của doanh nghiệp (ví dụ, công ty trách nhiệm hữu hạn thường được viết tắt là Ltd. ), cũng như mục tiêu kinh doanh phải được đề cập tới. Tên thương mại thường khá dài, nên khó có thể làm công cụ thực tế cho việc sử dụng trong các hoạt động kinh doanh hàng ngày như một dẫn chiếu tới công ty. Do đó, các doanh nghiệp có xu hướng sử dụng tên thương mại ngắn hơn hoặc một số dấu hiệu nhận dạng công ty khác ngoài tên thương mại đầy đủ đã đăng ký một cách chính thức.
– Bảo hộ hợp pháp.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu một tên thương mại hay tên doanh nghiệp được coi là có khả năng phân biệt, nó được bảo hộ thông qua việc sử dụng, cho dù đã đăng ký hay chưa. Nếu không có khả năng phân biệt, nó có thể được bảo hộ sau khi có được khả năng phân biệt thông qua việc sử dụng. Khả năng phân biệt trong ngữ cảnh này nghĩa là công chúng tiêu dùng công nhận tên thương mại đó như một dẫn chiếu tới một nguồn gốc kinh doanh đặc biệt. Quy định này của pháp luật Việt Nam hoàn toàn phù hợp với Công ước Paris và pháp luật một số nước trên thế giới.
Một tên thương mại hay tên doanh nghiệp cũng có khả năng được bảo hộ thông qua việc đăng ký như một nhãn hiệu. Thông thường, tên doanh nghiệp đầy đủ và tên doanh nghiệp ngắn đề có thể được đăng ký. Để đảm bảo việc bảo hộ, tên thương mại đương nhiên phải được sử dụng như một nhãn hiệu thực sự. Yêu cầu này không thể đáp ứng chỉ bằng việc tạo ra nên một dẫn chiếu trên nhãn hiệu hay bao bì của sản phẩm về công ty, doanh nghiệp sản suất hoặc kinh doanh với địa chỉ đầy đủ in nhỏ, như thường được yêu cầu của các quy định về việc ghi nhãn hàng hóa, sản phẩm. Do vậy, trên thực tế, việc đăng ký tên doanh nghiệp viết tắt hay rút gọn như một nhãn hiệu là thích hợp và phổ biến hơn, nhất là trường hợp tên đó còn là một nhãn hiệu quan trọng của công ty.
Các doanh nghiệp có thể lấy tên thương mại và tên doanh nghiệp để đăng ký nhãn hiệu hàng hóa hay dịch vụ, họ có thể và thường sử dụng chúng không chỉ để phân biệt bản thân doanh nghiệp mà còn để phân biệt hàng hóa và các dịch vụ mà họ cung cấp, thậm chí điều này là cần thiết đối với nghĩa vụ sử dụng nếu tên thương mại được đăng ký như một nhãn hiệu.