Cấp giấy phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam

0 91

Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện việc mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam cần được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Sau đây, LawFirm.Vn sẽ cụ thể nội dụng này theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Nghị định 79/2018/NĐ-CP, Thông tư 16/2018/TT-BCA, Thông tư 17/2018/TT-BCA, Thông tư 218/2016/TT-BCA.

1. Khái niệm

Theo quy định khoản 11 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017:

Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp, bao gồm:

– Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này;

– Phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa;

– Lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ;

– Dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn; thiết bị áp chế bằng âm thanh;

– Động vật nghiệp vụ là động vật được huấn luyện để sử dụng cho yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;

– Công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự như đã liệt kê như trên.

Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp, những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, gây hại cho sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự (khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017).

Hình minh họa. Cấp giấy phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam

2. Trường hợp mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Theo Điều 12 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017:

– Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ từ nước ngoài vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp sau đây:

+ Bảo vệ khách quốc tế là đối tượng cảnh vệ đến thăm và làm việc tại Việt Nam;

+ Luyện tập, thi đấu thể thao; triển lãm, trưng bày, chào hàng, giới thiệu sản phẩm; làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật;

+ Theo chương trình, kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

– Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ ra, vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp sau đây:

+ Bảo vệ đối tượng cảnh vệ theo quy định của Luật Cảnh vệ;

+ Luyện tập, thi đấu thể thao; triển lãm, trưng bày, chào hàng, giới thiệu sản phẩm; làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật;

+ Theo chương trình, kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Lưu ý: Cơ quan, tổ chức, cá nhân được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không thuộc trường hợp quy định trên phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công.

3. Số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được phép mang vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Theo quy định tại Điều 13 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017:

– Cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép mang tối đa 10 khẩu súng ngắn kèm theo cơ số đạn, phụ kiện kèm theo (nếu có) và công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để làm nhiệm vụ bảo vệ. Trường hợp mang nhiều hơn 10 khẩu súng ngắn hoặc chủng loại khác và cơ số đạn, phụ kiện kèm theo (nếu có) phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an.

– Cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định quyết định số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mang vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để luyện tập, thi đấu thể thao; triển lãm, trưng bày, chào hàng, giới thiệu sản phẩm; làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

– Số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mang vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định tại điểm c khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 12 của Luật này do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

4. Xử phạt vi phạm hành chính

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sau: Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm (điểm b khoản 6 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).

– Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (điểm a khoản 8 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).

Kết luận: Việc thực hiện thủ tục Cấp giấy phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an cần tuân thủ quy định Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp giấy phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an

Lĩnh vực:

4.9/5 - (99 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.

ZaloFacebookMailMap