1. Sự phân chia pháp luật thành công pháp và tư pháp
Các hệ thống pháp luật thuộc dòng họ Civil law phân chia thành công pháp (Droit public) và tư pháp (Droit prive). Công pháp bao gồm các ngành luật điều chỉnh các quan hệ giữa các cơ quan công quyền với nhau và giữa các cơ quan công quyền với tư nhân. Tư pháp bao gồm các ngành luật điều chỉnh các quan hệ giữa tư nhân với tư nhân. Một số ngành luật được coi là hỗn hợp giữa luật công và luật tự như tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tư pháp quốc tế...
Theo Rene David, ở các nước thuộc hệ thống pháp luật lục địa châu Âu, khoa học pháp lý liên kết các quy phạm pháp luật vào các nhóm lớn là công pháp và tư pháp. Sự phân chia pháp luật thành công pháp và tư pháp dựa trên tư tưởng đã hình thành từ lâu trong các luật gia lục địa châu Âu là những mối quan hệ giữa người cai trị và người bị cai trị đòi hỏi những chế định hoàn toàn khác với các mối quan hệ giữa cá nhân và cá nhân, lợi ích chung và lợi ích riêng không thể cùng đo trên một bàn cân. Các nhà luật học theo trường phái pháp luật tự nhiên của lục địa châu Âu thường cho rằng pháp luật là trật tự của tự nhiên, không phụ thuộc vào nhà nước và cao hơn nhà nước. Trong một thời gian dài, mối quan tâm của các nhà luật học chủ yếu tập trung vào tư pháp vì công pháp thường gắn với quyền lực của hoàng đế. Bàn luận về quyền lực của hoàng đế trong điều kiện chưa có các thiết chế dân chủ cũng không khác gì đùa với hổ. Người La Mã có câu châm ngôn: “Hãy im lặng khi người ta nói về vua và nhà thờ”. Có lẽ vì thế mà thành Rome không có luật hiến pháp và luật hành chính. Còn luật hình sự phát triển được là bởi nó điều chỉnh, trong một mức độ nào đó, mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân (giữa kẻ phạm tội và người bị hại hoặc gia đình người bị hại) và do đó nó không hoàn toàn thuộc lĩnh vực công pháp. Vào thế kỉ XVII, XVIII khi trường phái pháp luật tự nhiên phát triển thì đây cũng là giai đoạn tạo ra khả năng mới để phát triển công pháp. Khi các quyền tự nhiên của con người được tôn trọng, các quyền công dân, quyền con người được thiết lập, quyền lực tối cao của nhà nước không còn thuộc về hoàng đế mà thuộc về nhân dân thì khoa học pháp lý trong lĩnh vực công pháp đã có điều kiện để phát triển. Để hạn chế và kiểm soát quyền lực nhà nước, nhiều tư tưởng pháp luật mới được hình thành như phân chia quyền lực và kiềm chế đối trọng giữa các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp, chủ quyền tối cao của nhà nước thuộc về dân tộc, tất cả quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân, chính quyền hành pháp chịu trách nhiệm trước nghị viện – cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, nguyên thủ quốc gia do dân bầu cử trực tiếp hoặc gián tiếp trong chế độ cộng hòa tổng thống và cộng hoà lưỡng tính, thiết chế thanh tra nghị viện (Ombudsman), thiết chế tòa án hiến pháp, thiết chế đảng cầm quyền và đảng đối lập… Theo quan điểm của các luật gia lục địa châu Âu, chúng ta có thể phân biệt công pháp và tư pháp bằng những nguyên tắc cơ bản và các đặc điểm đặc trưng.
Công pháp có các nguyên tắc cơ bản sau đây:
– Tất cả quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân, chủ quyền tối cao của nhà nước thuộc về nhân dân;
– Đảm bảo sự phân chia quyền lực và kiềm chế đối trọng giữa các nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước;
– Đảm bảo cho các cơ quan tư pháp độc lập với cơ quan lập pháp và hành pháp;
– Đảm bảo các quyền công dân và quyền con người được tôn trọng, thực hiện;
– Xây dựng nhà nước pháp quyền (L’Etat de Droit). Tư pháp có các nguyên tắc cơ bản sau đây:
– Nguyên tắc tự do thỏa thuận ý chí của các bên tham gia quan hệ pháp luật;
– Nguyên tắc bình đẳng của các chủ thể trong việc thể hiện ý chí và thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý;
– Nguyên tắc thiện chí, trung thực (good faith, bonne foi) trong việc xác lập và thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý;
– Nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp của cộng đồng;
– Nguyên tắc không xâm phạm lợi ích hợp pháp của các chủ thể pháp luật khác.
Công pháp có các đặc điểm cơ bản sau đây:
– Mục đích của công pháp là bảo vệ lợi ích công;
– Quy phạm công pháp mang tính tổng quát cao;
– Phương pháp điều chỉnh đặc trưng của công pháp là phương pháp mệnh lệnh;
Công pháp thường thể hiện tính bất bình đẳng giữa các chủ thể pháp luật, trong đó các cơ quan nhà nước (hoặc người có thẩm quyền) thường ra các quyết định mang tính mệnh lệnh và bên chủ thể khác phải thi hành.
Tư pháp có các đặc điểm cơ bản sau đây:
– Các quy định của tư pháp hướng tới việc bảo vệ lợi ích tư nhân;
– Các quy phạm của tư pháp thường rất cụ thể, chi tiết:
– Phương pháp điều chỉnh đặc trưng của tư pháp là tự do thỏa thuận ý chí của các bên tham gia quan hệ pháp luật;
– Các quan hệ pháp luật tư pháp thể hiện sự bình đẳng của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật.
2. Các chế định pháp luật đặc thù
2.1. Chế định luật nghĩa vụ (Droit des obligations)
Chế định luật nghĩa vụ là chế định đặc thù của các hệ thống pháp luật thuộc dòng họ Civil law vì trong các hệ thống pháp luật khác không có khái niệm này. Tuy nhiên, xét về nội dung chế định luật nghĩa vụ tương đương với chế định hợp đồng và trách nhiệm pháp lý ngoài hợp đồng trong hệ thống pháp luật XHCN. Theo Điều 1101 Bộ luật dân sự Napoleon, hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó một hoặc nhiều người cam kết với một hoặc nhiều người khác về việc chuyển giao vật, làm hoặc không làm công việc nào đó.
Hợp đồng chỉ có hiệu lực khi thỏa mãn 4 điều kiện chủ yếu sau đây:
– Các bên giao kết hoàn toàn tự nguyện;
– Các bên giao kết có năng lực giao kết hợp đồng;
– Đối tượng của hợp đồng phải xác định;
– Căn cứ của hợp đồng phải hợp pháp (Điều 1108 Bộ luật dân sự Napoleon).
Trong bộ luật dân sự Napoleon, hợp đồng được chia làm 8 loại dựa trên những căn cứ khác nhau: hợp đồng song vụ (Điều 1102) và hợp đồng đơn vụ (Điều 1103); hợp đồng ngang giá (Điều 1104) và hợp đồng không ngang giá (Điều 1104); hợp đồng không có đền bù (Điều 1105) và hợp đồng có đền bù (Điều 1106); hợp đồng có tên và hợp đồng không có tên (khoản 1 Điều 1107). Theo quy định của các điều luật trên đây các luật gia lục địa châu Âu phân biệt các loại hợp đồng như sau:
* Hợp đồng song vụ là hợp đồng làm phát sinh nghĩa vụ qua lại giữa các bên giao kết (Ví dụ, hợp đồng mua bán tài sản).
* Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà theo đó chỉ có một hay nhiều chủ thể này có nghĩa vụ, còn một hay nhiều chủ thể kia chỉ có quyền (Ví dụ, hợp đồng tặng cho tài sản).
* Hợp đồng ngang giá là hợp đồng mà phần nghĩa vụ của bên này được xác định một cách chắc chắn khi giao kết là tương đương với phần nghĩa vụ của bên kia (Ví dụ, hợp đồng mua bán tài sản đã định giá từ trước).
* Hợp đồng không ngang giá là hợp đồng mà các bên không biết được trước giá trị của tài sản mình được nhận hoặc công việc mà bên kia sẽ làm cho mình có tương đương với tài sản mà mình chuyển giao hoặc công việc mà mình làm cho bên kia hay không. Trong hợp đồng không ngang giá, các bên trong khi giao kết không biết một cách chắc chắn nghĩa vụ mà mình thực hiện có tương đương với nghĩa vụ của bên kia hay không vì còn có yếu tố may rủi trong tương lai. (Ví dụ, hợp đồng mua bán tài sản là đồn điền cà phê trong đó có tính đến giá trị thu nhập của hạt cà phê ước lượng theo thời giá hiện tại). Trong hợp đồng không ngang giá nếu có một bên chịu thiệt thòi thì đó không phải là căn cứ để yêu cầu huỷ hợp đồng.
* Hợp đồng không có đền bù là hợp đồng mà một bên thực | hiện cho bên kia một lợi ích mà không nhận lại từ bên kia một lợi ích nào cả (Ví dụ, hợp đồng tặng cho không kèm theo bất kì điều kiện nào).
* Hợp đồng có đền bù là hợp đồng trong đó mỗi bên sau khi thực hiện cho bên kia một lợi ích sẽ nhận được từ phía bên kia một lợi ích tương ứng. (Ví dụ, hợp đồng tặng cho tài sản kèm theo điều kiện người được tặng cho tài sản phải thực hiện một nghĩa vụ nào đó).
* Hợp đồng có tên là loại hợp đồng có hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với mỗi loại (Ví dụ, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng cho thuê tài sản).
* Hợp đồng không có tên là hợp đồng không được pháp luật đặt rõ tên là hợp đồng gì. Đây là trường hợp cần phải áp dụng pháp luật tương tự.
Việc phân loại hợp đồng trong Bộ luật dân sự Napoleon khác với sự phân loại hợp đồng trong Bộ luật dân sự Việt Nam. Điều 402 Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2015 chỉ phân chia thành 6 loại hợp đồng chính là: hợp đồng song vụ, hợp đồng đơn vụ, hợp đồng chính, hợp đồng phụ, hợp đồng có điều kiện và hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. – Ngoài cách phân chia hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự, người ta còn có thể phân chia theo quan điểm khoa học. Theo nhà luật học Pháp Corinne Renault-Brahinsky’ trên quan điểm khoa học dòng họ Civil law phân biệt các loại hợp đồng sau đây:
* Hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm thoả thuận và hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm thoả thuận.
– Hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm thỏa thuận là hợp đồng mà chỉ cần sự thoả thuận của các bên là có thể thực hiện được. Ví dụ, hợp đồng mua bán tài sản.
– Hợp đồng chưa có hiệu lực từ thời điểm thỏa thuận là loại hợp đồng mà sự thoả thuận của các bên chưa đủ điều kiện để phát sinh hiệu lực. Loại hợp đồng này có thể chia thành 2 nhóm:
– Nhóm thứ nhất là các hợp đồng chỉ có hiệu lực khi các bên phải tuân thủ những thủ tục chặt chẽ được quy định từ trước. Nếu các bên không tuân thủ các thủ tục đó thì hợp đồng sẽ vô hiệu. Đặc trưng nhất cho nhóm hợp đồng này là hợp đồng mua bán nhà và đất đai.
– Nhóm thứ hai là các hợp đồng thực tế: Đây là nhóm hợp đồng có hiệu lực vào thời điểm các bên chuyển giao cho nhau trên thực tế đối tượng của hợp đồng như hợp đồng cho vay tiền hoặc các tài sản khác, hợp đồng gửi giữ tài sản, hợp đồng cầm cố tài sản.
* Hợp đồng thực hiện ngay và hợp đồng thực hiện theo định kỳ
– Hợp đồng thực hiện ngay là loại hợp đồng làm phát sinh các nghĩa vụ được thực hiện ngay tức thì. Ví dụ, mua bán tài sản.
– Hợp đồng thực hiện theo định kỳ là hợp đồng mà việc thực
hiện được tiến hành trong thời gian nối tiếp nhau kéo dài. Ví dụ, hợp đồng lao động, hợp đồng thuê nhà… Loại hợp đồng này được phân thành hai nhóm là hợp đồng có thời hạn và hợp đồng vô thời hạn. Trong hợp đồng có thời hạn, các bên tham gia hợp đồng biết trước thời điểm chấm dứt hợp đồng. Trong hợp đồng vô thời hạn, thời hạn chấm dứt hợp đồng không được xác định, các bên được đơn phương chấm dứt hợp đồng vào bất kì thời điểm nào.
Đối với loại hợp đồng thực hiện ngay, khi hợp đồng bị tuyên bố là vô hiệu hay bị huỷ bỏ thì việc này làm phát sinh hiệu lực hồi tố, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã trao nhận hoặc thiết lập lại tình trạng ban đầu trước khi giao kết hợp đồng. Đối với hợp đồng thực hiện theo định kỳ trong trường hợp nói trên sẽ không phát sinh hiệu lực hồi tố.
* Hợp đồng cá thể và hợp đồng tập thể
– Hợp đồng có thể là hợp đồng do các cá nhân hay pháp nhân đơn lẻ giao kết với nhau và chỉ có hiệu lực áp dụng đối với các bên giao kết đó.
– Hợp đồng tập thể là hợp đồng được giao kết giữa một nhóm cá nhân hay tổ chức, có hiệu lực đối với tất cả các thành viên trong nhóm, cho dù từng thành viên trong nhóm không phải là chủ thể trực tiếp giao kết hợp đồng. Ví dụ, thoả ước lao động tập thể.
* Hợp đồng chủ thể đơn và hợp đồng chủ thể kép
– Hợp đồng chủ thể đơn khi mỗi bên chủ thể chỉ bao gồm một cá nhân hay tổ chức duy nhất.
– Hợp đồng chủ thể kép khi mỗi bên chủ thể bao gồm một nhóm cá nhân hay tổ chức.
Về hiệu lực của hợp đồng, Điều 1134 Bộ luật dân sự Napoleon quy định: “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có giá trị là luật đối với các bên giao kết. Hợp đồng chỉ có thể bị huỷ bỏ trên cơ sở có thỏa thuận chung hoặc theo những căn cứ do pháp luật quy định. Hợp đồng phải thực hiện một cách có thiện chí” (Elles doivent être exécutées de bonne foi). Các bên giao kết hợp đồng không chỉ phải thực hiện những nghĩa vụ được nêu trong hợp đồng mà còn phải thực cả những nghĩa vụ theo yêu cầu của nguyên tắc công bằng, theo tập quán hay theo quy định của pháp luật.
Không chỉ riêng Bộ luật dân sự Napoleon mà các bộ luật dân sự khác của các nước lục địa châu Âu đều quy định rõ những biện pháp để đảm bảo thực hiện hợp đồng như cầm cố, đặt cọc, tiền phạt, bảo lãnh… Người có nghĩa vụ sẽ phải bồi thường thiệt hại xảy ra do không thực hiện nghĩa vụ hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ, trừ trường hợp chứng minh được rằng việc không thực hiện nghĩa vụ đó là do nguyên nhân khách quan và hoàn toàn ngay tình. ..
Khác với dòng họ pháp luật XHCN, nơi mà hợp đồng chỉ được coi là chế định của luật dân sự và thương mại, trong dòng họ Civil law còn có khái niệm hợp đồng hành chính. Hợp đồng hành chính có một số đặc điểm khác với hợp đồng dân sự và thương mại. Hợp đồng dân sự và thương mại thường hướng đến lợi ích từ còn hợp đồng hành chính hướng tới lợi ích công. Trong hợp đồng dân sự và thương mại, các chủ thể là tư nhân, còn trong hợp đồng hành chính thì một trong các bên tham gia hợp đồng phải là pháp nhân công quyền. Trong hợp đồng dân sự và thương mại các chủ thể hoàn toàn bình đẳng với nhau, còn trong hợp đồng hành chính các bên không nhất thiết phải hoàn toàn bình đẳng. Hợp đồng dân sự và thương mại thuộc lĩnh vực điều chỉnh của luật tư còn hợp đồng hành chính thuộc lĩnh vực điều chỉnh của luật công.
Cũng như các hệ thống pháp luật khác, trong dòng họ Civil law nghĩa vụ không những phát sinh từ hợp đồng mà còn phát sinh ngoài hợp đồng. Trong luật dân sự Pháp, nghĩa vụ có thể phát sinh từ các hành vi tương tự hợp đồng (quasi- contrat). Khái niệm quasi- contrat (tương tự hợp đồng) được hiểu là hành vi hợp pháp, tự nguyện và có thiện chí (bonne foi, good faith) làm phát sinh nghĩa vụ mặc dù không có sự thỏa thuận nào như quản lý công việc của người khác khi không có uỷ quyền. Nghĩa vụ cũng có thể phát sinh từ hành vi phạm tội hoặc gần như phạm tội (quasi-delit). Khái niệm nghĩa vụ phát sinh từ hành vi quasi-delit (gần như phạm tội) được hiểu là nghĩa vụ phát sinh từ các hành vi không có ý định gây thiệt hại nhưng đã gây thiệt hại cho người khác nên phải bồi thường thiệt hại.
Có thể nói chế định luật nghĩa vụ là chế định đặc thù và rất phát triển của hệ thống pháp luật lục địa châu Âu bởi tính khoa học và tính chặt chẽ của nó.
2.2. Chế định pháp nhân (Personne morale)
Chế định pháp nhân là sản phẩm sáng tạo của các luật gia La Mã cổ đại, cội nguồn của hệ thống pháp luật lục địa châu Âu.
Pháp nhân là thực thể trừu tượng được tạo nên từ sự tập hợp của nhiều thể nhân và được giao năng lực pháp luật theo ý chí của các thể nhân thành viên. Đương nhiên, mỗi thành viên của pháp nhân vẫn là thể nhân nhưng sự tập hợp của nhiều thể nhân trong một tổ chức đã tạo nên một chủ thể pháp luật mới. Năng lực pháp luật của pháp nhân hoàn toàn độc lập với năng lực pháp luật của các thể nhân tạo ra nó. Nếu có 4 thể nhân liên kết lại với nhau để thành lập một công ti thì sau khi thành lập sẽ có 5 chủ thể pháp luật (4 chủ thể là thể nhân và 1 chủ thể là pháp nhân). Tuy nhiên, không phải tập hợp thể nhân nào cũng tạo thành pháp nhân, ví dụ, theo pháp luật Pháp thì gia đình không phải là pháp nhân. Theo quan điểm của các luật gia lục địa châu Âu việc hình thành pháp nhân có hai lợi ích cơ bản là làm đơn giản hoá đời sống pháp luật và làm cho đời sống pháp luật được ổn định lâu dài. Thật vậy, nếu không có pháp nhân thì một người đi mua một chiếc xe hơi sẽ phải giao kết hợp đồng với hàng ngàn cổ đông đóng góp vốn trong công ti có xe bán. Một thể nhận thông thường chỉ có thể sống chưa đến trăm tuổi nhưng pháp nhân có thể tồn tại nhiều thế kỷ. Do dòng họ Civil law phân chia thành công pháp và tư pháp nên pháp nhân cũng được phân chia thành pháp nhân công pháp (personne morale de droit public) và pháp nhân tư pháp (personne morale de droit privé).
Ở Pháp, có 7 loại pháp nhân công pháp: Nhà nước, chính quyền vùng, chính quyền tỉnh, chính quyền lãnh thổ hải ngoại, chính quyền xã, các đơn vị hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp công. Việc phân biệt các pháp nhân công quyền dựa trên tiêu chí lãnh thổ không gặp mấy khó khăn vì chúng ta có thể dễ dàng phân biệt tỉnh với xã hay nhà nước với vùng. Tuy nhiên, đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp công việc phân biệt không phải là đơn giản. Đơn vị hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp công rất đa dạng. Nói chung, có thể gọi là các đơn vị hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp công là các pháp nhân công quyền có nhiệm vụ đặc biệt không phải là thỏa mãn những nhu cầu riêng của một địa phương nhất định mà là đáp ứng một số lợi ích chung đặc thù như các trường đại học, các viện nghiên cứu, các học viện công nghệ, Tổng công ty điện lực Pháp, các bệnh viện công, Viện hàn lâm Pháp, Công ty đường sắt quốc gia Pháp.
Các pháp nhân tư pháp bao gồm:
– Các công ty dân sự và thương mại (sociétés civiles et sociétés commerciales) – đó là các tổ chức trong đó các thành viên góp chung vốn, hoạt động kinh doanh vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Hoạt động của các công ty này được điều chỉnh bằng luật dân sự và thương mại. Các công ti dân sự như công ty mở trường học tư, công ty luật, các công ty thương mại như công ti vô danh, công ty hợp danh, công ty cổ phần.
– Các hiệp hội (associations) – là các tổ chức hoạt động vì một mục đích khác ngoài mục đích kiếm lời (Điều 1 Luật năm 1901). Các hiệp hội còn được gọi là các tổ chức phi lợi nhuận vì các thành viên gia nhập không vì mục đích thu lợi nhuận. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng các hiệp hội không bị cấm kinh doanh kiếm lời mà chỉ bị cấm phân chia lợi nhuận thu được cho các thành viên.
Có nhiều loại hiệp hội: các hiệp hội không đăng ký thành lập (không có năng lực pháp luật), các hiệp hội đăng ký thành lập và hoạt động công khai (có năng lực pháp luật hạn chế) và các hiệp hội được công nhận là hiệp hội công ích (được các cơ quan công quyền dành cho ưu đãi đặc biệt).
– Các tổ chức nghiệp đoàn (Associations professionelles, syndycats professionnels) – là các tổ chức cũng giống như các hiệp hội không vì mục đích lợi nhuận. Khác với các hiệp hội, các nghiệp đoàn bảo vệ những lợi ích nghề nghiệp của các thành viên (công nhân, nông dân, kỹ sư, cán bộ…) đặc biệt là các lợi ích kinh tế như lương bổng, tiền thưởng, chế độ nghỉ hưu, các khoản đóng góp…
– Các quỹ (Fondations). Khác với các tổ chức nói trên các quỹ không phải là sự tập hợp các thể nhân mà là một công cụ pháp lý nhằm quyên góp các tài sản dành để phục vụ cho một mục đích nhất định như cứu tế, nhân đạo, văn hoá, khoa học, khuyến học, trợ giúp người nghèo… Ở Pháp có các quỹ như Quỹ giường bệnh,
Quỹ chữ thập đỏ, Quỹ giải thưởng văn học Goncourt…
3. Quy phạm pháp luật
Theo Rene David, sự khác biệt hay đồng nhất của cấu trúc pháp luật cũng cần được xem xét từ góc độ khác: nên hiểu quy phạm pháp luật như thế nào, ý nghĩa, bản chất, đặc thù của nó. Khía cạnh này sẽ làm nổi bật một trong những yếu tố quan trọng nhất của sự thống nhất của hệ thống pháp luật.”
Ở các nước lục địa châu Âu, các luật gia có quan điểm khá giống nhau về quy phạm pháp luật. Quy phạm pháp luật được hiểu là quy tắc xử sự có tính chất chung và có ý nghĩa rộng hơn áp dụng vào một vụ việc cụ thể nào đó. Các nhà luật học lục địa châu Âu cho rằng tuyển tập thực tiễn xét xử của tòa án và các hình thức của đơn từ có thể là công cụ hữu ích cho các nhà thực hành, chúng cũng cần thiết cho các nhà luật học trên phương diện như dữ liệu ban đầu cho công việc của họ nhưng chúng không có sự bao quát của khoa học pháp lý. Nhiệm vụ của các nhà luật học là rút ra từ khối hỗn loạn đó những quy phạm, nguyên tắc, đưa việc giải quyết vấn đề tránh khỏi những yếu tố ngẫu nhiên và đưa ra cho các nhà thực hành sự hướng dẫn chung đối với việc giải quyết vụ việc cụ thể.” Quy phạm pháp luật không phải và không thể do thẩm phán tạo ra, nó là sản phẩm của tư duy dựa trên nghiên cứu thực tiễn và những suy nghĩ về công lý, đạo đức, chính trị và sự hài hoà của những quan hệ xã hội. Khái niệm quy phạm pháp luật trên đây ở các nước lục địa châu Âu là cơ sở của việc phát triển pháp điển hóa pháp luật vì lý do dễ hiểu là nếu quan niệm quy phạm pháp luật là mỗi quyết định của toà án đưa ra theo từng vụ việc cụ thể được coi là án lệ thì khó có thể xây dựng thành các bộ luật. Nhiệm vụ của các bộ luật là đưa ra những quy tắc chung và liên kết chúng thành hệ thống, bao quát được các quan hệ xã hội trong những lĩnh vực nhất định. Những bộ luật như vậy phải dễ hiểu, dễ áp dụng để các thẩm phán và công dân có thể bỏ ra ít công sức nhất nhưng có thể giải quyết được các vấn đề mà thực tiễn đòi hỏi. Quy phạm pháp luật trong dòng họ Civil law là một cái gì đó trung gian giữa việc giải quyết tranh chấp- áp dụng cụ thể của quy phạm và những nguyên tắc chung của pháp luật. Nghệ thuật của luật gia nằm ở kĩ năng tìm kiếm và thiết lập theo trạng thái cân bằng trên. Quy phạm pháp luật không được chung chung qua, trong trường hợp đó chúng sẽ không còn tin cậy cho thực tế nữa. Đồng thời, chúng cũng cần được khái quát hoá đến mức độ cần thiết để điều chỉnh những dạng quan hệ nhất định chứ không phải chỉ để áp dụng vào tình huống cụ thể như quyết định của toà án.” Theo Rene David cũng như nhiều nhà luật học so sánh khác, các nước lục địa châu Âu phải trải qua nhiều kinh nghiệm pháp điển hoá mới tìm ra được giải pháp tối ưu. Bộ luật ruộng đất của Phổ năm 1794 và Bộ luật của Nga năm 1832 đều là những bộ luật có cách tiếp cận vấn đề quá cụ thể. Các bộ luật của Napoleon đầu thế kỉ XIX là những bộ luật giữ được trạng thái cân bằng và là mô hình được nhiều nước noi theo. Hiện nay, mức độ khái quát tối ưu được coi là mô hình phổ biến của các nước lục địa châu Âu, trừ những nước Bắc Âu là những nước còn nặng về xu hướng cụ thể hoá.
Do quy phạm pháp luật có tính khái quát cao nên quy phạm pháp luật không phải chỉ áp dụng trong một trường hợp mà có thể áp dụng cho nhiều trường hợp khác nhau, do đó nảy sinh nhu cầu giải thích pháp luật của các thẩm phán. Ở các nước theo hệ thống pháp luật Anh – Mỹ, quy phạm pháp luật được xây dựng theo xu hướng thật cụ thể và chính xác, trong khi đó các nước lục địa châu Âu thì cho rằng quy phạm pháp luật phải để khoảng trống cho thẩm phán, không nên quy định quá chi tiết vì nhà lập pháp không thể nào lường hết trước sự đa dạng của các vụ việc trong thực tiễn.