Cơ sở làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính
Quan hệ pháp luật hành chính không tự nhiên sinh ra, thay đổi hay chấm dứt. Để một quan hệ pháp luật hành chính phát sinh, thay đổi, chấm dứt phải có 03 điều kiện:
1. Quy phạm pháp luật hành chính
Để làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt các quan hệ pháp luật hành chính, trước hết phải có quy phạm pháp luật hành chính để tác động, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực hành chính nhà nước. Nếu không có quy phạm pháp luật hành chính thì không có quan hệ pháp luật hành chính.
2. Sự kiện pháp lý
Sự kiện pháp lý là sự kiện xảy ra trong thực tế, làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quan hệ pháp luật hành chính.
Căn cứ vào tiêu chuẩn ý chí, sự kiện pháp lý được chia làm 02 loại: Sự kiện ý chí: Là sự kiện do con người thực hiện như:
– Sự kiện thực hiện quyền.
Ví dụ: Quyền khiếu nại, tố cáo, quyền được khai sinh.
– Sự kiện thực hiện nghĩa vụ.
Ví dụ: Cơ quan nhà nước, cán bộ nhà nước thực hiện chức trách của mình.
– Sự kiện không thực hiện nghĩa vụ.
– Vi phạm pháp luật.
Ví dụ: Tạm trú, tạm vắng nhưng không đăng ký.
– Sự kiện bảo vệ quyền lợi khi bị xâm hại.
Ví dụ: Công dân khiếu kiện trước cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm quyền lợi của mình.
Sự kiện phi ý chí (sự biến pháp lý): Là sự kiện xảy ra nằm ngoài ý chí của con người như: Bão, lụt, động đất, v.v..
3. Chủ thể có năng lực hành vi hành chính
Quan hệ pháp luật hành chính vốn là những quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi quy phạm pháp luật hành chính, do đó để thiết lập được quan hệ pháp luật hành chính phải có các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật hành chính. Chủ thể đó phải là cá nhân có năng lực hành vi hành chính hoặc tổ chức có năng lực pháp luật hành chính theo quy định của luật hành chính.