Một trọng tài quốc tế có thể là một trọng tài nước ngoài hoặc một trọng tài trong nước. Đối với một trọng tài trong nước thì không đặt ra vấn đề công nhận và thi hành phán quyết của nó, nhưng đối với một trọng tài nước ngoài thì lại đặt ra vấn đề công nhận và thi hành phán quyết của nó ở nước được yêu cầu. Theo nguyên tắc chung, phán quyết do trọng tài nước nào tuyên chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ nước ấy.
Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, phán quyết trọng tài cần được công nhận về hiệu lực pháp lí và cho phép thi hành ở nước ngoài do bên thua kiện không tự nguyện thi hành phán quyết của trọng tài. Mỗi quốc gia đều có quy định riêng về trình tự, thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài. Trên bình diện quốc tế, một số điều ước quốc tế đa phương trong lĩnh vực này cũng đã được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài.
1. Pháp luật quốc tế về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài
Việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài được quy định trong rất nhiều điều ước quốc tế khác nhau với phạm vi có hiệu lực cũng khác nhau. Ngoài Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, một số điều ước quốc tế khu vực trong lĩnh vực này cũng rất đáng quan tâm, như: Công ước Liên Mỹ về trọng tài thương mại quốc tế 1975, Công ước châu Âu về trọng tài thương mại quốc tế 1961, Công ước Ả Rập về trọng tài thương mại 1987, Công ước về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa quốc gia tiếp nhận đầu tư và công dân của các quốc gia khác 1965.
Trong số những công ước quốc tế kể trên, Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài là công ước quốc tế đa phương tiêu biểu nhất, có phạm vi ảnh hưởng rộng nhất, và có số thành viên nhiều nhất. Tính đến nay, đã có 146 quốc gia là thành viên chính thức của công ước này. Công ước New York 1958 có một số nội dung cơ bản sau đây:
Thứ nhất, phán quyết trọng tài thuộc diện điều chỉnh của Công ước
Theo Điều I, phán quyết của trọng tài nước ngoài được hiểu là phán quyết của trọng tài được tuyên ở lãnh thổ của quốc gia khác với quốc gia nơi có yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài đó. Ngoài ra, phán quyết của trọng tài cũng được xem là phán quyết của trọng tài nước ngoài nếu nó được coi là phán quyết của trọng tài nước ngoài (không phải là phán quyết của trọng tài trong nước) tại quốc gia mà phán quyết được yêu cầu công nhận và thi hành.
Cần lưu ý là, cũng theo Điều 1 của Công ước, chỉ có các phán quyết trọng tài xuất phát từ tranh chấp giữa các cá nhân, pháp nhân mới trở thành đối tượng được Công ước điều chỉnh.
Thứ hai, quyền của các quốc gia thành viên
Theo Điều 1 của Công ước, bất kì quốc gia thành viên nào cũng có thể trên cơ sở có đi có lại, tuyên bố rằng quốc gia đó sẽ áp dụng Công ước đối với việc công nhận và thi hành các quyết định được đưa ra tại lãnh thổ một quốc gia thành viên khác mà thôi. Quốc gia đó còn có thể tuyên bố chỉ áp dụng Công ước cho các tranh chấp phát sinh từ các quan hệ pháp lí, dù là quan hệ hợp đồng hay không, được coi là quan hệ thương mại theo pháp luật của Quốc gia đó.
Thứ ba, những trường hợp có thể từ chối việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài ở một nước thành viên của Công ước.
Các trường hợp này được nêu rất rõ ràng tại Điều V của Công ước, cụ thể như sau:
– Các bên của thoả thuận nói ở Điều I, theo luật áp dụng đối với các bên, không có đủ năng lực, hoặc thoả thuận nói trên không có giá trị theo luật mà các bên chịu sự điều chỉnh, nếu không có chỉ dẫn về điều này, theo luật của quốc gia nơi ra phán quyết; hoặc
– Nếu bên phải thi hành phán quyết không được thông báo thích đáng về việc chỉ định trọng tài viên hay về tố tụng trọng tài hoặc do một nguyên nhân gì khác không thể trình bày vụ việc của mình; hoặc
– Phán quyết giải quyết một tranh chấp không được dự liệu trong các điều khoản của đơn yêu cầu đưa ra trọng tài giải quyết hay nằm ngoài các điều khoản đó, hoặc phán quyết trọng tài gồm các phán quyết về các vấn đề ngoài phạm vi yêu cầu xét xử bằng trọng tài, tuy nhiên, nếu các phán quyết về các vấn đề được yêu cầu xét xử bằng trọng tài có thể tách rời khỏi các phán quyết về các vấn đề không được yêu cầu, thì phần của phán quyết trọng tài gồm các phán quyết về vấn đề được yêu cầu có thể được công nhận và thi hành; hoặc
– Thành phần trọng tài xét xử hoặc thủ tục xét xử trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc, nếu không có thoả thuận đó, không phù hợp với luật của nước nơi tiến hành trọng tài; hoặc
– Phán quyết chưa có hiệu lực ràng buộc đối với các bên, hoặc bị huỷ hay đình hoãn bởi cơ quan có thẩm quyền của nước hoặc theo luật của nước nơi phán quyết được lập.
Việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài còn có thể bị từ chối nếu như cơ quan có thẩm quyền của nước nơi việc công nhận và thi hành đó được yêu cầu cho rằng:
– Đối tượng của vụ tranh chấp không thể giải quyết được bằng trọng tài theo luật pháp của nước đó; hoặc
– Việc công nhận và thi hành phán quyết sẽ trái với trật tự công cộng của nước đó.
2. Công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
Hiện nay, việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện trên cơ sở Công ước NewYork 1958 về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài mà nước ta đã gia nhập vào 28/7/1995, các điều ước quốc tế song phương mà Việt Nam kí kết với các nước (hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư, hiệp định thương mại, HĐTTTP), và các văn bản pháp luật quốc nội mà nền tảng là Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và Luật trọng tài thương mại 2010.
Công ước New York đưa ra một số nội dung về công nhận giá trị hiệu lực của thoả thuận trọng tài bằng văn bản (Điều II), nội dung đơn yêu cầu công nhận và thi hành (Điều IV), các trường hợp từ chối công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài (Điều ), hoãn quyết định thi hành (Điều VI), đặc biệt Điều III Công ước đã quy định rõ nguyên tắc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài là theo quy tắc về thủ tục của lãnh thổ nơi phán quyết sẽ được thi hành” và theo các điều kiện được nêu trong các điều khoản của Công ước. Như vậy, Công ước New York 1958 không chứa đựng các điều khoản về trình tự, thủ tục công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài những quy định các điều khoản liên quan tới việc không công nhận và thi hành phán quyết trọng tài, hoãn quyết định thi hành, nội dung đơn yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài v.v.. Các nước thành viên không được đặt ra các điều kiện công nhận và thi hành nặng nề hơn so với Công ước. Ngược lại với Công ước New York, đa phần các hiệp định song phương không giải quyết cụ thể việc công nhận và thi hành tại nước kí kết phán quyết của trọng tài thương mại được tuyên ở nước kí kết kia mà thường dẫn chiếu tới Công ước New York 1958 hoặc dẫn chiếu tới pháp luật của nước kí kết nơi phán quyết trọng tài được thi hành. Ví dụ, khoản 1 Điều 4 Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ quy định: “... Mỗi Bên thực hiện không chậm trễ các quy định của phán quyết đó và thi hành phán quyết đó trên lãnh thổ nước mình. Việc thi hành phán quyết trọng tài được đưa ra trên lãnh thổ của mỗi Bên do luật quốc gia của Bên đó điều chỉnh”. Tương tự, khoản 1 Điều 10 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với Liên minh kinh tế Bỉ – Luxembourg ngày 24/10/1991 quy định: “Các phán quyết của toà án trọng tài là cuối cùng và bắt buộc đối với các bên tranh chấp, mỗi bên kí kết cam kết thực hiện các quyết định này phù hợp với pháp luật của nước mình”. Hay, Điều 24 HĐTTTP Việt Nam và Pháp 1999 quy định: “Nước kí kết này công nhận và cho thi hành trên lãnh thổ của nước mình các phán quyết trọng tài được tuyên trên lãnh thổ của nước kí kết kia theo quy định của Công ước New York ngày 10/6/1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài. Các HĐTTTP giữa Việt Nam với Nga 1998, Trung Quốc 1998, Ucraina 2000 đều viện dẫn tới Công ước New York 1958 để giải quyết việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài thương mại được tuyên ở nước kí kết kia.
Mặc dù đa số các hiệp định đều không quy định cụ thể việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài thương mại song cũng có những ngoại lệ. HĐTTTP Việt Nam – Tiệp Khắc 1982 (hiện nay Cộng hoà Séc và Cộng hoà Slovakia kế thừa) quy định khá cụ thể điều kiện, trình tự, thủ tục công nhận và thi hành quyết định của trọng tài bao gồm, điều kiện về hiệu lực của quyết định trọng tài, về sự trùng lặp quyết định, luật áp dụng, quyền tố tụng của bị đơn, điều kiện đảm bảo trật tự công cộng (Điều 47). Tương tự, Điều 44 HĐTTTP Việt Nam – Lào 1998 cũng quy định trực tiếp điều kiện, trình tự, nguyên tắc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài thương mại Có thể thấy các nguyên tắc, điều kiện, thủ tục được nêu trong các HĐTTTP này hoàn toàn phù hợp với các điều kiện, thủ tục được ghi nhận trong Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài.
Pháp luật Việt Nam hiện hành về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài khá đầy đủ, với nội dung cơ bản phù hợp với Công ước New York 1958. Có thể đưa ra một số nội dung pháp lí cơ bản về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài theo pháp luật Việt Nam như sau:
Thứ nhất, định nghĩa phán quyết trọng tài nước ngoài
Theo khoản 12 Điều 3 Luật trọng tài thương mại 2010: “Phán quyết của trọng tài nước ngoài là phán quyết do trọng tài nước ngoài tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc ở trong lãnh thổ Việt Nam để giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận lựa chọn”.
Thứ hai, về nguyên tắc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài
Có một số nguyên tắc cần phải tuân thủ khi công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài được đưa ra tại Điều 424 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:
Một là, toà án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài mà nước đó và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.
Hai là, phán quyết của trọng tài nước ngoài cũng có thể được toà án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam trên cơ sở có đi có lại mà không đòi hỏi Việt Nam và nước đó phải cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.
Ba là, phán quyết của trọng tài nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam là phán quyết cuối cùng của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp, chấm dứt tố tụng trọng tài và có hiệu lực thi hành.
Thứ ba, về quyền được yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài
Theo khoản 1 Điều 425 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn yêu cầu toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài, nếu cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến việc thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài có tại Việt Nam vào thời điểm gửi đơn yêu cầu.
Thứ tư, về quyền kháng cáo, kháng nghị
Quyền này được quy định tại Điều 426 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Theo điều khoản này, đương sự có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài để yêu cầu Toà án nhân dân cấp cao xét lại.
Thứ năm, về bảo đảm hiệu lực của phán quyết trọng tài nước ngoài
Điều 427 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định, phán quyết của trọng tài nước ngoài được toà án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam có hiệu lực pháp luật như phán quyết của toà án Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự.
Một điểm cần đặc biệt lưu ý là, theo khoản 4 Điều 458 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, toà án không xét xử lại vụ tranh chấp đã được trọng tài nước ngoài giải quyết mà chỉ kiểm tra, đối chiếu phán quyết của trọng tài nước ngoài, các giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn yêu cầu với các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, các quy định khác của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam kí kết hoặc gia nhập có liên quan để ra quyết định công nhận hay không công nhận phán quyết đó.
Theo Điều 459 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, toà án Việt Nam sẽ không công nhận phán quyết trọng tài nước ngoài trong những trường hợp sau đây:
– Các bên kí kết thoả thuận trọng tài không có năng lực để kí kết thoả thuận đó theo pháp luật được áp dụng cho mỗi bên.
– Thoả thuận trọng tài không có giá trị pháp lý theo pháp luật của nước mà các bên đã chọn để áp dụng hoặc theo pháp luật của nước nơi phán quyết đã được tuyên, nếu các bên không chọn pháp luật áp dụng cho thoả thuận đó.
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành không được thông báo kịp thời và hợp thức về việc chỉ định trọng tài viên, về thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại trọng tài nước ngoài hoặc vì nguyên nhân chính đáng khác mà không thể thực hiện được quyền tố tụng của mình.
– Phán quyết của trọng tài nước ngoài được tuyên về một vụ tranh chấp không được các bên yêu cầu giải quyết hoặc vượt quá yêu cầu của các bên kí kết thoả thuận trọng tài. Trường hợp có thể tách được phần quyết định về vấn đề đã được yêu cầu và phần quyết định về vấn đề không được yêu cầu giải quyết tại trọng tài nước ngoài thì phần quyết định về vấn đề được yêu cầu giải quyết có thể được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
| – Thành phần của trọng tài nước ngoài, thủ tục giải quyết tranh chấp của trọng tài nước ngoài không phù hợp với thoả thuận trọng, tài hoặc với pháp luật của nước nơi phán quyết của trọng tài nước ngoài đã được tuyên, nếu thoả thuận trọng tài không quy định về các vấn đề đó.
– Phán quyết của trọng tài nước ngoài chưa có hiệu lực bắt buộc đối với các bên.
– Phán quyết của trọng tài nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền của nước nơi phán quyết đã được tuyên hoặc của nước có pháp luật đã được áp dụng hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành.
– Toà án Việt Nam xét thấy, theo pháp luật Việt Nam, vụ tranh chấp không được giải quyết theo thể thức trọng tài.
– Toà án Việt Nam xét thấy, việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.