Chứng minh là gì? Đối tượng chứng minh trong tố tụng hình sự
1. Khái niệm chứng minh trong tố tụng hình sự
Do không trực tiếp chứng kiến đối tượng chứng minh nên Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án chỉ dựa vào các thông tin, tư liệu liên quan đến đối tượng chứng minh được thu thập theo trình tự, thủ tục luật định để kết luận về các tình tiết nhằm giải quyết vụ án đúng đắn, khách quan.
Quá trình chứng minh là quá trình tư duy logic và thực tiễn của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và những người có quyền chứng minh dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật tố tụng hình sự để thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án, bảo đảm cho việc giải quyết đúng đắn, khách quan, toàn diện vụ án.
Như vậy, quá trình chứng minh có các đặc điểm sau đây:
– Là hoạt động tư duy logic và thực tiễn của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và những người khác có quyền chứng minh.
Chứng minh trong tố tụng hình sự là một dạng của quá trình nhận thức nên nó tuân thủ không chỉ các quy luật khách quan của chủ nghĩa duy vật biện chứng về nhận thức mà còn phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Chứng minh trong tố tụng hình sự chính là nhận thức vê’ vụ án đã được thực hiện trong thực tế, bao gồm cả hoạt động tư duy logic và hoạt động thực tiễn, được điều chỉnh bằng các quy luật nhận thức khách quan và các quy định về trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;
– Nội dung của quá trình chứng minh trong tố tụng hình sự là thu thập, kiểm tra và đánh giá các thông tin, tư liệu liên quan và có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án hình sự (chứng cứ). Cả ba hoạt động này là thống nhất, liên quan chặt chẽ với nhau, bổ trợ cho nhau bảo đảm cho quá trình nhận thức về vụ án được nhanh chóng, chính xác, khách quan;
– Đối tượng chứng minh (nhận thức) liên quan chặt chẽ, phụ thuộc vào quy định của các quy phạm luật nội dung, tức các quy định của Bộ luật Hình sự. Nhiệm vụ chứng minh trong tố tụng hình sự chỉ bó gọn các tình tiết của vụ án cần làm sáng tỏ từ góc độ pháp luật hình sự;
– Trong quá trình chứng minh có sự tham gia của nhiều chủ thể chứng minh khác nhau. Từ góc độ chức năng tố tụng, địa vị pháp lý trong vụ án khác nhau cho nên vai trò chứng minh của mỗi chủ thể cũng khác nhau;
– Mục đích của chứng minh là để giải quyết đúng đắn, khách quan, toàn diện vụ án hình sự cho nên quá trình chứng minh không kết thúc ngay vào thời điểm các tình tiết của vụ án được làm sáng tỏ mà nó còn được kiểm tra lại thông qua việc tranh tụng, mối quan hệ chế ước của các chủ thể chứng minh và chỉ kết thúc khi kết quả chứng minh được sử dụng để cơ quan có thẩm quyền ra các quyết định cuối cùng giải quyết thực chất vụ án.
2. Đối tượng chứng minh trong tố tụng hình sự
2.1. Khái niệm đối tượng chứng minh
Đối tượng chứng minh là tất cả các tình tiết phải được xác định bảo đảm cho việc giải quyết đúng đắn, khách quan, toàn diện vụ án hình sự.
Nhiệm vụ của hoạt động tố tụng trong giải quyết vụ án cụ thể là phát hiện nhanh chóng, xử lý chính xác, công minh tội phạm và người phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Việc chứng minh tội phạm là nhằm làm sáng tỏ các tình tiết khác nhau của vụ án phục vụ cho việc định tội, quyết định trách nhiệm hình sự và hình phạt cũng như giải quyết các vấn đê’ khác liên quan của vụ án.
Việc làm rõ đối tượng chứng minh có ý nghĩa quan trọng trong xác định đúng đắn phạm vi, giới hạn chứng minh. Xác định không đầy đủ đối tượng chứng minh sẽ dẫn đến tội phạm không được chứng minh đầy đủ, các tình tiết của vụ án không được làm rõ hết, làm cho việc giải quyết vụ án thiếu toàn diện, thiếu chính xác. Ngược lại, nếu xác định đối tượng chứng minh quá rộng so với đòi hỏi của pháp luật thì làm cho việc chứng minh dàn trải không cần thiết, kéo dài thời gian tố tụng dẫn đến giải quyết vụ án không kịp thời, thậm chí nhiều lúc gây nên sự phiền hà, rắc rối trong quá trình chứng minh. Vì vậy, pháp luật tố tụng hình sự quy định cụ thể đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự. Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định:
“Khi điều tra, truy tó và xét xử vụ án hỉnh sự, cơ quan có thẩm quyền tỉến hành tố tụng phải chứng minh:
1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hĩnh sự hay khống; mục đích, động cơ phạm tội;
3. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hỉnh sự của bị can, bị cáo và đặc điểm vê nhân thân của bị can, bị cáo;
4. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;
5. Nguyên nhân và điều kiện phạm tội;
6. Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt”.
Ngoài ra, Điều 416 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn quy định khi tiến hành tố tụng đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi, cần phải xác định rõ:
– Tuổi, mức độ phát triển vể thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi;
– Điều kiện sinh sống và giáo dục;
– Có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục;
– Nguyên nhân, điểu kiện, hoàn cảnh phạm tội.
Các điều luật nêu trên của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định đối tượng chứng minh chung trong vụ án hình sự. Trên cơ sở quy định chung đó, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án xác định đối tượng chứng minh cụ thể để giải quyết nhiệm vụ trong từng vụ án. Ví dụ: Một trong những đối tượng chứng minh trong vụ án chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn phạm tội, bởi vì, đó là yếu tố quan trọng nhất để phân biệt các tội chiếm đoạt với nhau: Lén lút chiếm đoạt là phạm tội trộm cắp tài sản; dùng thủ đoạn gian dối là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đe dọa sẽ dùng vũ lực là phạm tội cưỡng đoạt tài sản…
2.2. Phân loại đối tượng chứng minh
Điều 85, Điều 416 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định đối tượng chứng minh chung trong các vụ án hình sự. Căn cứ vào ý nghĩa pháp lý hình sự của các tình tiết cần chứng minh đối với việc giải quyết vụ án hình sự, có thể phân đối tượng chứng minh thành các nhóm sau:
– Nhóm các tình tiết có ý nghĩa định tội, bao gồm các tình tiết thuộc yếu tố cấu thành cơ bản tội phạm (khách thể, mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm), các tình tiết định khung tăng nặng, định khung giảm nhẹ;
– Nhóm các tình tiết có ý nghĩa quyết định trách nhiệm hình sự và hình phạt, bao gồm có các tình tiết là căn cứ miễn trách nhiệm hình sự (Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015), miễn hình phạt (Điều 59 Bộ luật Hình sự năm 2015); các tình tiết xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, người phạm tội; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; các tình tiết thuộc nhân thân người phạm tội; các tình tiết về mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi phạm tội, về điều kiện sống và làm việc, về nguyên nhân và điều kiện phạm tội…;
– Nhóm các tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết các vấn đề khác của vụ án như các tình tiết có ý nghĩa áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn; biện pháp tư pháp hình sự đưa vào trường giáo dưỡng; giải quyết việc tịch thu, bồi thường, xử lý vật chứng v.v..
Đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự là một hệ thống các tình tiết thống nhất, liên quan chặt chẽ và có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án. Để giải quyết đúng đắn, khách quan vụ án hình sự cẩn phải xác định đầy đủ các tình tiết thuộc đối tượng chứng minh, không được coi trọng hay xem nhẹ đối tượng nào.