Lập quỹ trái phép là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã dùng chức vụ, quyền hạn để lập quỹ trái với quy định của Nhà nước và đã sử dụng quỹ đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
1. Căn cứ pháp lý
Tội lập quỹ trái phép được quy định tại Điều 205 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể:
Điều 205. Tội lập quỹ trái phép
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập quỹ trái quy định của pháp luật và đã sử dụng quỹ đó gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Dùng thủ đoạn xảo quyệt để trốn tránh việc kiểm soát;
b) Để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác;
c) Gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước từ 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
2. Cấu thành tội phạm của tội lập quỹ trái phép
2.1. Mặt khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của Nhà nước về lập ra cá loại quỹ.
Đối tượng tác động của tội phạm này là tiền hoặc tài sản mà người phạm tội dùng vào việc lập quỹ trái phép.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
– Hành vi khách quan: Người phạm tội lập quỹ trái phép cũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhưng là để lập quỹ trái phép chứ không phải là trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế một cách chung chung. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để lập quỹ trái phép.
Lập quỹ trái phép là lập ra một quỹ, còn gọi là quỹ “đen” trái với quy định của Nhà nước về việc lập quỹ trong các cơ quan, tổ chức. Ví dụ: Dùng tiền ngân sách hoặc các khoản thu khác lập ra quỹ ngoài sự kiểm soát của Nhà nước để chi tiêu riêng cho cơ quan, tổ chức mình.
Sử dụng quỹ đó gây hậu quả nghiêm trọng là lấy tiền hoặc tài sản trong quỹ mà trước đó người phạm tội đã lập trái phép chi tiêu hoặc dùng vào những việc mà cơ quan, tổ chức có nhu cầu.Việc sử dụng quỹ vào những mục đích khác nhau, không phân biệt mục đích của việc sử dụng đó là bất hợp pháp hay hợp pháp, thậm chí sử dụng vào việc từ thiện.Tuy nhiên, việc sử dụng tiền đó phải gây hậu quả nghiêm trọng (xem hậu quả của tội phạm). Nếu mới lập quỹ trái phép nhưng chưa sử dụng quỹ đó thì hành vi lập quỹ trái phép chưa cấu thành tội phạm dù số lượng tiền quỹ trái phép đó là bao nhiêu.
– Hậu quả:
Đối với tội lập quỹ trái phép, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhwung hậu quả phải là nghiêm trọng, nếu hậu quả chưa nghiêm trọng thì người phạm tội phải là người dã bị xử lý kỉ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì mới cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, hậu quả nghiêm trọng là hậu quả do hành vi sử dụng quỹ, chứ không phải là hành vi lập quỹ trái phép. Đây cũng là đặc điểm riêng của tội phạm này mà các tội phạm khác không có.
Hậu quả nghiêm trọng do hành vi sử dụng tiền hoặc tài sản trong quỹ tái phép gây ra là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản hoặc những thiệt hại khác cho xã hội.
– Các dấu hiệu khách quan khác của tội phạm: Ngoài hành vi khách quan, hậu quả, đối với tội lập quỹ trái phép, nhà làm luật còn quy định dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, đó là: Giá trị quỹ trái phép phải từ 50.000.000 đồng trở lên, thì mới cấu thành tội lập quỹ trái phép.
2.3. Mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của người phạm tội lập quỹ trái phép là do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là trái phép, biết rõ hành vi sử dụng quỹ đó là gây hậu quả nghiêm trọng, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc hậu quả xảy ra.
Động cơ, mục đích của người phạm tội này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.Tuy nhiên, người phạm tội lập quỹ trái phép thường vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
2.4. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này cũng tương tự như chủ thể của tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (xem các dấu hiệu về chủ thể của tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng).
Nếu hành vi lập quỹ trái phép chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người phạm tội phải là người đã bị xử lý kỉ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tội phạm này chỉ áp dụng đối với người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – chính trị và các tổ chức khác, không áp dụng đối với những người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc các tổ chức có tính chất tư nhân khác.
Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự
Một người có thể bị khởi tố về hành vi lập quỹ trái phép khi có căn cứ chứng minh người đó lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập quỹ trái quy định của pháp luật và đã sử dụng quỹ đó gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.