Cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp
Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp được quy định chi tiết tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017; Nghị định 79/2018/NĐ-CP; Thông tư 16/2018/TT-BCA; Thông tư 17/2018/TT-BCA; Thông tư 18/2018/TT-BCA; Thông tư 193/2010/TT-BTC (được thay thế bởi Thông tư 218/2016/TT-BTC). Sau đây, LawFirm.Vn sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý sau:
1. Một số khái niệm
– Khoản 7, Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 nêu rõ: Vật liệu nổ là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ, bao gồm:
+ Thuốc nổ là hóa chất hoặc hỗn hợp chất được sản xuất, sử dụng nhằm tạo ra phản ứng nổ dưới tác động của xung kích thích;
+ Phụ kiện nổ là kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm, mồi nổ, vật phẩm chứa thuốc nổ có tác dụng tạo xung kích thích ban đầu làm nổ khối thuốc nổ hoặc thiết bị chuyên dùng có chứa thuốc nổ.
– Cũng theo Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, tại Khoản 9 nêu rõ: Vật liệu nổ công nghiệp là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích kinh tế, dân sự.
– Ngoài ra tại Khoản 1, Điều 1 Thông tư 04/2014/ TT-BCA Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2010/TT-BCA ngày 11/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và hàng nguy hiểm
“3. Vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp là hoạt động vận chuyển các sản phẩm, nguyên liệu được quy định tại Khoản 1 Điều này từ địa điểm này đến địa điểm khác.”
2. Điều kiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp
– Theo quy định tại Khoản 1, Điều 44 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, tổ chức, doanh nghiệp vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp phải bảo đảm đủ điều kiện sau đây:
+ Tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh hoặc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; doanh nghiệp có đăng ký ngành, nghề vận chuyển hàng hóa;
+ Phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp phải đủ điều kiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; bảo đảm điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy;
+ Người quản lý, người điều khiển phương tiện, áp tải và người phục vụ có liên quan đến vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy;
+ Có Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp; biểu trưng báo hiệu phương tiện đang vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.
– Ngoài ra, tại Khoản 2, Điều 44 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 người thực hiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp phải tuân theo quy định sau:
+ Thực hiện đúng nội dung ghi trong Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;
+ Kiểm tra tình trạng hàng hóa trước khi xuất phát hoặc sau mỗi lần phương tiện dừng, đỗ và khắc phục ngay sự cố xảy ra;
+ Có phương án vận chuyển bảo đảm an toàn, phòng cháy và chữa cháy; có biện pháp ứng phó sự cố khẩn cấp;
+ Thực hiện đầy đủ thủ tục giao, nhận về hàng hóa, tài liệu liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp;
+ Không dừng, đỗ phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp ở nơi đông người, khu vực dân cư, gần trạm xăng dầu, nơi có công trình quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, ngoại giao; không vận chuyển khi thời tiết bất thường. Trường hợp cần nghỉ qua đêm hoặc do sự cố phải thông báo ngay cho cơ quan quân sự, cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp bảo vệ;
+ Không được chở vật liệu nổ công nghiệp và người trên cùng một phương tiện, trừ người có trách nhiệm trong việc vận chuyển.
3. Một số lưu ý về thủ tục cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp
– Theo quy định tại Khoản 7, Điều 44 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017: Trường hợp vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp bằng nhiều phương tiện trong cùng một chuyến thì chỉ cấp 01 Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp; nếu vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện giao thông thì phải cấp riêng cho mỗi loại phương tiện 01 Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.
– Cũng theo Điều 44 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, tại Khoản 8 nêu rõ: Trường hợp vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp bên trong ranh giới mỏ, công trường hoặc cơ sở sản xuất, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp trên các đường không giao cắt với đường thủy, đường bộ công cộng thì không phải xin cấp giấy phép, nhưng phải thực hiện đúng quy định tại các điểm b, c, d và e khoản 2 Điều này.
– Ngoài ra, tại Khoản 9, Điều 44 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 còn quy định: Khi có yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong các hoạt động cấp quốc gia hoặc ở khu vực có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an ninh, trật tự thì cơ quan có thẩm quyền quyết định tạm ngừng cấp giấy phép hoặc tạm ngừng hiệu lực thi hành của Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.
– Bên cạnh đó, Khoản 10, Điều 44 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017: Việc cấp, điều chỉnh, thu hồi và tạm ngừng cấp mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
4. Trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
– Khoản 1, Điều 45 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định: Tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp có trách nhiệm sau đây:
+ Có giấy phép, giấy chứng nhận hoặc phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền;
+ Thành lập bộ phận quản lý và kiểm tra an toàn, đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, xây dựng phương án nổ mìn, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, ban hành nội quy, quy định, quy trình bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp;
+ Bảo quản, lưu trữ sổ sách, chứng từ đối với từng loại vật liệu nổ công nghiệp trong thời hạn 10 năm;
+ Báo cáo định kỳ, báo cáo trong trường hợp đột xuất.
5. Thu hồi giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp
Khoản 5, Điều 1 Thông tư 04/2014/ TT-BCA quy định:
– Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp bị thu hồi trong các trường hợp sau:
+ Giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền;
+ Doanh nghiệp được cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp do đã giả mạo hồ sơ để được cấp;
+ Doanh nghiệp được cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư này.
– Thẩm quyền thu hồi giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp được quy định như sau:
Người có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp quy định tại Điều 6 Thông tư này và cấp trên trực tiếp của người đó có thẩm quyền thu hồi giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này.”
Kết luận: Trên đây là một số lưu ý mà LawFirm.Vn gửi đến bạn đọc về thủ tục cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp dựa trên Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017; Nghị định 79/2018/NĐ-CP; Thông tư 16/2018/TT-BCA; Thông tư 17/2018/TT-BCA; Thông tư 18/2018/TT-BCA; Thông tư 193/2010/TT-BTC (được thay thế bởi Thông tư 218/2016/TT-BTC).