Công nhận cơ sở đủ điều kiện đạo tạo kiến thức chuyên môn nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư
Chung cư được xây dựng nhằm mục đích phục vụ nhu cầu của người sử dụng nên trong quá trình hoạt động chung cần bảo đảm các yêu cầu và điều kiện quản lý chung cư để quản lý vận hành nhà chung cư một cách hiệu quả và tốt nhất.
1. Một số khái niệm liên quan đến quản lý vận hành nhà chung cư
Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh (Khoản 3 Điều 3 Luật Nhà ở 2014).
Quản lý vận hành nhà chung cư bao gồm việc điều khiển, duy trì hoạt động của hệ thống thiết bị kỹ thuật, các dịch vụ bảo vệ, an ninh, vệ sinh môi trường, quản lý rủi ro và hướng dẫn việc sử dụng nhà chung cư cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư (Khoản 1 Điều 3 Thông tư 10/2015/TT-BXD).
Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư là tổ chức được Bộ Xây dựng công nhận đủ điều kiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của Thông tư này (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo) (Khoản 2 Điều 3 Thông tư 10/2015/TT-BXD).
Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư là hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật liên quan đến nhà chung cư và đào tạo nghiệp vụ về việc quản lý, sử dụng, vận hành các hệ thống thiết bị kỹ thuật của nhà chung cư (bao gồm hệ thống điện, nước, thông gió, phòng cháy chữa cháy, thang máy, thang cuốn, vệ sinh môi trường), việc bảo vệ, an ninh và quản lý rủi ro trong quá trình sử dụng nhà chung cư (Khoản 3 Điều 3 Thông tư 10/2015/TT-BXD).
Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư là các doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc tổ chức có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở (Khoản 7 Điều 3 Thông tư 10/2015/TT-BXD).
Lưu ý:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 105 Luật Nhà ở 2014, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư phải có đủ điều kiện về chức năng và năng lực theo quy định sau đây:
– Được thành lập, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 hoặc Luật Hợp tác xã 2012 và có chức năng quản lý vận hành nhà chung cư;
– Phải có các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vận hành nhà chung cư bao gồm bộ phận kỹ thuật, dịch vụ, bảo vệ an ninh, vệ sinh, môi trường;
– Có đội ngũ cán bộ, nhân viên đáp ứng yêu cầu về quản lý vận hành nhà ở bao gồm lĩnh vực xây dựng, kỹ thuật điện, nước, phòng cháy, chữa cháy, vận hành trang thiết bị gắn với nhà chung cư và có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
2. Công nhận cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư
Điều 1 Thông tư 10/2018/TT-BXD quy định như sau về công nhận cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư
-Trên cơ sở hồ sơ đề nghị công nhận cơ sở đào tạo theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị định 100/2018/NĐ-CP, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thực hiện xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ để báo cáo Bộ Xây dựng xem xét ban hành quyết định hoặc ủy quyền cho Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản ban hành Quyết định công nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư. Quyết định công nhận cơ sở đào tạo được ban hành theo mẫu quy định tại phụ lục kèm theo Thông tư.
Trường hợp hồ sơ đề nghị công nhận cơ sở đào tạo chưa đầy đủ, hợp lệ theo quy định thì Bộ phận tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho đơn vị nộp hồ sơ biết để bổ sung theo đúng quy định”.
Khoản 2 Điều 2 của Nghị định 100/2018/NĐ-CP quy định như sau:
– Hồ sơ đề nghị công nhận cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư bao gồm:
+ Đơn đề nghị công nhận đủ điều kiện được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư theo mẫu quy định tại Phụ lục X Nghị định này.
+ Bộ giáo trình hoặc tài liệu giảng dạy phù hợp với chương trình khung đào tạo bồi dưỡng do Bộ Xây dựng ban hành kèm theo tối thiểu 03 bộ đề kiểm tra.
– Trình tự công nhận cơ sở đủ điều kiện được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư được quy định như sau:
+ Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đào tạo gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này đến Bộ Xây dựng;
+ Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Xây dựng xem xét và ban hành Quyết định công nhận cơ sở đào tạo đủ điều kiện đào tạo kiến thức chuyên môn nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư. Quyết định công nhận được gửi cho cơ sở đào tạo và đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày ban hành Quyết định.
3. Xử phạt vi phạm hành chính
** Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây (khoản 1 Điều 61 Nghị định 139/2017/NĐ-CP):
– Không có nhật ký giảng dạy;
– Giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo về quản lý vận hành nhà chung cư không đúng mẫu quy định;
– Không báo cáo tình hình đào tạo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định;
– Không lưu trữ hồ sơ đào tạo theo quy định.
** Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây (khoản 2 Điều 61 Nghị định 139/2017/NĐ-CP):
– Sử dụng tài liệu giảng dạy không phù hợp với chương trình khung theo quy định;
– Không đảm bảo đủ thời lượng giảng dạy, chương trình theo quy định;
– Cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học không đúng quy định.
** Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây (khoản 3 Điều 61 Nghị định 139/2017/NĐ-CP):
– Mượn, thuê, cho mượn hoặc cho thuê tư cách pháp nhân để thực hiện hoạt động đào tạo;
– Thực hiện hoạt động đào tạo khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận cơ sở đủ điều kiện được đào tạo.
** Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng quyết định công nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 2, điểm a khoản 3 Điều này (khoản 4 Điều 61 Nghị định 139/2017/NĐ-CP).
** Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ kết quả đào tạo, thu hồi giấy chứng nhận đã cấp đối với hành vi quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này (trừ trường hợp cho mượn, cho thuê tư cách pháp nhân) (khoản 5 Điều 61 Nghị định 139/2017/NĐ-CP).