1. Đèn đỏ có được rẽ phải không?
Theo quy định tại Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, 05 trường hợp đèn đỏ được rẽ phải khi đèn đỏ:
1.1. Người điều khiển giao thông có hiệu lệnh rẽ phải
Căn cứ khoản 2 Điều 11 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và Điều 4 QCVN41:2024/BGTVT thì phải ưu tiên tuân thủ loại hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Như vậy, trong trường hợp đèn đỏ tại ngã ba, ngã tư… mà người điều khiển giao thông ra hiệu lệnh được rẻ phải thì người tham gia giao thông được rẽ phải.
1.2. Có đèn báo hiệu, biển báo phụ cho phép rẽ phải
Điều 11 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định người tham gia giao thông phải chấp hành chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu.
Như vậy, nếu gặp đèn tín hiệu (thường được lắp ngay cạnh đèn tín hiệu giao thông và có hình mũi tên xanh/đỏ) chuyển sang màu xanh, người tham gia giao thông có thể rẽ phải theo hướng mũi tên.
Hoặc nếu gặp biển báo phụ có nội dung “Đèn đỏ được rẽ phải” thì người tham gia giao thông có thể rẽ phải khi đèn đỏ.
1.3. Có vạch mắt võng
Vạch kẻ kiểu mắt võng là những vạch màu vàng, đan xen với nhau, xuất hiện ở làn xe phía trong cùng của đường đi theo quy định tại Quy chuẩn QCVN 41:2024/BGTVT. Để tránh ùn tắc giao thông, vạch mắt võng được bố trí ở một số nơi nhằm thông báo cho người tham gia giao thông không được dừng phương tiện.
1.4. Có tiểu đảo phân luồng cho phép rẽ phải
Nếu có tiểu đảo phân luồng, thì dù đang đèn đỏ, người tham gia giao thông cũng được phép rẽ phải.
1.5. Thuộc trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính khi rẽ phải
Căn cứ Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020, người rẽ phải khi đèn đỏ sẽ không bị phạt khi thuộc các trường hợp sau: Vượt đèn đỏ trong tình thế cấp thiết; Vượt đèn đỏ do phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc sự kiện bất khả kháng.
2. Đèn đỏ có được đi thẳng không?
Có 04 trường hợp được đi thẳng khi đèn đỏ:
2.1. Người điều khiển giao thông ra hiệu lệnh đi thẳng
Tương tự như quy định trong trường hợp rẽ phải khi đèn đỏ, khi người điều khiển giao thông có hiệu lệnh đi thẳng khi đèn đỏ thì được đi thẳng
2.2. Xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ
Theo Điều 27 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 thì kể cả khi đèn đỏ, xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ vẫn sẽ được phép tiếp tục di chuyển.
2.3. Đèn tín hiệu hoặc biển báo phụ cho phép đi thẳng khi đèn đỏ
Tương tự như quy định về đèn tín hiệu, biển báo phụ cho phép rẽ phải.
2.4. Thuộc trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính khi đi thẳng
Tương tự như quy định trong trường hợp rẽ phải khi đèn đỏ.
3. Đèn đỏ có được rẽ trái không?
Có 03 trường hợp được rẽ trái khi đèn đỏ
3.1. Người điều khiển giao thông có hiệu lệnh rẽ trái
Tương tự như quy định trong trường hợp rẽ phải khi đèn đỏ, khi người điều khiển giao thông có hiệu lệnh rẽ trái khi đèn đỏ thì được rẽ trái.
3.2. Có biển báo phụ cho phép rẽ trái
Tương tự như quy định về đèn báo hiệu, biển báo phụ cho phép đi thẳng, rẽ phải. Tuy nhiên, trong trường hợp này, đèn tín hiệu hiển thị mũi tên hướng sang trái hoặc biển báo phụ có nội dung “Đèn đỏ các phương tiện được rẽ trái”.
2.3. Thuộc trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính khi rẽ trái
Tương tự như quy định trong trường hợp đi thẳng hoặc rẽ phải khi đèn đỏ.
4. Lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông phạt bao nhiêu?
Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông theo đó:
4.1. Đối với xe mô tô, xe gắn máy
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông có thể bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng. (Điểm c Khoản 7 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm bị trừ 04 điểm giấy phép lái xe. (Điểm b Khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
4.2. Đối với xe ô tô
Người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông có thể bị phạt tiền từ 18 triệu đồng đến 20 triệu đồng. (Điểm b Khoản 9 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm bị trừ 04 điểm giấy phép lái xe. (Điểm b Khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
Xem thêm: Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông phạt bao nhiêu?