Cấu thành hệ thống pháp luật

0 5.274

Cấu thành hệ thống pháp luật bao gồm: Hệ thống pháp luật quốc gia, hệ thống pháp luật của nhóm quốc gia, hệ thống pháp luật quốc tế.


1. Hệ thống pháp luật quốc gia

1.1. Hệ thống quy phạm pháp luật

Hệ thống quy phạm pháp luật (còn gọi là hệ thống cấu trúc của pháp luật) là tổng thể các quy định của pháp luật có sự liên kết gắn bó nội tại với nhau trong một chỉnh thể thống nhất, được phân định thành các bộ phận như quy phạm pháp luật, chế định pháp luật, ngành luật…

Hệ thống quy phạm pháp luật gồm các thành tố cơ bản là quy phạm pháp luật, chế định pháp luật, ngành luật ngoài ra còn có các thành tố khác như phân ngành luật, tổ hợp các ngành luật.

1.1.1. Quy phạm pháp luật

Quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc, được áp dụng nhiều lần đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành và được nhà nước bảo đảm thực hiện.

Quy phạm pháp luật là tế bào nhỏ nhất tạo nên hệ thống pháp luật. Quy phạm pháp luật thông thường được cấu tạo từ ba bộ phận là giả định, quy định, chế tài.

1.1.2. Chế định pháp luật

Chế định pháp luật là tập hợp gồm một nhóm các quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm các quan hệ xã hội có liên quan mật thiết với nhau. Chế định pháp luật có thể bao gồm một nhóm các quy phạm pháp luật trong cùng ngành luật (ví dụ: chế định công dân trong ngành luật hiến pháp, chế định tội phạm trong ngành luật hình sự…). Bên cạnh đó cũng có những chế định liên ngành, có liên quan đến nhiều ngành luật (ví dụ: chế định hợp đồng liên quan đến ngành luật dân sự, luật thương mại, luật lao động…).

Hình minh họa. Cấu thành hệ thống pháp luật

1.1.3. Ngành luật

Ngành luật là tập hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội có chung tính chất thuộc một lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội bằng những phương pháp nhất định. Mỗi ngành luật có đối tượng điều chỉnh và sử dụng những phương pháp điều chỉnh riêng. Số lượng các quan hệ xã hội trong đối tượng điều chỉnh của một ngành luật có thể thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử phụ thuộc vào ý chí của nhà nước và các điều kiện chính trị, xã hội khác. Cùng với sự phát triển và đa dạng của các quan hệ xã hội hiện nay, giữa các quan hệ xã hội ngày càng phát sinh những mối liên hệ mới, do vậy, trong thực tiễn đang hình thành những nhóm quy phạm pháp luật có tính liên ngành như Luật Môi trường, Luật Kinh tế…

1.1.4. Tổ hợp các ngành luật

– Công pháp bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước, những quan hệ liên quan đến việc bảo vệ lợi ích xã hội (lợi ích công) với phương pháp điều chỉnh đặc trưng mang tính mệnh lệnh đơn phương thể hiện mối quan hệ quyền lực – phục tùng. Công pháp bao gồm một số ngành luật đặc trưng như Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Hình sự…

– Tư pháp bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội giữa tư nhân với tư nhân, liên quan tới bảo vệ lợi ích riêng của từng cá nhân với các phương pháp điều chỉnh đặc trưng là thỏa thuận, bình đẳng, tự do ý chí, tự do định đoạt… Tư pháp bao gồm các ngành luật đặc trưng như Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình…

– Luật nội dung (luật vật chất) gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh, bảo vệ các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Đây là nền tảng của hệ thống quy phạm pháp luật, thường xác định quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của các tổ chức và cá nhân cũng như điều kiện thực hiện chúng. Luật nội dung thường bao gồm các quy phạm pháp luật hiến pháp, hành chính, dân sự, hình sự…

– Luật hình thức (luật thủ tục) gồm các quy phạm pháp luật xác định cơ chế, trình tự, quy trình, thủ tục để thực hiện các quy phạm pháp luật nội dung. Luật hình thức thường gồm các quy phạm pháp luật tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng hành chính…

1.2. Hệ thống nguồn pháp luật

Hệ thống nguồn pháp luật là tập hợp tất cả các nguồn pháp luật mà quan trọng hơn cả là các loại văn bản quy phạm pháp luật, có mối quan hệ mật thiết với nhau, được sắp xếp một cách thống nhất, phù hợp với nhau vừa theo tính chất của các quan hệ xã hội mà chúng điều chỉnh vừa theo trật tự thang bậc hiệu lực pháp luật.

Giữa các nguồn pháp luật luôn có mối liên hệ ràng buộc theo cả chiều ngang và chiều dọc, nhất là các văn bản cùng quy định về một vấn đề không được phép chồng chéo, mâu thuẫn với nhau. Mối quan hệ giữa hệ thống quy phạm pháp luật và hệ thống nguồn pháp luật là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức. Mặc dù có sự liên hệ chặt chẽ nhưng không thể đồng nhất với nhau bởi xem xét hệ thống quy phạm pháp luật là xem xét cấu trúc bên trong còn xem xét hệ thống nguồn pháp luật là xem xét trật tự của các nguồn pháp luật và mối liên hệ giữa các yếu tố bên trong của chúng. Hệ thống quy phạm pháp luật mang tính khách quan còn hệ thống nguồn pháp luật mang tính chủ quan phụ thuộc vào ý chí của chủ thể ban hành pháp luật. Bên cạnh đó, hệ thống nguồn pháp luật ngoài việc chứa đựng các quy phạm pháp luật còn có thể chứa những nội dung không phải quy phạm pháp luật như lời nói đầu, các nguyên tắc pháp luật… Mặt khác, cấu tạo của hệ thống quy phạm pháp luật cũng không đồng nhất với cấu tạo của hệ thống nguồn pháp luật…


2. Hệ thống pháp luật của nhóm quốc gia

Hệ thống pháp luật của nhóm quốc gia là tập hợp pháp luật của một nhóm quốc gia có những điểm đặc thù giống nhau về lịch sử hình thành, phát triển, về nguồn pháp luật, về các thiết chế thực thi, bảo vệ pháp luật… Việc phân chia hệ thống pháp luật của các nhóm quốc gia trên thế giới còn nhiều tranh cãi và cũng chỉ mang tính tương đối. Thông thường pháp luật của các quốc gia trên thế giới thường được phân chia thành những hệ thống chính như: hệ thống pháp luật châu Âu lục địa (Civil Law); Hệ thống pháp luật Anh Mỹ (Common Law); hệ thống pháp luật Hồi giáo (Islamic Law); hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa…


3. Hệ thống pháp luật quốc tế

Hệ thống pháp luật quốc tế dùng để chỉ tập hợp cấu trúc và sự gắn kết giữa các yếu tố của pháp luật quốc tế, gồm những quy định pháp luật hình thành trong quá trình ký kết và thỏa thuận giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các chủ thể khác để điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia với nhau, giữa các quốc gia với các tổ chức quốc tế. Hiện nay, quá trình hội nhập và toàn cầu hóa đòi hỏi tất cả các quốc gia khi xây dựng và thực hiện pháp luật phải bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế.

4.8/5 - (97 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.

ZaloFacebookMailMap