Điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn là hành vi vi phạm quy tắc về giao đường bộ. Tùy thuộc vào hành vi vi phạm và loại phương tiện giao thông vi phạm, người vi phạm có thể bị xử phạt bằng nhiều hình thức khác nhau. Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!
1. Trách nhiệm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây ra tai nạn giao thông đường bộ, người liên quan và người có mặt tại hiện trường vụ
Căn cứ Điều 80 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về trách nhiệm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây ra tai nạn giao thông đường bộ, người liên quan và người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ:
– Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây ra tai nạn giao thông đường bộ, người liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ có trách nhiệm sau đây:
+ Dừng ngay phương tiện, cảnh báo nguy hiểm, giữ nguyên hiện trường, trợ giúp người bị nạn và báo tin cho cơ quan Công an, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;
+ Ở lại hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ cho đến khi người của cơ quan Công an đến, trừ trường hợp phải đi cấp cứu, đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc xét thấy bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe nhưng phải đến trình báo ngay cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;
+ Cung cấp thông tin xác định danh tính về bản thân, người liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ và thông tin liên quan của vụ tai nạn giao thông đường bộ cho cơ quan có thẩm quyền.
– Người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ có trách nhiệm sau đây:
+ Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn;
+ Báo tin ngay cho cơ quan Công an, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;
+ Tham gia bảo vệ hiện trường;
+ Tham gia bảo vệ tài sản của người bị nạn;
+ Cung cấp thông tin liên quan về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Người được quy định trên chỉ được sử dụng phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ để đưa nạn nhân đi cấp cứu trong trường hợp không có phương tiện nào khác nhưng phải xác định vị trí phương tiện, vị trí nạn nhân tại hiện trường, không được làm thay đổi, mất dấu vết liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ. Trường hợp có người chết phải giữ nguyên hiện trường và che đậy thi thể.
– Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ có trách nhiệm chở người bị thương đi cấp cứu. Xe ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này.
2. Hành vi điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn bị xử phạt như thế nào?
2.1. Đối với xe mô tô, xe gắn máy
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn thì bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. (Điểm e Khoản 3 Điều 6 NĐ 100)
Hình thức phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. (Điểm b Khoản 10 Điều 6 NĐ 100)
2.2. Đối với xe ô tô
Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn thì bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (Điểm đ Khoản 2 Điều 5 NĐ 100)
Hình thức phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng (Điểm b Khoản 11 Điều 5 NĐ 100)
2.3. Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng
Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn thì bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (Điểm g Khoản 3 Điều 7 NĐ 100)
Hình thức phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng. (Điểm a Khoản 10 Điều 7 NĐ 100)