Chế độ pháp lý về chi ngân sách nhà nước
1. Khái niệm và đặc điểm chi ngân sách nhà nước
Chi NSNN là một phạm trù tài chính gắn liền với chức năng quản lý của Nhà nước và có liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Chi NSNN là hoạt động phân phối và sử dụng quỹ NSNN theo những trình tự thủ tục do pháp luật quy định trên cơ sở dự toán chi NSNN đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định nhằm thực hiện các chức năng nhiệm vụ của nhà nước.
Hoạt động chi NSNN mang những đặc trưng cơ bản là:
– Hoạt động chi NSNN gắn liền với hoạt động thu NSNN.
– Trong hoạt động chi NSNN, Nhà nước luôn là chủ thể bắt buộc tham gia với tư cách là một bên trong quan hệ.
– Hoạt động chi NSNN phải tuân thủ theo các quy định pháp luật về thủ tục và trình tự chi.
– Hoạt động chi NSNN gắn liền với việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của nhà nước.
Chế độ pháp lý về chi NSNN là tổng hợp các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình phân phối và sử dụng quỹ NSNN.
2. Các nguyên tắc và điều kiện chi
2.1. Các nguyên tắc chi NSNN
– Nguyên tắc cân bằng thu chi:
Nguyên tắc này đòi hỏi đảm bảo tính cân đối giữa khả năng thu và nhu cầu chi. Việc xây dựng và thực hiện các chỉ tiêu chi NSNN phải phù hợp với khả năng thu NSNN; quy mô và góc độ chi NSNN phải phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và có tích luỹ.
– Nguyên tắc chi theo kế hoạch và đúng mục đích:
Đòi hỏi các khoản chi tiêu của NSNN phải có trong dự toán và phải được cấp phát đầy đủ đúng thời hạn phù hợp với hạn mức thông báo, nguồn kinh phí cấp phát, sử dụng đúng chức năng nội dung dự toán đã duyệt. Nghiêm cấm trường hợp vay, cho vay, sử dụng NSNN trái với quy định của pháp luật.
Trừ những trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật. Mặt khác phải đảm bảo đúng đối tượng chi, đúng nội dung mục đích của khoản chi đã được xác định trong dự toán.
Chỉ có những khoản chi nào có trong dự toán NSNN đã được phê chuẩn mới được Kho bạc Nhà nước tiến hành cấp phát.
– Nguyên tắc tiết kiệm chi và tăng cường thu:
Nguyên tắc này đòi hỏi các khoản thu được đặt ra phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, mang tính khả thi, tránh tình trạng lạm thu không nuôi dưỡng được nguồn thu dẫn đến triệt tiêu nguồn thu. Mặt khác, thu đúng, đủ, tập trung kịp thời các khoản thu vào quỹ NSNN theo đúng quy định pháp luật.
2.2. Các điều kiện chi NSNN
Các khoản chi được xem là hợp pháp và đưa vào quyết toán NSNN chỉ khi thoả mãn đầy đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, các khoản chi phải được xác định trong dự toán ngân sách đã được duyệt.
Thứhai, khoản chi đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan có thẩm quyền quy định. Các cơ quan tài chính hàng năm đều ra hạn mức kinh phí sử dụng.
Thứ ba, khoản chi phải được Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách hoặc người được uỷ quyền quyết định chi.
Thứ tư, khoản chi được thực hiện trên cơ sở có đầy đủ các chứng từ có liên quan.
Điều 13 luật NSNN quy định chứng từ để thu chi NSNN do Bộ tài chính phát hành và quản lý tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thu chi và có cơ sở để thực hiện hoạt động kiểm tra và thanh tra tài chính.
Ngoài ra trong trường hợp sử dụng kinh phí NSNN để đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc và các công việc khác cần phải đấu thầu hoặc thẩm định giá thì cần phải tổ chức đấu thầu hoặc thẩm định giá theo đúng quy định về pháp luật.
3. Phương thức cấp phát các khoản chi từ Ngân sách nhà nước
3.1. Phương thức cấp phát các khoản chi theo dự toán
Cấp phát theo dự toán (bằng hạn mức kinh phí): là hình thức cấp phát dưới dạng thông báo được áp dụng đến các cơ quan hành chính Nhà nước. Cấp phát thông qua kho bạc nhà nước. Đây là hình thức cấp phát được áp dụng đối với các khoản chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị.
Đối tượng cấp phát: các khoản chi thường xuyên trong dự toán của các đơn vị dự toán. Bao gồm: các cơ quan hành chính nhà nước; các đơn vị sự nghiệp; các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp thường xuyên được NSNN hỗ trợ kinh phí; các Tổng công ty nhà nước được hỗ trợ thực hiện một số nhiệm vụ thường xuyên theo quy định của pháp luật. Quy trình cấp phát kinh phí đối với các khoản chi theo dự toán được thực hiện như sau:
Bước 1: Căn cứ vào phương án điều hành ngân sách quý do cơ quan tài chính thông báo, nhu cầu thanh toán chi trả hằng quí của đơn vị sử dụng ngân sách, Kho bạc nhà nước sẽ chủ động lập kế hoạch nguồn vốn, kế hoạch chi trả, thanh toán, kế hoạch tiền mặt nhằm đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu chi của đơn vị sử dụng ngân sách.
Bước 2: Căn cứ vào nhu cầu chi quý đã gửi Kho bạc Nhà nước và theo yêu cầu nhiệm vụ chi, thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách lập giấy rút dự toán ngân sách, kèm theo hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước. Trường hợp được cơ quan có thẩm quyền thông báo điều chỉnh nhu cầu chi quý thì đơn vị chỉ được chi trong giới hạn điều chỉnh.
Bước 3: Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch sẽ kiểm tra hồ sơ thanh toán, các điều kiện chi và giấy rút dự toán ngân sách. Nếu các điều kiện chi này đủ điều kiện chi theo quy định thì Kho bạc Nhà nước sẽ tiến hành chi trả thanh toán.
Các đơn vị dự toán phải mở tài khoản phải mở hạn mức kinh phí tại KBNN.
Nếu chưa có đủ điều kiện thực hiện thanh toán trực tiếp qua Kho bạc Nhà nước ở tất cả các khoản chi thì được phép cấp tạm ứng đối với một số khoản chi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Sau khi hoàn thành công việc và có đủ chứng từ thanh toán thì chuyển từ tạm ứng sang thực chi.
Khi rút dự toán để chi tiêu, đơn vị sử dụng ngân sách và Kho bạc Nhà nước hạch toán đúng mục chi theo Mục lục NSNN, trong phạm vi tổng mức của nhóm mục ghi trong dự toán đã giao, riêng nhóm mục chi khác được rút từ dự toán để chi cho tất cả các mục song phải hạch toán đúng mục chi. Trường hợp cần phải điều chỉnh dự toán giữa các nhóm mục, đơn vị sử dụng ngân sách phải báo cáo cơ quan quản lý cấp trên quyết định sau khi thống nhất với cơ quan tài chính cùng cấp.
3.2. Phương thức cấp phát các khoản chi theo lệnh chi tiền
Cấp phát theo lệnh chi tiền: là hình thức cấp phát dưới dạng đặc thù được áp dụng đến một số đối tượng nhất định, thường không có quan hệ thường xuyên với NSNN, khoản chi có mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể.
Đối tượng áp dụng: Thường được áp dụng đối với đơn vị hạch toán hay các khoản chi không mang tính chất thường xuyên chi cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, xã hội không có quan hệ thường xuyên với ngân sách; chi trả nợ, viện trợ; chi bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới và một số khoản chi khác theo quyết định của thủ trưởng cơ quan tài chính.
Quy trình cấp phát kinh phí theo phương thức lệnh chi tiền được thực hiện như sau:
– Đơn vị phải lập chứng từ xin cấp gửi cho cơ quan tài chính. – Cơ quan tài chính căn cứ vào chứng từ xin cấp của đơn vị và căn cứ vào kế hoạch cấp phát của mình để duyệt cấp.
– Sau khi duyệt cấp cơ quan tài chính sẽ cấp lệnh chi tiền gửi cho kho bạc Nhà nước và cho ngân hàng nơi quản lý tài khoản của đơn vị được – Căn cứ vào lệnh chi tiền của cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục chi tiền vào tài khoản của đơn vị được cấp tại ngân hàng gọi là hình thức chuyển tiền trực tiếp hoặc cấp tiền mặt cho cá nhân tổ chức được hưởng ngân sách.
Đối với một số khoản chi đặc thù thì phương thức cấp phát được quy định riêng:
– Đối với khoản chi cho vay của NSNN:
Đối với các khoản chi cho vay theo chế độ quy định của NSNN, cơ quan tài chính chuyển nguồn vốn cho cơ quan được giao nhiệm vụ cho vay hoặc chuyển tiền bằng lệnh chi tiền theo hợp đồng cho tổ chức được vay trong trường hợp cho vay trực tiếp.
Cơ quan được giao nhiệm vụ cho vay hoặc cơ quan tài chính trong trường hợp cho vay trực tiếp có trách nhiệm quản lý, cho vay, thu hồi nợ gốc, lãi nộp vào NSNN và quyết toán theo chế độ quy định. – Đối với khoản chi trả nợ của NSNN:
Trả nợ nước ngoài: căn cứ vào dự toán năm về chi trả nợ nước ngoài và yêu cầu thanh toán, cơ quan tài chính lập lệnh chi thanh toán cho tổ chức cho vay.
Trả nợ trong nước: Đối với thanh toán tín phiếu, trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước bán lẻ: căn cứ yêu cầu thanh toán, Kho bạc Nhà nước thanh toán cho người mua tín phiếu, trái phiếu. Trên cơ sở thực chi theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính lập lệnh chi thanh toán cho Kho bạc Nhà nước; đối với thanh toán tín phiếu, trái phiếu Kho bạc Nhà nước phát hành qua đấu thầu, bảo lãnh: đến kỳ hạn thanh toán, trên cơ sở đề nghị của Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính lập lệnh chi thanh toán trực tiếp cho ngân hàng và các tổ chức làm đại lý hoặc bảo lãnh; đối với các khoản chi trả nợ trong nước khác: Kho bạc Nhà nước thực hiện thanh toán theo lệnh chi của Bộ Tài chính.
– Đối với khoản chi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: Thực hiện chi trả, thanh toán theo quy trình quy định như đối với phương thức chi theo dự toán đối với phần chi thường xuyên và phần chi đầu tư xây dựng cơ bản có quy định riêng.
– Phương thức cấp phát kinh phí uỷ quyền:
Trong trường hợp cơ quan quản lý nhà nước cấp trên uỷ quyền cho cơ quan quản lý cấp dưới thực hiện: áp dụng trong trường hợp nhiệm vụ chi thuộc chức năng của mình thì phải chuyển kinh phí từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới để thực hiện mục tiêu đó. Chuyển bằng hình thức hạn mức kinh phí.
Căn cứ vào dự toán được giao và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chi, cơ quan tài chính xem xét, kiểm tra các nội dung chi, các điều kiện chi. Nếu như các khoản chi đó đảm bảo các điều kiện cấp phát theo quy định của pháp luật thì cơ quan tài chính sẽ ra lệnh chi tiền nhằm yêu cầu Kho bạc Nhà nước phải chi trả, xuất quỹ cho các tổ chức, cá nhân được hưởng ngân sách.
Căn cứ vào lệnh chi tiền do cơ quan tài chính đưa ra, Kho bạc Nhà nước thực hiện việc xuất quỹ và thanh toán cho các đơn vị sử dụng NSNN theo các nội dung ghi trong lệnh chi tiền.
3.3. Phương thức ghi thu, ghi chi
Theo phương thức này, việc thu chi được giao cho đơn vị thực hiện dưới hình thức thu tại chỗ, tại một thời điểm và chi tại chỗ tại một thời điểm, sau đó quyết toán với NSNN; phương thức này áp dụng đối với các đơn vị sử dụng kinh phí có nguồn thu, các dự án đầu tư nước ngoài.
Xem thêm: Chế độ pháp lý về các khoản thu ngân sách nhà nước