Chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan là gì?
Chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan được thực hiện dưới hai hình thức: Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan và chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan.
Trước khi Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được ban hành, Bộ luật Dân sự và các quy định pháp luật liên quan không có quy định phân biệt giữa hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan và hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan. Việc phân biệt này lần đầu tiên được quy định tại Mục 1 và 2 Chương VI (chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan) của Luật SHTT. Trong đó, những quy định này đã phân biệt rõ quyền tác giả và quyền liên quan nhằm xác định rõ, từ đó có những quy định nhằm bảo vệ tốt hơn các quyền này trong thực tiễn.
Chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Điều 742, Điều 479 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Điều 45, Điều 47 Luật Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Việc chuyển giao được thực hiện thông qua các phương thức sau:
1. Phương thức trực tiếp
Tác giả – chủ sở hữu tác phẩm trực tiếp chuyển giao tác phẩm cho các tổ chức hay cá nhân sử dụng (nhà xuất bản, công ty ghi băng…) dưới hình thức hoặc là hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả hoặc là hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng quyền tác giả. Trong điều khoản của hợp đồng thỏa thuận cụ thể các điều khoản, trong đó tác giả – chủ sở hữu tác phẩm được hưởng các lợi ích vật chất, còn các cá nhân tổ chức nhận chuyển giao được quyền khai thác giá trị kinh tế của tác phẩm theo thỏa thuận.
Phương thức này phổ biến đối với những tác phẩm có giá trị nội dung, nghệ thuật hoặc những tác giả có uy tín. Khi đàm phán xác lập hợp đồng nhà sản xuất đã tính toán doanh thu trên cơ sở thăm dò thị trường để ước tính số lượng phát hành phù hợp.
2. Phương thức gián tiếp
Tác giả – chủ sở hữu tác phẩm không trực tiếp đàm phán, ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm mà ủy thác cho tổ chức quản lý tập thể thực hiện. Tổ chức quản lý tập thể được ủy thác (ví dụ, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam…) sẽ trực tiếp đàm phán, ký kết hợp đồng, thu tiền và giám sát việc thực hiện hợp đồng bên nhận chuyển giao. Tác giả – chủ sở hữu tác phẩm được nhận các khoản tiền từ tổ chức quản lý tập thể trên cơ sở thỏa thuận hoặc theo quy định. Phương thức này khá phổ biến vì có nhiều điểm như các tổ chức quản lý tập thể có đội ngũ chuyên nghiệp đàm phán, ký kết, giám sát việc thực hiện và tạo điều kiện thời gian để các tác giả sáng tác những tác phẩm có giá trị.
Chuyển giao quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan từ các nhà xuất bản của nước ngoài (áp dụng chủ yếu đối với các tác phẩm phải mua bản quyền nước ngoài). Việc đàm phán, thương lượng và xác lập hợp đồng thông qua nhà xuất bản nước ngoài để được cấp phép xuất bản dưới dạng sách bán tại thị trường Việt Nam.
Các hình thức chuyển giao quyền tác giả trên có sự đàm phán, thỏa thuận bình đẳng thực sự nên tạo ra động lực thúc đẩy sự sáng tạo cho các tác giả – chủ sở hữu tác phẩm. Ngoài ra, còn có những hình thức khai thác các tác phẩm trong lĩnh vực khoa học giáo dục không qua đàm phán (dưới dạng bị động), tác giả gửi bản thảo cho các nhà xuất bản, các tạp chí. Các nhà xuất bản, các tạp chí xem xét, biên tập thấy đủ điều kiện đưa vào xuất bản và trả thù lao cho tác giả theo quy định. Việc thực hiện theo phương thức này tuân theo các quy định của Luật Báo chí, Luật Xuất bản.
Mặc dù thông qua các phương thức khác nhau, khi thỏa thuận giữa tác giả – chủ sở hữu tác phẩm có thể thỏa thuận chuyển giao quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan dưới hình thức độc quyền (Exclusive License Agreement) hay thỏa thuận không độc quyền (Non – Exclusive License Agreement).