1. Bên bán
Bên bán là người có tài sản đem bán. Bên bán là chủ sở hữu tài sản hoặc là người được ủy quyền bán. Bên bán còn có thể là người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật. Bên bán có quyền yêu cầu bên mua phải trả tiền theo như thỏa thuận khi giao kết hợp đồng. Bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua đúng kỳ hạn, đúng phương thức và địa điểm như các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Nếu bên bán không giao vật đúng kỳ hạn, đúng đối tượng, bên mua có quyền hủy hợp đồng mua bán. Bên bán có nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu tài sản cho bên mua nhà chuyển tài sản và các giấy tờ xác nhận quyền sở hữu tài sản của mình. Để bên mua có quyền sở hữu đối với tài sản mua, bên bán phải là chủ sở hữu hoặc người có quyền được bán theo quy định của pháp luật. Nếu bên bán không phải là chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền bán mà có người thứ ba yêu cầu đòi tài sản của bên mua thì bên bán phải hoàn trả cho bên mua số tiền mình đã nhận. Bên bán phải bảo đảm chất lượng của tài sản đem bán. Nếu tài sản không đúng với chất lượng như thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định thì bên bán phải đổi tài sản khác cùng loại cho bên mua, phải sửa chữa hoặc giảm giá bán.
Nếu tài sản bán là vật đặc định, bên bán phải giao đúng vật đó, không được tự ý thay đổi vật hoặc một bộ phận của vật. Nếu tài sản bán là vật chính có vật phụ thì phải chuyển giao cả vật chính và vật phụ… Trường hợp tài sản bán có khuyết tật hoặc chất lượng không tốt mà bên bán đã thông báo cho bên mua biết thì tài sản đem bán được coi là chất lượng đã bảo đảm. Đối với tài sản bán trong các cửa hàng đồ cũ hoặc quầy hàng bán tài sản kém phẩm chất thì phải coi đây là trường hợp người bán đã thông báo trước cho bên mua về khuyết tật, chất lượng của tài sản bán. Khuyết tật của tài sản được biểu hiện ở hai dạng: khuyết tật rõ rệt và khuyết tật ẩn giấu.
Khuyết tật rõ rệt: Là những khuyết tật ở bên ngoài tài sản mà mọi người nhìn thấy được. Vì vậy, bên bán có thể thông báo cho bên mua biết hoặc khi nhận vật bên mua phải chỉ ra khuyết tật của tài sản và đưa ra các yêu cầu thích đáng đối với bên bán. Nếu khi người mua nhân vật mua không phát hiện ra khuyết tật đó và sau một thời gian mới biết thì bên bán không phải chịu trách nhiệm về khuyết tật đó. Do vậy, khi giao nhận bên mua phải thận trọng xem xét bên ngoài tài sản. Nếu bên mua không xem xét kĩ lưỡng thì phải gánh chịu thiệt hại, không được viện lí do tài sản bị khuyết tật để không thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng.
Khuyết tật ẩn giấu: Là những khuyết tật nằm bên trong tài sản khó phát hiện. Bên bán và bên mua đều không phát hiện được khi giao kết hợp đồng. Khi sử dụng phải nhờ chuyên gia mới phát hiện được khuyết tật đó.
Trường hợp này hai bên tưởng tượng nhầm về đối tượng hợp đồng mà không ai có lỗi. Số tiền bên mua trả cho bên bán là giá trị của tài sản chất lượng tốt nhưng thực tế giá trị của tài sản không đúng với chất lượng như đã thoả thuận. Vì vậy, bên bán phải giảm giá bán phù hợp với chất lượng thực tế của tài sản hoặc đổi tài sản khác cùng loại với tài sản đã bán. Nếu bên bán cố ý che giấu khuyết tật của tài sản làm cho bên mua nhầm lẫn thì hợp đồng có thể bị vô hiệu (Điều 126 Bộ luật Dân sự 2015).
Bên bán phải giao tài sản bán đúng phương thức và thời hạn. Phương thức giao tài sản do các bên thỏa thuận. Nếu không thoả thuận về phương thức thì bên bán phải giao cho bên mua một lần toàn bộ tài sản đúng thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng. Thông thường, việc mua bán tại cửa hàng hoặc ở chợ thì việc giao tài sản thực hiện sau khi bên mua trả tiền. Trong trường hợp các bên không thoả thuận và pháp luật không quy định về chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu thì bên bán phải chịu chi phí về vận chuyển đến địa điểm thực hiện nghĩa vụ và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu (Điều 442 Bộ luật Dân sự 2015). Xác định thời hạn giao tài sản có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định trách nhiệm dân sự và xác định quyền sở hữu đối với tài sản của các bên. Từ đó xác định bên nào phải chịu rủi ro khi tài sản bị hư hỏng mà không do lỗi của ai.
Ngoài những nghĩa vụ liên quan đến tài sản, bên bán có nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu cho bên mua (Điều 444 Bộ luật Dân sự 2015). Việc đảm bảo quyền sở hữu cho bên mua một cách tốt nhất là phải có đầy đủ các giấy tờ về nhà ở, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà pháp luật quy định. Việc mua bán được thực hiện đúng các thủ tục pháp luật quy định. Nếu tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì phải chứng minh nguồn gốc tài sản và có người làm chứng. Tuy nhiên, trong thực tế không phải bao giờ hợp đồng mua bán diễn ra đúng như pháp luật quy định, vì vậy khi có tranh chấp, bên bán phải đứng về phía bên mua. Trường hợp không bảo vệ được quyền sở hữu cho bên mua thì phải bồi thường thiệt hại.
2. Bên mua
Có nghĩa vụ trả tiền cho bên bán đúng như giá cả đã thỏa thuận đồng thời có nghĩa vụ nhận tài sản khi bên bán giao cho. Bên mua có quyền yêu cầu bên bán giao đúng vật, đúng chất lượng, số lượng… chủng loại, đúng thời hạn… Nếu bên bán giao tài sản không đúng số lượng, chủng loại… bên mua có quyền hủy hợp đồng hoặc nhận tài sản thì có quyền yêu cầu bên bán phải bồi thường thiệt hại. Theo quy định tại Điều 437 Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp bên bán giao vật với số lượng nhiều hơn số lượng đã thoả thuận thì bên mua có quyền nhận hoặc không nhận phần dôi ra; nếu nhận thì phần thanh toán được thực hiện theo thỏa thuận đối với phần dôi ra. Nếu bên bán giao vật cho bên mua không đồng bộ làm cho mục đích sử dụng của vật không đạt được thì bên mua có thể nhận và yêu cầu bên bán giao tiếp phần hoặc bộ phận còn thiếu, yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu bên mua đã trả tiền mua tài sản nhưng chưa nhận vật do bên bán giao vật không đồng bộ thì được trả lãi đối với số tiền đã trả theo lãi suất nợ quá hạn theo quy định tại Điều 446Bộ luật Dân sự 2015 và yêu cầu bên bán phải bồi thường thiệt hại do giao vật không đồng bộ, kể từ thời điểm phải thực hiện hợp đồng cho đến khi vật được chuyển giao đồng bộ (Điều 438 Bộ luật Dân sự 2015). Nếu bên bán giao vật không đúng chủng loại, bên mua có quyền nhận và thanh toán theo giá do các bên thỏa thuận hoặc yêu cầu bên bán giao vật đúng chủng loại và bồi thường thiệt hại hoặc bên mua có quyền huỷ bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại (Điều 439 Bộ luật Dân sự 2015). Bên mua có quyền sở hữu đối với tài sản mua kể từ khi nhận tài sản từ bên bán. Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu, bên mua có quyền sở hữu đối với tài sản sau khi đã đăng ký quyền sở hữu và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. (ví dụ: nhà ở, công trình xây dựng...). Trong trường hợp tài sản mua bán chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên bán. Trường hợp mua bán có bảo hành tài sản bán, trong | thời hạn bảo hành, nếu bên mua phát hiện được khuyết tật của tài sản hoặc tài sản không bảo đảm chất lượng như đã thoả thuận… thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán phải sửa chữa tài sản, đổi tài sản khác hoặc yêu cầu giảm giá bán. Nếu bên – bán không chịu thực hiện nghĩa vụ sửa chữa, đổi tài sản, giảm giá…. thì bên mua có quyền yêu cầu lấy lại tiền mua và trả lại tài sản cho bên bán. Khi bảo hành, mọi chi phí và sửa chữa bên bán phải gánh chịu.