1. Khái niệm về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai
Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở nước ta ra đời khi Hiến pháp năm 1980 đước ban hành dựa trên cơ sở lý luận về tính tất yếu khách quan của việc xã hội hóa đất đai. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 1980 chỉ quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà không làm rõ khái niệm và nội dung cụ thể của hính thức sở hữu này. Do vậy, trên thực tế đã xuất hiện hai quan niệm:
Quan niệm thứ nhất: không thừa nhận sự đồng nhất giữa khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai với khái niệm sở hữu nhà nước về đất đai. Những người theo quan điểm này cho rằng khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai có những điểm khác biệt với khái niệm sở hữu nhà nước về đất đai: “Không nên đồng nhất sở hữu toàn dân và sở hữu nhà nước vì nhà nước đại diện cho toàn dân chứ không phải nhà nước với nhân dân là một. Sự thống nhất giữa nhà nước với nhân dân đến đâu còn tùy thuộc vào chủ chương, chính sách của nhà nước có phù hợp với lợi ích, có đáp ứng được với nguyện vọng của nhân dân hay không. Hơn nữa đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân, bên cạnh quyền làm chủ của nhà nước với tư cách là đại diện cho nhân dân còn có quyền tham gia làm chủ của tập thể những người lao động sử dụng những tài sản ấy” (Một số vấn đề về sở hữu ở nước ta hiện nay – PGS.TS Nguyễn Văn Thạo – TS. Nguyễn Hữu Đạt). Sở hữu toàn dân về đất đai là một khái niệm được dùng để phản ánh đất đai thuộc sở hữu chung của một cộng đồng xã hội, bao gồm toàn dân. Khái niệm này không định ra được một người cụ thể nào là chủ sở hữu đất đai. Sở hữu toàn dân về đất đai được hiểu là toàn thể nhân dân đều có quyền sở hữu đất đai và quyền này không thuộc về riêng một cá nhân nào trong xã hội. Còn khái niệm sở hữu Nhà nước về đất đai mang tính cụ thể hơn, nó chỉ ra nhà nước là chủ sở hữu đối với đất đai.
Quan niệm thứ hai: Đồng nhất giữa khái niệm sở hữu nhà nước về đất đai với khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai. Những người theo quan điểm này cho rằng hai khái niệm này đồng nhất với nhau bởi lẽ xuất phát từ bản chất của nhà nước ta là nhà nước “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, Nhà nước do nhân dân lao động thiết lập nên, đại diện trung thành cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân. Nên lợi ích của Nhà nước cũng chính là lợi ích của toàn thể nhân dân lao động.
Tuy nhiên, không nên đồng nhất khái niệm sở hữu Nhà nước về đất đai với khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai, bởi những lý do sau đây:
Thứ nhất, trong Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi bổ sung năm 2001), Luật đất đai năm 1987, Luật đất đai năm 1993, Luật đất đai năm 2003…chưa từng đề cập đến khái niệm sở hữu nhà nước về đất đai mà chỉ đưa ra khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai thông qua việc quy định: đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu (Điều 5 Luật đất đai năm 2003).
Thứ hai, khi nói về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là đề cập đến một hệ thống quy chế chung trong quan hệ đất đai mà toàn dân là chủ thể nhưng “toàn dân” không thể tự đứng ra thực hiện những “quyền” sở hữu cụ thể (chiếm hữu – sử dụng – định đoạt) mà phải cử người thay mặt mình; nhân danh mình để làm việc đó, trong trường hợp này, Nhà nước là người đủ tư cách nhất và nhà nước ta đước xây dựng và hoạt động theo nguyên tắc của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Tóm lại, từ những phân tích, lập luận trên đây chúng ta có thể đưa ra khái niệm về chế độ sở hữu toàn dân như sau:
Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là một khái niệm pháp lý gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ sở hữu đất đai trong đó xác nhận quy định và bảo vệ quyền đại diện chủ sở hữu của Nhà nước trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đất đai.
2. Cơ sở của việc xây dựng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai
2.1. Một số luận điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về tính tất yếu khách quan của việc quốc hữu hóa đất đai
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin thì quốc hữu hóa đất đai là một việc làm tất yếu khách quan và phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội loại người. Bởi lẽ:
Thứ nhất, xét trên phương tiện kinh tế, việc tích tụ, tập trung đất đai đem lại năng xuất lao động và hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc sản xuất nông nghiệp trong điều kiện duy trì hình thức sở hữu tư nhân về đất đai. Các Mác cho rằng hình thức sở hữu tư nhân về đất đai sẽ dẫn đến việc chia nhỏ, manh mún đất đai. Điều này không phù hợp với sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất với phương thức sản xuất “đại cơ khí” trong nông nghiệp, cản trở việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp. Để khắc phục nhược điểm này cần phải tập trung, tích tụ đất đai thông qua việc “quốc hữu hóa” đất đai.
Thứ hai, đất đai không phải do bất cứ ai tạo ra, có trước con người và là “tặng vật” của thiên nhiên ban tặng cho con người, mọi người đều có quyền sử dụng. Không ai có quyền biến đất đai – tài sản chung của con người – thành tài sản riêng của mình.
Thứ ba, khi nghiện cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp, chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng: dưới góc độ kinh tế, hiệu quả kinh tế mà phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp mang lại dựa trên sự khai thác tối đa có xu hướng dẫn đến “kiệt quệ hóa” đất đai. Mặt khác xét về phương diện xã hội, sở hữu tư nhân về đất đai vô hình chung trở thành phương tiện để giai cấp tư sản thực hiện việc khai thác bóc lột sức lao động của người lao động để làm giàu cho chính bản thân mình. Muốn giải phóng người lao động thoát khỏi ách áp bức, bóc lột xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng và tiến bộ thì cần phải thủ tiêu chế độ sở hữu tư nhân về đất đai.
2.2. Cơ sở thực tiễn của xây dựng chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai
Sự khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân của Hiến pháp 1980, Hiếp pháp năm 1992 dựa trên những cơ sở thực tiễn chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, về mặt chính trị, vốn đất đai xương máu do công sức, mồ hôi, xương máu của các thế hệ người Việt Nam tạo lập nên, vì vậy nó phải thuộc về toàn thể nhân dân.
Thứ hai, về phương diện lịch sử, ở nước ta hình thức sở hữu Nhà nước về đất đai (đại diện là vua ở các nước phong kiến) đã có từ rất sớm và tồn tại trong suốt chiều dài phát triển lịch sử của dân tộc.
Thứ ba, về mặt thực tế, nước ta còn gần một nửa diện tích đất tự nhiên chưa sử dụng (khoảng 10.027.265 ha), chủ yếu là đất trống, đối núi trọc. Việc xác lập đất đai thuộc sở hữu tòa dân do nhà nước thống nhất quản lý sẽ giúp nhà nước có điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng quy hoạch đất đai theo kế hoạch phát triển chung nhằm quản lý chặt chẽ và từng bước đưa diện tích đất này vào khai thác, sử dụng hợp lý, đi đôi với việc cải tạo, bồi bổ đất đai quý giá của quốc gia.
Thứ tư, việc duy trì hình thức sở hữu toàn dân đối với đất đai trong giai đoạn hiện nay là hợp lý do thực tiễn sau: các quan hệ về quản lý và sử dụng đất đai ở nước ta được xác lập trên cơ sở đật đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nâht1 quản lý đã mang tính ổn định trong một thời gian khá dài (từ năm 1980 tới nay). Nên nếu thay đối hính thức sở hữu đất đai này sẽ dẫn đến những sự xáo trộn trong đất đai, làm tăng tính phức tạp của các quan hệ đất đai, thậm trí dẫn đến sự mất ổn định về chính trị – xã hội của đất nước.
3. Các yếu tố cấu thành quyền sở hữu Nhà nước đối với đất đai
3.1. Chủ thể quyền sở hữu đất đai
Nhà nước là chủ thể đại diện của quyền sở hữu đất đai. Quyền sở hữu đại diện của Nhà nước mang tính chất duy nhất và tuyệt đối.
– Tính duy nhất biểu hiện: Không cho phép tồn tại bất cứ hình thức sở hữu nào khác ngoài hình thức sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là người đại diện. Ở Việt Nam, ngoài Nhà nước không có bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào khác là người đại diện chủ sở hữu đất đai.
– Tính tuyệt đối biểu hiện: Toàn bộ vốn đất đai trong phạm vi cả nước dù đã được giao hay chưa được giao cho bất kỳ tổ chức cá nhân nào sử dụng đều thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý
3.2. Khách thể của quyền sở hữu đất đai
Khách thể của quyền sở hữu nhà nước đối với đất đai là toàn bộ vốn đất đai nằm trong lãnh thổ quốc gia, bao gồm đất liền, hải đảo và lãnh hải.
3.3. Nội dung của quyền sở hữu đất đai
3.3.1. Quyền chiếm hữu đất đai
Quyền chiếm hữu đất đai là quyền của Nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn đất đai trong phạm vi cả nước.
Nhà nước đại diện chủ sở hữu, thực hiện quản lý thống nhất toàn bộ vốn đất đai nhưng Nhà nước lại không trực tiếp chiếm hữu, sử dụng đất mà lại trao quyền chiếm hữu, sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng ồn định lâu dài thông qua hình thức giao đất, cho thuê đất, cho phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Nhà nước không mất đi quyền chiếm hữu đất đai của mình, bởi vì, Nhà nước thực hiện quyền chiếm hữu đất đai một cách gián tiếp thông qua các hoạt động vừa mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ vừa mang tính pháp lý như đo đạc, khảo sát, đánh giá và phân hạng đất để nắm được hiện trạng sử dụng đất đai trên phạm vi cả nước và từng địa phương.
3.3.2. Quyền sử dụng đất đai
Quyền sử dụng đất là quyền khai thác các thuộc tính hữu ích của đất đai để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Với tư cách là người đại diện chủ sở hữu đất đai, Nhà nước không trực tiếp sử dụng đất mà giao cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng ổn định lâu dài nhưng Nhà nước không mất đi quyền sử dụng đất đai của mình. Bởi vì, Nhà nước thực hiện quyền sử dụng đất bằng các hình thức chủ yếu sau: Thông qua việc xây dựng, xét duyệt quy hoạch sử dụng đất để phân định mục đích sử dụng cho từng loại đất cụ thể; thông qua việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng
đất buộc người sử dụng đất phải thực hiện trong quá trình sử dụng đất; trong quá trình sử dụng đất người sử dụng đất phải đóng góp một phần lợi ích từ việc sử dụng đất dưới dạng các nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước thông qua các hình thức nộp thuế sử dụng đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất, nộp lệ phí địa chính.
3.3.3. Quyền định đọat đất đai
Quyền định đoạt đất đai là quyền định đoạt số phận pháp lý của đất đai. Đây là quyền rất quan trọng và chỉ có Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu đất đai mới được thực hiện quyền định đoạt đất đai.
Đất đai là một loại tài sản đặc biệt khác với tài sản thông thường nên nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu đất đai thực hiện quyền định đoạt đất đai không giống với việc định đoạt tài sản của các chủ sở hữu khác. Trong luật dân sự, các chủ sở hữu thường chấm dứt quyền sở hữu của mình đối với vật bằng việc quyết định số phận pháp lý và số phận thực tế thông qua các giao dịch dân sự. Còn Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu đất đai chỉ được thực hiện việc quyết định số phận pháp lý của đất thông qua cácb hình thức pháp lý như quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất…chứ không có quyền quyết định số phận thực tế của đất đai. Dù đất đai đã được giao cho bất kỳ tổ chức cá nhân nào sử dụng thì thực tế đất đai vẫn thuộc sở hữu của toàn dân và chịu sự quản lý của nhà nước.
4. Những yếu tố chi phối chế độ sở hữu đối với đất đai và quyền tài sản đối với đất đai
– Thứ nhất, quan hệ sở hữu đất đai là quan hệ mang tính nền tảng.
– Thứ hai, chế độ sở hữu đất đai bị chi phối đặc biệt bởi yếu tố truyền thống lịch sử.
– Thứ ba, chế độ sở hữu đất đai được chi phối bởi nguồn gốc của đất đai và nhu cầu thiết yếu của xã hội trong sử dụng đất đai.
– Thứ tư, chế độ sở hữu đất đai bị chi phối bởi tính cố định về không gian và những yếu tố ảnh hưởng đến giá trị của đất đai.
– Thứ năm, chế độ sở hữu đất đai phải được xem xét trong mối tương quan với chế độ sở hữu tài sản gắn liền với đất.