1. Cố ý phạm tội là gì?
Cố ý phạm tội được quy định tại Điều 10 Bộ luật Hình sự 2015, theo đó, cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
– Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
– Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
2. Phân tích về cố ý phạm tội
Như đã phân tích tại khái niệm tội phạm thì lỗi là một trong 4 yếu tố được đưa ra để xem xét đánh giá một hành vi đã xảy ra có phải là tội phạm hay không, nếu có thì mức độ như thế nào. Chính vì vậy mà việc nghiên cứu, phân loại các dạng lỗi đóng vai trò quan trọng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Lỗi được chia ra làm lỗi cố ý và lỗi vô ý.
Ở điều này, các nhà làm luật đưa ra khái niệm về lỗi cố ý cũng như căn cứ để phân loại lỗi cố ý. Lỗi cố ý phạm tội được chia thành nhiều hình thức, nhiều trường hợp khác nhau. Việc phân chia hình thức của lỗi cố ý chỉ có ý nghĩa xác định mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Thông thường được chia làm 02 hình thức là cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp.
2.1. Lỗi cố ý trực tiếp
Lỗi cố ý trực tiếp được xác định dựa trên mức độ nhận thức của người thực hiện hành vi. Trong các loại lỗi thì lỗi cố ý trực tiếp thể hiện sự nhận thức và mức độ quyết tâm cao nhất của người thực hiện. Sự nhận thức được thể hiện dưới ba góc độ khác nhau:
Thứ nhất, đó là nhận thức được mức độ nguy hiểm, nghĩa là người phạm tội nhận diện được hành vi mà mình đang hoặc sắp thực hiện sẽ gây ra nguy hiểm cho xã hội, sự nguy hiểm thể hiện ở chỗ nếu hành vi được thực hiện là nó sẽ xâm phạm đến một đối tượng cụ thể nào đó.
Thứ hai, nhận thức được hậu quả, người thực hiện hành vi bên cạnh nhận diện được mức độ nguy hiểm thì họ còn thấy được hậu của nó như thế nào, dự liệu được một cách chính xác và đúng đắn những hậu quả mà hành vi mang lại. Và không có việc người thực hiện hành vi sẽ mơ hồ, không xác định được hậu quả là gì, khi trong suy nghĩ người phạm tội nghĩ về một hành vi mà họ sẽ thực hiện thì đồng thời họ cũng đã thấy trước được hậu quả xảy ra, hai vấn đề này tiếp diễn liên tục, liền kề nhau và nhiều trường hợp thậm chí người phạm tội nghĩ đến hậu quả trước và tìm cách thực hiện hành vi tương ứng để hậu quả xảy ra như mong muốn.
Thứ ba, là nói đến tính quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng của người phạm tội “mong muốn hậu quả đó xảy ra”, sự mong muốn này biểu hiện ra bên ngoài dưới dạng các đặc điểm như: không chấm dứt hành vi, thực hiện hành vi cho đến khi nào hậu quả xảy ra hay nói cách khác hậu quả chính là mục đích cuối cùng. Như vậy trong chuỗi nhận thức của người thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp chính là biểu hiện của ý chí và quyết tâm cao nhất trong các loại lỗi, đi từ suy nghĩ và hiện thực hóa đến hành động.
Ví dụ: A là người đã thành niên, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự cầm dao và đâm chết B, A thực hiện hành vi đến cùng cho đến khi B chết hẳn thì A mới bỏ đi. Trường hợp này A có đầy đủ nhận thức để biết hành vi của mình là hành vi nguy hiểm và vi phạm pháp luật, A cũng nhận thức được hành vi của mình sẽ làm chết B và A thực hiện, mong muốn hậu quả trên xảy ra.
2.2. Lỗi cố ý gián tiếp
Sự khác biệt cơ bản giữa lỗi cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp được thể hiện ở khía cạnh tâm lý người phạm tội. Hai loại lỗi này các chủ thể đều nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi, đều nhận thức được hậu quả mà hành vi mang lại. Tuy nhiên với lỗi cố ý gián tiếp thì cần phải khẳng định, người phạm tội không hề mong muốn hậu quả đó xảy ra trên thực tế hay nói cách khác hậu quả không nằm trong kế hoạch hành động của họ. Việc hậu quả có xảy ra hay không không phải là đích đến cuối cùng. Sự bỏ mặc thể hiển ở việc người phạm tội không quan tâm, hậu quả xảy ra cũng được hoặc không xảy ra cũng được. Mục đích của người phạm tội đã có thể đạt được ở giai đoạn trước đó hoặc thực hiện hành vi nhưng lại hướng đến một mục đích khác.
Ví dụ: A và B vì mâu thuẫn nên đánh nhau, A đánh B bị thương, thấy B bị chém vào chân mất nhiều máu, không thể di chuyển được A bỏ về. Vì đoạn đường vắng, mất quá nhiều máu sau đó B tử vong.
Như vậy, để phân biệt cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp, cần dựa vào mặt ý thức của người thực hiện hành vi đối với hậu quả mà hành vi đó gây ra. Nếu mong muốn hậu quả xảy ra thì là cố ý trực tiếp, nếu không mong muốn hậu quả xảy ra thì đó là cố ý gián tiếp. Tuy nhiên khi xem xét, nghiên cứu về lỗi cố ý, nhiều quan điểm cho rằng việc phân loại lỗi cố ý thành lỗi cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp là không cần thiết. Bởi lẽ một người khi họ đã nhận thức được một cách đầy đủ về tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi và thấy trước hậu quả xảy ra mà vẫn thực hiện thì cho dù họ có mong muốn hay không mong muốn thì hậu quả cũng đã xảy ra trên thực tế. Việc nhận thức đầy đủ nhưng vẫn thực hiện hành vi đã chứng tỏ một quyết tâm và ý chí của người phạm tội. Pháp luật hình sự nghiêm cấm các chủ thể xâm phạm đến các mối quan hệ được quy định trong bộ luật này, do vậy việc không hành động hoặc hành động để tránh xâm hại và bảo vệ các mối quan hệ đó là nghĩa vụ của mỗi cá nhân, tổ chức. Chính vì vậy, việc cho rằng không mong muốn hậu quả xảy ra trong khi đã nhận thức và dự liệu một cách chính xác hậu quả mà vẫn thực hiện hành vi là hoàn toàn không có cơ sở.
Ngoài ra, khoa học hình sự, khi nghiên cứu lỗi cố ý, còn chia ra nhiều hình thức khác nhau. Các hình thức đó là: Cố ý có dự mưu và cố ý đột xuất; cố ý xác định và cố ý không xác định. Cố ý có dự mưu là trường hợp trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người có hành vi đó đã suy nghĩ, tính toán cẩn thận mới bắt tay vào làm. Cố ý đột xuất là trường hợp một người vừa có ý định phạm tội đã thực hiện ngay ý định đó. Cố ý xác định là trường hợp trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm xã hội, người có hành vi xác định được hậu quả mà hành vi đó gây ra. Cố ý không xác định là trường hợp trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người có hành vi không hình dung chính xác hậu quả xảy ra như thế nào.
3. Tải file Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung
Tải về: Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung