Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan

0 5.050

Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan là việc chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan chuyển giao toàn bộ hoặc một phần quyền đối với quyền tác giả, quyền liên quan đó cho bên nhận chuyển nhượng.


1. Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan

Việc khai thác các giá trị kinh tế của quyền tác giả, quyền liên quan có thể do các chủ thể được nhà nước bảo hộ trực tiếp thực hiện. Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm hoặc các chủ thể quyền khác khai thác giá trị kinh tế của tác phẩm thông qua những hình thức nhất định để đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần của mình, đồng thời để tác phẩm có thể được đông đảo công chúng sử dụng, trong đó có việc chuyển nhượng cho chủ thể khác khai thác giá trị kinh tế của tác phẩm; tác giả chủ sở hữu tác phẩm được hưởng những lợi ích vật chất nhất định để đầu tư cho việc sáng tạo những tài sản trí tuệ mới có giá trị.

Theo quy định của pháp luật dân sự, quyền tác giả, quyền liên quan là tài sản (quyền tài sản) nhưng đây là tài sản trí tuệ có những đặc thù nhất định không thể giao dịch thuần tuý như những tài sản thông thường mang tính vật chất hữu hình (như vật, tiền hay giấy tờ có giá). Do đó, chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan từ một chủ thể này sang chủ thể khác chủ yếu là các quyền tài sản để bên nhận chuyển nhượng khai thác các giá trị kinh tế của tài sản đó còn các quyền nhân thân gắn với chủ thể.

Quy định của pháp luật “chuyển nhượng” quyền tác giả, quyền liên quan hoàn toàn khác với khái niệm “mua bán”. Trong hợp đồng mua bán tài sản, bên mua trở thành chủ sở hữu tài sản và có toàn quyền đối với tài sản thuộc sở hữu của mình; còn việc chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan bên nhận chuyển nhượng có các quyền tài sản đối với tác phẩm và chỉ có quyền nhân thân là quyền công bố tác phẩm hoặc cho người khác công bố tác phẩm. Giới hạn của hợp đồng xác định trong phạm vi chuyển nhượng đảm bảo cho tác phẩm được bảo hộ, trong đó tác giả vẫn có các quyền nhân thân không thể chuyển giao đối với tác phẩm kể cả khi đã chuyển giao cho chủ thể khác.

Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan là việc chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan chuyển giao quyền sở hữu đối với các quyền quy định tại Khoản 3 Điều 19, Điều 20, Khoản 3 Điều 29, Điều 30 và Điều 31 của Luật Sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.

Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan là một hợp đồng dân sự gồm các nội dung cơ bản nêu dưới đây: Đối tượng; chủ thể; hình thức và nội dung chủ yếu của hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan.

Hình minh họa. Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan

2. Đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan

Các tác phẩm thuộc quyền tác giả: Tác phẩm văn học nghệ thuật, tác phẩm khoa học (sách giáo khoa, giáo trình, các công trình khoa học…), tác phẩm âm nhạc và các tác phẩm viết khác.

Đối tượng của quyền liên quan: bản ghi âm, ghi hình… Các tác phẩm được chuyển giao có thể là tác phẩm hư cấu (thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết…) hoặc tác phẩm không hư cấu (công trình khoa học, hồi ký, tự truyện, phê bình, giáo trình giảng dạy,…).

105

Việc chuyển giao bao gồm các quyền sau:

Một là, quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm (Khoản 3 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ) của tác giả, của các đồng tác giả, của người giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc người giao kết hợp đồng với tác giả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác, của người thừa kế, của người được chuyển giao quyền, của Nhà nước quy định tại các Điều 37, Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 41 và 42 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Hai là, các quyền tài sản của người nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (Điều 20 và Điều 36).

Ba là, quyền tài sản của người biểu diễn đối với cuộc biểu diễn nếu người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư cuộc biểu diễn đó hoặc của chủ đầu tư khi người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với các bên liên quan (Khoản 2 Điều 44).

Bốn là, quyền của tổ chức phát sóng đối với chương trình phát sóng của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với các bên liên quan (Điều 31 và Khoản 3 Điều 44).

Xuất phát từ đặc thù của tài sản trí tuệ, pháp luật quy định quyền nhân thân không thể chuyển giao không được phép chuyển nhượng (bảo hộ tuyệt đối). Những quyền nhân thân không có ý nghĩa gắn với các chủ thể mà còn hạn chế sự xâm phạm, cắt xén, thay đổi vì mục đích lợi nhuận của bên nhận chuyển nhượng.

Đối với tác giả: Tác giả không chuyển nhượng được các quyền nhân thân bao gồm:

– Quyền đặt tên cho tác phẩm (Khoản 1 Điều 19);

– Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng (Khoản 2 Điều 19);

– Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả (Khoản 4 Điều 19).

Đối với người biểu diễn: Người biểu diễn không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại Khoản 2 Điều 29 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền sau:

– Quyền được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn;

– Quyền bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.

Các quyền còn lại của chủ sở hữu quyền liên quan quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ vẫn được chuyển nhượng theo những điều kiện quy định của pháp luật.


3. Chủ thể của hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì chủ thể có quyền chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại nhiều điều luật. Cụ thể, đối với từng đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan thì có các chủ thể có quyền chuyển nhượng tương ứng.

Đối với quyền tác giả, chủ thể có thể chuyển nhượng quyền tác giả bao gồm:

– Chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả;

– Chủ sở hữu quyền tác giả là các đồng tác giả;

– Chủ sở hữu quyền tác giả là người giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc người thừa kế, người được chuyển giao quyền;

– Chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước theo quy định tại các Điều 37, Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 41 và Điều 42 của Luật Sở hữu trí tuệ có quyền chuyển nhượng đối với quyền nhân thân quy định tại Khoản 3 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ;

– Chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế đang nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.

Đối với quyền liên quan, chủ thể có quyền chuyển nhượng quyền liên quan bao gồm:

– Người biểu diễn đối với cuộc biểu diễn nếu người biểu diễn đồng thời là chủ sở hữu cuộc biểu diễn;

– Nhà sản xuất là chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình;

– Tổ chức phát sóng đối với chương trình phát sóng của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với các bên liên quan (Điều 44 của Luật SHTT).

Trong trường hợp quyền tác giả, quyền liên quan chỉ thuộc quyền sở hữu của một chủ sở hữu duy nhất thì chủ sở hữu đó có quyền quyết định việc có chuyển nhượng hay không chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan đó. Nếu tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có đồng chủ sở hữu thì việc chuyển nhượng phải có sự thỏa thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu; trường hợp có đồng chủ sở hữu nhưng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có các phần riêng có thể tách ra để sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có quyền chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan đối với phần riêng của mình cho tổ chức, cá nhân khác (Khoản 3 Điều 45 của Luật Sở hữu trí tuệ).


4. Hình thức và nội dung chủ yếu của hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan

Về hình thức của hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan: Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan phải tuân thủ quy định tại Khoản 1 Điều 46 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 phải được lập thành văn bản.

Thực hiện, sửa đổi, bổ sung hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả và quyền liên quan.

Luật Sở hữu trí tuệ không quy định việc thực hiện, sửa đổi, bổ sung hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan mà chỉ quy định mang tính nguyên tắc tại Khoản 2 Điều 46 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc thực hiện, sửa đổi, chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự. Do đó, các bên ký kết hợp đồng trong quá trình thực hiện hợp đồng hoặc sửa đổi hợp đồng phải căn cứ vào các quy định tương ứng của Bộ luật Dân sự 2005.

4.9/5 - (97 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.

ZaloFacebookMailMap