Dịch thuật – dịch thuật công chứng là gì?
Hội nhập toàn cầu đã trở thành xu hướng tất yếu hiện nay. Khi đó, có rất nhiều tài liệu mà bản gốc là tiếng nước ngoài cần được dịch ra tiếng Việt và ngược lại. Vì thế, dịch vụ dịch thuật cũng phát triển ngày một nhiều hơn. Bài viết dưới đây cung cấp một số thông tin về dịch vụ dịch thuật và hợp đồng dịch thuật.
1. Dịch thuật – dịch thuật công chứng là gì?
Trên thế giới có rất nhiều ngôn ngữ, tuy nhiên, phần lớn các tài liệu sử dụng dịch vụ dịch thuật là ngôn ngữ toàn cầu, hay nói cách khác, khách hàng thường sử dụng dịch vụ dịch thuật tiếng Anh hay thuê dịch tiếng Anh.
Dù bản gốc tài liệu được viết với ngôn ngữ nào, dịch thuật chỉ đơn giản là việc dịch lại những tài liệu, văn bản từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác theo nhu cầu của khách hàng.
Tuy vậy, đối với các tài liệu quan trọng, để văn bản dịch được chấp nhận sử dụng trong các giao dịch, thủ tục, khách hàng thường lựa chọn dịch thuật công chứng. Theo đó, dịch thuật công chứng là việc dịch những tài liệu có con dấu pháp lý của một tổ chức nào đó sang một ngôn ngữ khác theo nhu cầu của khách hàng, sau đó, bản dịch này được công chứng là đúng và chính xác.
2. Người dịch thuật công chứng
Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Cộng tác viên phải là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó. Cộng tác viên phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện. Danh sách cộng tác viên phiên dịch của tổ chức hành nghề công chứng phải được thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp nơi tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở. Trong trường hợp cộng tác viên phiên dịch đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng mà mình làm cộng tác viên thì có thể ký trước vào bản dịch; công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của cộng tác viên phiên dịch với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng.
3. Những tài liệu dịch thuật công chứng
Các tài liệu thường được dịch thuật công chứng là:
- Dịch thuật hợp đồng: Hợp đồng kinh tế, hợp đồng thương mại
- Dịch thuật giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản: nhà ở, quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu,…
- Dịch thuật giấy tờ hộ tịch: Giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, hộ khẩu, hộ chiếu, thẻ căn cước, chứng minh nhân dân,…
- Dịch thuật các giấy tờ khác: Bằng đại học, học bạ, giấy giới thiệu,…
Đối với tài liệu nguồn là tiếng Việt, khi dịch thuật công chứng, cần chuẩn bị bản gốc của tài liệu có chữ ký của các cơ quan, tổ chức. Đối với tài liệu nguồn là tiếng nước ngoài, phải được hợp pháp hóa lãnh sự trước khi dịch thuật công chứng, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại.
4. Dịch thuật công chứng được thực hiện ở đâu?
Dịch thuật công chứng có thể được thực hiện ở các tổ chức hành nghề công chứng như:
- Phòng công chứng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
- Văn phòng công chứng
Ngoài ra, khách hàng có thể tìm đến các công ty dịch thuật. Khi đó, nếu khách hàng có yêu cầu, công ty dịch thuật có trách nhiệm tiến hành công chứng bản dịch.
5. Những giấy tờ nhận được sau khi sử dụng dịch vụ dịch thuật công chứng
- Bản dịch: Người phiên dịch phải ký vào từng trang của bản dịch trước khi công chứng viên ghi lời chứng và ký vào từng trang của bản dịch. Từng trang của bản dịch phải được đóng dấu chữ “Bản dịch” vào chỗ trống phía trên bên phải; bản dịch phải được đính kèm với bản sao của bản chính và được đóng dấu giáp lai.
- Tờ xác nhận: Lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; họ tên người phiên dịch; chứng nhận chữ ký trong bản dịch đúng là chữ ký của người phiên dịch; chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
- Bản chính
6. Hợp đồng dịch thuật
Khi khách hàng thuê dịch thuật nói chung hay thuê dịch tài liệu tiếng anh nói riêng, khách hàng sẽ ký kết với doanh nghiệp dịch thuật hợp đồng dịch thuật. Nhìn chung, hợp đồng có thể có những nội dung sau:
- Thông tin của hai bên
- Nội dung dịch vụ: Bên A giao cho bên B dịch tài liệu theo ngôn ngữ, cách trình bày, hình thức văn bản, thời hạn thực hiện….
- Giá dịch thuật
- Thời hạn và phương thức thanh toán
- Quyền và nghĩa vụ của hai bên
- Vi phạm hợp đồng
- Bảo mật thông tin
- Các điều khoản khác
Tùy vào nhu cầu và điều kiện của bản thân, khách hàng nên sử dụng dịch vụ của các công ty dịch thuật có uy tín để tiết kiệm thời gian, chi phí, tránh những tranh chấp có thể xảy ra.