Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc sửa chữa vũ khí của các tổ chức phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sửa chữa vũ khí. Sau đây, LawFirm.Vn sẽ cụ thể hóa thủ tục này thông qua các quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Nghị định 79/2018/NĐ-CP, Thông tư 18/2018/TT-BCA, Thông tư 16/2018/TT-BCA, Thông tư 23/2019/TT-BTC.
1. Định nghĩa vũ khí. Đối tượng được phép sửa chữa vũ khí
Định nghĩa:
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.
Đối tượng được phép sửa chữa vũ khí:
Khoản 1 Điều 17 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được phép sửa chữa vũ khí.
Theo khoản 2 Điều 17 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định tổ chức, doanh nghiệp khác khi có đủ điều kiện được tham gia sửa chữa vũ khí.
– Tổ chức, doanh nghiệp đó phải được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an giao kế hoạch hoặc nhiệm vụ sửa chữa vũ khí.
2. Thẩm quyền cấp giấy phép sửa chữa vũ khí
– Theo điểm a Khoản 1 Điều 3 Thông tư 16/2018/TT-BCA, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có thẩm quyền cấp giấy phép sửa chữa vũ khí cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc bộ, ngành ở trung ương và doanh nghiệp được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
– Theo điểm a Khoản 2 Điều 3 Thông tư 16/2018/TT-BCA, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền cấp giấy phép sửa chữa vũ khí cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở địa phương và doanh nghiệp được Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Lưu ý: Theo khoản 2, khoản 4 Điều 10 Nghị định 79/2018/NĐ-CP, các tổ chức, doanh nghiệp khác có nhu cầu tham gia vào việc sửa chữa vũ khí nếu được đồng ý tham gia vào việc sửa chữa vũ khí sẽ được Bộ trưởng Bộ Công an (đối với trường hợp theo đơn đặt hàng của Bộ Công an) hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (đối với trường hợp theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng) ra văn bản thông báo, mà không phải cấp giấy phép sửa chữa vũ khí.
3. Thủ tục cấp giấy phép sửa chữa vũ khí
– Các tổ chức, doanh nghiệp là đối tượng được cấp giấy phép sửa chữa vũ khí khi đăng ký cấp giấy phép sửa chữa vũ khí thì phải nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền. Thành phần hồ sơ được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 34 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 như sau:
+ Văn bản đề nghị nêu rõ chủng loại, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu của từng loại vũ khí đề nghị sửa chữa; số lượng, bộ phận cần tiến hành sửa chữa; cơ sở tiến hành sửa chữa; địa chỉ, thời gian sửa chữa.
+ Giấy giới thiệu kèm theo bản sao thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng minh Công an nhân dân của người đến liên hệ.
Lưu ý: Đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thì thủ tục cấp giấy phép sửa chữa vũ khí sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
– Thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký cấp giấy phép sửa chữa vũ khí: điểm c khoản 1 Điều 34 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy phép sửa chữa vũ khí. Trong trường hợp cơ quan Công an không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Giấy phép sửa chữa vũ khí mà cơ quan Công an cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp sẽ có mẫu theo mẫu VC6 được ban kèm với Thông tư 18/2018/TT-BCA (khoản 6 Điều 3 Thông tư 18/2018/TT-BCA)
– Lệ phí đăng ký giấy phép sửa chữa vũ khí: lệ phí này dựa trên số lượng vũ khí được tổ chức, doanh nghiệp sửa chữa. Theo Thông tư 23/2019/TT-BTC, 1 khẩu/chiếc vũ khí sẽ được tính là 10.000 đồng.
Kết luận: Khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép sửa chữa vũ khí, các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký, cũng như các cơ quan có thẩm quyền phải chấp hành đúng các quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Nghị định 79/2018/NĐ-CP, Thông tư 18/2018/TT-BCA, Thông tư 16/2018/TT-BCA và Thông tư 23/2019/TT-BTC.