Theo quy định tại Điều 72 Luật sở hữu trí tuệ 2005 về điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ, cụ thể:
Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;
2. Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác”
Điều kiện bảo hộ là những yêu cầu cụ thể đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp để chúng nhận được sự bảo hộ về pháp lý, các điều kiện này được quy định cụ thể phù hợp với lợi ích quốc gia, lợi ích chủ sở hữu và lợi ích người tiêu dùng. Liên quan đến điều kiện bảo hộ của nhãn hiệu, Điều 6 quynquyes B Công ước Paris chỉ ra rằng, các nhãn hiệu được bảo hộ theo Điều 6 quynquyes A có thể bị từ chối đăng ký khi “chúng không có bất kỳ yếu tố phân biệt nào” hoặc chúng “trái với trật tự công cộng và đạo đức xã hội và mang tính chất lừa dối công chúng”. Ghi nhận lại điều này, Pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định một dấu hiệu được bảo hộ như một nhãn hiệu khi:
– Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;
– Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
Bổ sung nội dung trên, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam đã quy định chi tiết các dấu hiệu sau đây sẽ không được bảo hộ làm nhãn hiệu:
– Dấu hiệu thuộc trường hợp không được bảo hộ nhãn hiệu theo quy định tại điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ 2005;
– Dấu hiệu trái với trật tự xã hội, có hại cho an ninh quốc gia;
– Dấu hiệu chỉ là màu sắc mà không được kết hợp với dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình hoặc không được thể hiện thành dạng dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình.
Điều kiện 1: Nhãn hiệu phải là dấu hiệu nhìn thấy được
Theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, dấu hiệu được bảo hộ là nhãn hiệu phải là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc một số màu sắc nhất định. Pháp luật Việt Nam chỉ bảo hộ những nhãn hiệu có thể nhận biết bằng thị giác. Phần lớn các quốc gia trên thế giới chỉ cho phép đăng ký những dấu hiệu nhìn thấy được vì đây là những dấu hiệu phổ biến, có thể thể hiện trên tài liệu, công báo và thuận tiện cho việc quản lý nhãn hiệu. Cụ thể, nhãn hiệu có thể được bảo hộ dưới các hình thức sau đây:
– Nhãn hiệu chữ, bao gồm các chữ cái (có thể kèm theo cả chữ số), từ (có nghĩa hoặc không có nghĩa; có thể là tên gọi, từ tự đặt…), ngữ (một cụm từ, có thể là một khẩu hiệu trong kinh doanh)… Ví dụ: NOKIA, SONY, CANON…
– Nhãn hiệu hình, bao gồm hình vẽ, ảnh chụp, biểu tượng, hình khối (hình không gian ba chiều).
– Nhãn hiệu kết hợp, kết hợp cả chữ hoặc hình ảnh.
Điều kiện nhìn thấy được theo quy định của Luật SHTT Việt Nam xuất phát từ quy định tại Hiệp định TRIPs. Cụ thể Điều 15 Hiệp định này quy định: Trường hợp bản thân các dấu hiệu không có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ tương ứng, các nước thành viên có thể quy định rằng khả năng được đăng ký phụ thuộc vào tính phân biệt đạt được Trường hợp bản thân các dấu hiệu không có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ tương ứng, các nước thành viên có thể quy định rằng khả năng được đăng ký phụ thuộc vào tính phân biệt đạt được
Vì Hiệp định TRIPs là quy định tối thiểu, nên các quốc gia có thể quy định cao hơn, hoặc mở rộng hơn các đối tượng có thể được xem là nhãn hiệu. Chính vì lẽ đó, Hoa Kỳ, các quốc gia trong Liên minh châu Âu đã quy định thêm các nhãn hiệu phi truyền thống như nhãn hiệu là âm thanh (ví dụ, tiết nhạc mà con người có thể nhận biết được qua thính giác), hoặc nhãn hiệu là mùi hương mà con người có thể nhận biết thông qua khứu giác, hay nhãn hiệu chỉ đơn thuần được thể hiện thông qua một màu sắc nhất định… Tại đây, các nhãn hiệu âm thanh được pháp luật đăng ký do tính mở của đạo Luật Lanham ban hành năm 1946. Trên tinh thần của đạo Luật này, những yếu tố mới đã được đưa vào bảo hộ là nhãn hiệu. Đối với dấu hiệu là âm thanh, để được công nhận bảo hộ là nhãn hiệu, âm thanh phải được thu vào băng cát – sét và nộp cho Cơ quan Sáng chế và Cơ quan Nhãn hiệu hàng hóa của Hoa Kỳ để đăng ký. Cho đến nay, Hoa Kỳ có khoảng 30 nhãn hiệu là âm thanh đã được đăng ký bảo hộ. Tiêu biểu cho sự bảo hộ dấu hiệu này là nhãn hiệu âm thanh của hãng Wall đăng ký cho sản phẩm kem; âm thanh PRELUDE đăng ký theo đơn của Metro – Goldwin – Mayer Lion Coporation dành cho các nhóm mặt hàng thiết bị chăm sóc sức khỏe, âm thanh, truyền thông, máy ghi âm, ghi hình, máy bán hàng tự động, máy đếm tiền… Nhãn hiệu mùi lần đầu tiên được cấp tại Mỹ bởi TTAB (Trademark Trial and Appeal Board) vào năm 1990 cho mùi hoa Plumeria (đăng ký cho mặt hàng sợi thêu). Ở châu Âu vào năm 1999, OHIM (Office For Harmonization In The Internal Market) đã cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu “mùi cỏ tươi” cho bóng tennis của Venootschap Onder Firma Senta Aromatic Maketing (Hà Lan).
Ở Việt Nam, các dấu hiệu mới mà thế giới đã thừa nhận và bảo hộ là nhãn hiệu như âm thanh, mùi vị chưa được quy định trong pháp luật SHTT Việt Nam. Pháp luật SHTT Việt Nam mới chỉ dừng lại bảo hộ những dấu hiệu mang tính chất truyền thống. Nghĩa là chỉ công nhận những dấu hiệu hữu hình, thể hiện rõ ràng, có thể nhận thức được bằng thị giác. Bên cạnh đó, những dấu hiệu nhìn thấy được nhưng chỉ là một màu sắc đơn lẻ, không kết hợp với dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình hoặc không thể hiện dưới dạng dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình sẽ không được bảo hộ là nhãn hiệu.
Điều kiện 2: Nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt
Tính phân biệt của nhãn hiệu là khả năng mang lại những thông tin mà từ đó giúp người tiêu dùng xác định được nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đó.
Theo TRIPS thì “Bất kỳ một dấu hiệu hoặc tổ hợp các dấu hiệu nào, có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hóa dịch vụ của các doanh nghiệp khác đều có thể làm nhãn hiệu”. Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ cũng chỉ ra mọi dấu hiệu muốn được bảo hộ làm nhãn hiệu thì phải: “Bất kỳ một dấu hiệu hoặc tổ hợp các dấu hiệu nào, có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hóa dịch vụ của các doanh nghiệp khác đều có thể làm nhãn hiệu”. Như vậy, khả năng phân biệt là tiêu chí cốt lõi để xem xét một dấu hiệu có thể được đăng ký bảo hộ làm nhãn hiệu hay không. Khả năng phân biệt của nhãn hiệu được đánh giá qua hai tiêu chí:
Thứ nhất, nhãn hiệu phải có khả năng tự phân biệt
Theo khoản 1 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không phải là các dấu hiệu bị loại trừ.
Khả năng tự phân biệt của nhãn hiệu là khả năng tác động được vào nhận thức tạo nên ấn tượng có khả năng lưu giữ trong trí nhớ hay tiềm thức con người. Nhãn hiệu được coi là có khả năng tự phân biệt nếu dấu hiệu làm nhãn hiệu mang một hoặc một số đặc điểm riêng biệt, tạo được sự khác biệt hoặc gây ấn tượng cho người tiêu dùng trong quá trình chọn lựa và sử dụng hàng hóa mang nhãn hiệu. Những dấu hiệu quá đơn giản hay quá phức tạp, vì vậy sẽ không thể thực hiện chức năng của nhãn hiệu là giúp người tiêu dùng ghi nhớ để phân biệt với các nhãn hiệu khác. Việc xem xét, đánh giá một nhãn hiệu có khả năng tự phân biệt hay không phụ thuộc phần lớn vào sự nhận biết của người tiêu dùng hoặc ít nhất là những người mà dấu hiệu hướng tới.
Liên quan đến khả năng tự phân biệt, pháp luật Việt Nam đưa ra các dấu hiệu loại trừ sau:
– Hình và hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng:
Các hình và hình học đơn giản như hình tròn, hình elip, tam giác, tứ giác,… là các dấu hiệu chỉ bao gồm một hình, không có sự cách điệu hay được thể hiện khác biệt, không có đủ tính độc đáo để gây ấn tượng, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, giúp họ ghi nhớ nhãn hiệu. Chữ cái, chữ số thuộc ngôn ngữ không thông dụng là những ký tự thuộc ngôn ngữ mà người tiêu dùng Việt Nam có hiểu biết thông thường không thể nhận biết và ghi nhớ được (không đọc được, không hiểu được, không nhớ được) như ký tự không có nguồn gốc La-tinh (chữ Ả-rập, chữ Trung Quốc, chữ Nhật, chữ Triều Tiên, chữ Thái… ). Đối với đa số người tiêu dùng những nhãn hiệu này chỉ đơn thuần là các yếu tố hình xa lạ, vì vậy bị coi là không có khả năng phân biệt. Tuy vậy, những dấu hiệu này vẫn được coi là có khả năng phân biệt và được có thể được chấp nhận bảo hộ nếu đã và đang được sử dụng với chức năng nhãn hiệu và được người tiêu dùng biết đến một cách rộng rãi và nhờ đó nhãn hiệu đã đạt được khả năng phân biệt đối với hàng hóa, dịch vụ liên quan.
– Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến;
Tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ là từ hoặc tập hợp từ dùng để chỉ ra những hàng hóa, dịch vụ cùng chủng loại với đặc điểm, tính chất giống hoặc tương tự nhau. Tên gọi thông thường của một loại hàng hóa là thiết yếu, tất cả các chủ thể sản xuất kinh doanh hàng hóa đó đều có nhu cầu sử dụng, do đó không ai được độc quyền sử dụng. Ví dụ: Từ “táo” hay “APPLE” hoặc hình một quả táo không thể được đăng ký cho mặt hàng táo, nhưng đối với máy tính thì nó lại rất độc đáo và mang tính phân biệt cao. Hình vẽ, hình ảnh, biểu tượng, dấu hiệu tượng trưng đã được sử dụng rộng rãi là những dấu hiệu mang tính quy ước gắn liền với những ý nghĩa nhất định và được nhiều người biết đến cũng không được bảo hộ là nhãn hiệu như: Các ký hiệu giao thông; hình chữ thập đỏ của ngành y tế; biểu tượng cán cân công lý của ngành Tư pháp…
– Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu;
– Một dấu hiệu đơn thuần mô tả không thể được bảo hộ vì nó chứa đựng những thông tin mà các đối thủ cạnh tranh với chủ thể xin đăng ký dấu hiệu cần để kinh doanh các sản phẩm cùng loại. Những dấu hiệu đơn thuần mô tả không có khả năng phân biệt vì nó có thể gắn lên các sản phẩm của người khác để mô tả hàng hóa hay một thuộc tính của hàng hóa. Nhìn vào dấu hiệu đó, người tiêu dùng sẽ không thể nhận biết được nguồn gốc của sản phẩm, dịch vụ từ cơ sở kinh doanh nào. Các dấu hiệu này là loại dấu hiệu được sử dụng chung cho rất nhiều sản phẩm, dịch vụ, mọi chủ thể đều có quyền được quyền tự do sử dụng các dấu hiệu mô tả trong hoạt động kinh doanh hàng ngày, và do vậy không một người nào vì bất kỳ lý do gì có thể độc chiếm dấu hiệu này để sử dụng cho riêng mình. Bên cạnh đó, các dấu hiệu mang tính chất tán dương chất lượng của sản phẩm, dịch vụ như “tốt nhất”, “chất lượng hảo hạng”, “siêu rẻ”… cũng sẽ không được chấp nhận bảo hộ làm nhãn hiệu;
– Dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh;
– Các dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý và lĩnh vực kinh doanh được sử dụng bởi rất nhiều chủ thể liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ. Vì vậy, không một chủ thể nào được độc quyền sử dụng chúng, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của chủ thể khác. Một lý do khác cần được kể đến là dấu hiệu chỉ hình thức pháp lý và lĩnh vực kinh doanh không thể thực hiện chức năng của nhãn hiệu.
– Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận quy định tại Luật này.
Các dấu hiệu dẫn chiếu tới nguồn gốc địa lý, gợi cho người tiêu dùng một sự liên tưởng về nơi hàng hóa được sản xuất sẽ không được bảo hộ là nhãn hiệu thông thường vì không thể thuộc sở hữu của riêng một cá nhân hay tổ chức. Các dấu hiệu này có thể được đăng ký như nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận vì bản chất của hai loại nhãn hiệu là “tài sản công” mà nhiều chủ thể sản xuất kinh doanh có thể cùng sử dụng.
Tuy nhiên, khả năng tự phân biệt của nhãn hiệu không phải là lý do tuyệt đối để một nhãn hiệu bị từ chối đăng ký khi không có cơ sở chắc chắn rằng người tiêu dùng có thể xem chúng như là chỉ dẫn về nguồn gốc của hàng hóa/dịch vụ trên thực tế hay không. Tính độc đáo của nhãn hiệu có thể xây dựng và phát triển được theo thời gian phụ thuộc vào người tiêu dùng hoặc các bên thứ ba. Vì vậy, nếu tự bản thân nhãn hiệu không có khả năng phân biệt thì có thể căn cứ vào quá trình sử dụng của nhãn hiệu để xác định nhãn hiệu đã đạt được khả năng phân biệt hay chưa. Theo pháp luật Việt Nam, dấu hiệu có khả năng phân biệt thông qua sử dụng bao gồm dấu hiệu: “đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu” và “được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến”.
Thứ hai, nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt với các đối tượng SHTT của chủ thể khác
Một dấu hiệu dù có khả năng tự phân biệt, có thể đọng lại trong trí nhớ người tiêu dùng như một chỉ dẫn về nguồn gốc của hàng hóa/dịch vụ nhưng lại trùng/tương tự gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu của chủ thể khác cũng sẽ không có khả năng phân biệt. Những nhãn hiệu khác bao gồm:
– Nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
– Nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên;
– Nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm, trừ trường hợp hiệu lực bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 95 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005;
– Nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng.
Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi cho các nhãn hiệu đã được bảo hộ, đồng thời tránh cho người tiêu dùng nhầm lẫn là những sản phẩm mang dấu hiệu xin đăng ký có cùng/liên quan nguồn gốc với các sản phẩm mang nhãn hiệu đã được bảo hộ.
Bên cạnh nhãn hiệu, các đối tượng SHTT khác cũng đóng vai trò vô cùng to lớn trong đời sống thương mại như tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và kiểu dáng công nghiệp. Việc trùng hoặc tương tự giữa nhãn hiệu xin đăng ký và những đối tượng này, vì vậy cũng có thể gây nên sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của sản phẩm. Về vấn đề này, luật Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định những dấu hiệu sau đây thì không có khả năng phân biệt:
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hóa;
– Dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh nếu dấu hiệu được đăng ký để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó;
– Dấu hiệu trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn so với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu.
Đối tượng cuối cùng cần lưu ý khi đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu chính là quyền tác giả. Dù không xuất hiện trong các khía cạnh sản xuất và thương mại nhưng quyền tác giả và các tác phẩm của chúng lại có vị trí rất lớn trong đời sống tinh thần của nhân loại. Vì vậy, bất cứ nhãn hiệu nào khi không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả mà lợi dụng các tên gọi, hình ảnh các nhân vật, hình tượng trong tác phẩm làm cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu là do chủ sở hữu tác phẩm đó sản xuất, thực hiện cũng sẽ bị xem là không có khả năng phân biệt.
Các dấu hiệu không được bảo hộ làm nhãn hiệu
Về các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 liệt kê cụ thể những trường hợp sau:
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước (Khoản 1 Điều 73 Luật SHTT)
Quốc kỳ và quốc huy là những dấu hiệu được sử dụng cho riêng từng quốc gia, mang tính quy ước rộng rãi, mang tính chủ quyền và được bảo vệ bởi quyền lực của các quốc gia đó; quốc kỳ và quốc huy vì thế không thể bị thương mại hóa vì lợi ích cá nhân. Hơn nữa, hình ảnh quốc kỳ và quốc huy sẽ làm người tiêu dùng bị nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hóa/dịch vụ được sản xuất/cung cấp từ chính quốc gia đó, thậm chí đại diện cho chất lượng, uy tín của quốc gia. Vì vậy, quy định “dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước sẽ không được bảo hộ làm nhãn hiệu” là hợp lý, không những bảo vệ sự tôn nghiêm của quốc gia, phù hợp với tính chủ quyền của quốc gia trong pháp luật quốc tế mà còn ngăn chặn được các cơ sở kinh doanh thu lợi nhuận bằng việc lợi dụng biểu tượng tượng trưng của quyền lực nhà nước.
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước sẽ không được bảo hộ làm nhãn hiệu chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép (khoản 1 điều 73 Luật SHTT)
Cũng giống như quốc kỳ, quốc huy, những dấu hiệu này cũng mang tính phổ biến và khi được người tiêu dùng nhìn thấy chúng được gắn trên hàng hóa, dịch vụ sẽ lầm tưởng rằng hóa hóa, dịch vụ được các cơ quan, tổ chức trên đảm bảo chất lượng hoặc có liên quan đến các cơ quan, tổ chức đó…
Ví dụ: Khi người nông dân mua phân đạm cho vụ mùa sắp tới, trên bao bì sản phẩm xuất hiện nhãn hiệu mang huy hiệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) sẽ ngay lập tức hiểu lầm rằng sản phẩm trên do Bộ này sản xuất.
Tuy nhiên, vì không mang tính quyền lực nhà nước tuyệt đối như quốc kỳ và quốc huy, quy định mở cho phép các tổ chức, cá nhân có thể đăng ký dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu được cơ quan, tổ chức đó cho phép.
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;
Lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân là những nhân vật lỗi lạc, kiệt xuất gắn liền với lịch sử phát triển của một quốc gia, một dân tộc. Danh tiếng của những con người vĩ đại đó luôn được người dân tôn thờ, bảo vệ. Vì vậy, không vì bất cứ lý do gì tên tuổi của họ lại bị các tổ chức, cá nhân kinh doanh đưa vào thương mại.
Ví dụ: Tên và hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Napoleon, Đại thi hào Nguyễn Du, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;
Chúng là những dấu hiệu được sử dụng để công nhận, khẳng định đặc tính, đảm bảo chất lượng của hàng hóa, dịch vụ khi đạt được các tiêu chuẩn nhất định. Việc sử dụng những dấu hiệu này khi không được chủ thể có quyền cho phép là hành vi vi phạm.
Tuy vậy, nếu được các tổ chức đó cho phép sử dụng hoặc các dấu này đã được đăng ký làm nhãn hiệu chứng nhận thì các chủ thể khác có thể sử dụng.
Một số dấu chứng nhận đã đăng ký của các tổ chức được sử dụng hiện nay:
– Chứng nhận ISO 9001 của tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế cho các sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng quốc tế.
– Dấu hiệu CE chứng nhận chất lượng các sản phẩm hàng hóa khi xuất khẩu vào EU.
– Logo “Hàng Việt Nam chất lượng cao” của báo Sài Gòn tiếp thị cho các sản phẩm hàng hóa đạt giải thưởng.
– Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.
Dấu hiệu bị coi là gây nhầm lẫn về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ là những dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên gọi, biểu tượng của một quốc gia, của một vùng lãnh thổ (quốc kỳ, quốc huy, quốc hiệu, tên nước, tên địa phương) hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi, biểu tượng của một quốc gia, một vùng lãnh thổ gây nên sự lầm tưởng rằng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu có nguồn gốc từ nước, vùng đó nhưng thực sự có nguồn gốc từ nước, vùng khác.
Dấu hiệu là từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, ký hiệu,… gây nên ấn tượng sai lệch về tính năng, công dụng của hàng hóa, dịch vụ như dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu hoặc với một dấu hiệu khác được sử dụng rộng rãi đến mức được coi là gắn liền với một chức năng, công dụng của một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định, khiến cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu cũng có tính năng, công dụng đó.
Dấu hiệu là từ ngữ, hình ảnh gây ấn tượng sai lệch về thành phần, cấu tạo của hàng hóa, dịch vụ như mô tả hàng hóa, dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu gây nên ấn tượng sai lệch rằng hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu được tạo thành từ hoặc có bản chất như hàng hóa, dịch vụ được mô tả.
Bên cạnh đó, những dấu hiệu chỉ là màu sắc mà không được kết hợp với dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình hoặc không được thể hiện thành dạng dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình; dấu hiệu trái với trật tự xã hội, có hại cho an ninh quốc gia cũng không có khả năng bảo hộ là nhãn hiệu.