Đất xây dựng các công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn thuộc nhóm đất phi nông nghiệp được Luật Đất đai 2013 quy định. Sau đây, LawFirm.Vn sẽ cụ thể nội dung quy định Đất xây dựng các công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn, thông qua Luật Đất đai 2013, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
1. Khái niệm
Theo quy định Điều 157 Luật Đất đai 2013, Đất xây dựng các công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn, bao gồm:
– Đất xây dựng các hệ thống giao thông, thủy lợi, đê điều, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống dẫn điện, dẫn xăng dầu, dẫn khí, thông tin liên lạc và đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn các công trình này.
2. Nguyên tắc sử dụng đất xây dựng các công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn
Căn cứ vào Khoản 2 và Khoản 3 Điều 157 Luật Đất đai 2013, việc sử dụng dất xây dựng các công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn thực hiện theo nguyên tắc sau:
.- Bảo đảm kết hợp khai thác cả phần trên không và trong lòng đất, bố trí kết hợp các loại công trình trên cùng một khu đất nhằm tiết kiệm đất và phải tuân theo các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan về bảo vệ an toàn công trình.
.- Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang bảo vệ an toàn công trình thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình.
Lưu ý: Khi Nhà nước xây dựng công trình công cộng, quốc phòng, an ninh có hành lang bảo vệ an toàn mà không thu hồi đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn thì người sử dụng đất được bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất theo quy định của Chính phủ. (Điều 94 Luật Đất đai 2013)
3. Trách nhiệm của Cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý
– Theo quy định tại Khoản 4 Điều 157 Luật Đất đai 2013 quy định trách nhiệm của Cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý như sau: công bố công khai mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình, chịu trách nhiệm chính về việc bảo vệ an toàn công trình; trường hợp hành lang bảo vệ an toàn công trình bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép thì phải kịp thời báo cáo và yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hành lang bảo vệ an toàn bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép để xử lý.
Lưu ý: Về việc công khai mốc giới
Theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 56 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, quy định: Căn cứ quy định về phạm vi của hành lang bảo vệ công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, tổ chức trực tiếp quản lý công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm:
+ Chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân nơi có công trình xây dựng phương án cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ an toàn cụ thể và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có công trình phê duyệt;
+ Thông báo cho Ủy ban nhân dân các cấp nơi có công trình biết để phối hợp bảo vệ hành lang an toàn công trình.
Thời hạn công bố công khai mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình và cắm mốc giới trên thực địa: không quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ an toàn.
– Theo Khoản 4 Điều 56 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, quy định: Tổ chức trực tiếp quản lý công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã và Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình rà soát hiện trạng sử dụng đất trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
4. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
Theo Khoản 6 Điều 56 Nghị định 43/2014/NĐ-CP có quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm sau:
– Phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình; ngăn chặn kịp thời các công trình xây dựng trái phép trên đất hành lang bảo vệ an toàn công trình; buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm;
– Phối hợp với cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ an toàn công trình; phối hợp với cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình trong việc công bố mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình;
– Trường hợp để xảy ra hiện tượng lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình tại địa phương thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải liên đới chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Kết luận: Trên đây là những quy định về việc sử dụng Đất xây dựng các công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn được tổng hợp và phân tích.