1. Xác lập nghĩa vụ
Theo quy định của pháp luật hiện hành, nghĩa vụ được xác lập theo một trong các căn cứ sau đây:
1.1. Hợp đồng dân sự
Nghĩa vụ dân sự được phát sinh khi các chủ thể thiết lập với nhau một hợp đồng dân sự.
Ví dụ: Hai bên giao kết hợp đồng mua bán tài sản thì tại thời điểm hợp đồng đó được coi là có hiệu lực pháp luật sẽ làm hình thành giữa hai bên các nghĩa vụ giao vật, trả tiền… Tuy nhiên, hợp đồng dân sự chỉ làm phát sinh nghĩa vụ nếu đó là một hợp đồng có hiệu lực (các bên giao kết hợp đồng phải tuân theo các điều kiện mà pháp luật quy định đối với một hợp đồng).
Trong thực tế, khi hợp đồng vô hiệu, các bên có nghĩa vụ phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận (trừ trường hợp tài sản là đối tượng của hợp đồng và các khoản lợi có được từ hợp đồng bị tịch thu theo quy định của pháp luật). Vì vậy, có quan điểm cho rằng, hợp đồng vô hiệu cũng làm phát sinh quan hệ nghĩa vụ giữa các bên. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận khi hợp đồng vô hiệu là nghĩa vụ phát sinh từ quy định của pháp luật về giải quyết hậu quả của một hợp đồng vô hiệu. Nghĩa vụ này hoàn toàn không phải là sự thoả thuận giữa các bên nên không phải là nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng.
1.2. Hành vi pháp lý đơn phương
Hành vi pháp lí đơn phương là hành vi thể hiện ý chí của một bên chủ thể nhằm qua đó làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Đây là một loại giao dịch dân sự, trong đó chỉ biểu hiện ý chí đơn phương của một bên. Vì vậy có làm phát sinh một quan hệ nghĩa vụ dân sự hay không còn phụ thuộc vào sự tiếp nhận ý chí này của những người khác (những người sẽ là chủ thể phía bên kia của giao dịch dân sự đó).
Hành vi pháp lí đơn phương chỉ làm phát sinh một nghĩa vụ khi ý chí đã thể hiện trong đó không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Đồng thời nếu sự thể hiện ý chí đó có kèm theo một số điều kiện nhất định thì chỉ khi nào những người khác thực hiện đúng các điều kiện đó mới làm phát sinh nghĩa vụ giữa các bên.
1.3. Chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật
Việc chiếm hữu, sử dụng tài sản của một người chỉ được pháp luật thừa nhận và bảo đảm nếu người đó là chủ sở hữu của tài sản hoặc là người được chủ sở hữu chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng thông qua giao dịch dân sự phù hợp với ý chí của chủ sở hữu hay người đó là người được phép chiếm hữu, sử dụng tài sản trong các trường hợp do pháp luật quy định. Vì vậy, ngoài những người nói trên, việc chiếm hữu, sử dụng tài sản sẽ bị coi là không có căn cứ pháp luật và do đó sẽ làm phát sinh một quan hệ nghĩa vụ mà trong đó, người chiếm hữu, sử dụng tài sản có nghĩa vụ phải trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp.
Nghĩa vụ hoàn trả do được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật phát sinh kể từ khi người được lợi có khoản lợi đó trong tay. Từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết việc được lợi thì phải hoàn trả khoản lợi mà mình đã thu được.
1.4. Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật
Khi một người thực hiện một hành vi trái pháp luật xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của người khác sẽ làm phát sinh một quan hệ luật dân sự, trong đó người có những hành vi nói trên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho phía bên kia. Nghĩa vụ này còn gọi là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Về mặt nội dung, quan hệ bồi thường thiệt hại được xác định là một nghĩa vụ dân sự vì trong đó có thể hiện quá trình dịch chuyển lợi ích vật chất từ chủ thể này sang chủ thể khác. Khoản lợi ích mà người có hành vi trái pháp luật phải bồi thường bao giờ cũng được xác định thành một khoản vật chất (tiền hoặc lợi ích vật chất khác).
Về hình thức, quan hệ bồi thường thiệt hại là một trách nhiệm dân sự, một dạng cụ thể của trách nhiệm pháp lí nói chung. Vì vậy, khi việc bồi thường thiệt hại được thực hiện dưới dạng một trách nhiệm dân sự, phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Trong đó, người có hành vi trái pháp luật phải gánh chịu một hậu quả bất lợi về tài sản.
1.5. Thực hiện công việc không có uỷ quyền
Thực hiện công việc không có uỷ quyền là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó hoàn toàn vì lợi ích của người khác khi người có công việc được thực hiện không biết hoặc biết mà không phản đối.
Thực hiện công việc không có uỷ quyền là căn cứ làm phát sinh quan hệ nghĩa vụ dân sự giữa người thực hiện công việc với người được thực hiện công việc, trong đó người được thực hiện công việc có nghĩa vụ thanh toán các chi phí hợp lí mà người thực hiện công việc không có uỷ quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc đồng thời phải trả thù lao cho người thực hiện công việc. Tuy nhiên, nếu người đã thực hiện công việc không yêu cầu thanh toán cũng như không yêu cầu trả thù lao thì người được thực hiện công việc không phải thực hiện các nghĩa vụ này.
Nếu một người thực hiện một công việc vì lợi ích của người khác nhưng công việc đó không phù hợp với mong muốn của người được thực hiện công việc sẽ không làm phát sinh nghĩa vụ thanh toán, trả thù lao ở người được thực hiện công việc.
1.6. Những căn cứ khác do pháp luật quy định
Ngoài việc được xác lập khi có một trong năm căn cứ đã nêu trên, nghĩa vụ dân sự còn được xác lập trong các trường hợp khác nếu pháp luật có quy định. Chẳng hạn, nghĩa vụ dân sự có thể được xác lập từ một bản án, quyết định của tòa án hoặc từ một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Chấm dứt nghĩa vụ
2.1. Nghĩa vụ được hoàn thành
Nghĩa vụ được coi là hoàn thành khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền hoặc theo sự xác định của pháp luật. Tại thời điểm nghĩa vụ được coi là hoàn thành sẽ chấm dứt quan hệ nghĩa vụ giữa các bên.
Trong trường hợp đối tượng của nghĩa vụ là một vật mà người có quyền chậm tiếp nhận vật thì người có nghĩa vụ phải bảo quản, giữ gìn vật hoặc gửi vật vào nơi nhận gửi giữ. Nghĩa vụ giao vật được coi là hoàn thành tại thời điểm vật đã được gửi giữ an toàn và bảo đảm về chất lượng, số lượng cũng như các điều kiện khác mà các bên đã thoả thuận.
Nếu đối tượng của nghĩa vụ là một khoản tiền hoặc giấy tờ trị giá được bằng tiền mà người có quyền chậm tiếp nhận đối tượng thì người có nghĩa vụ có thể gửi vào nơi nhận gửi giữ nhưng phải thông báo ngay cho bên có quyền. Từ thời điểm gửi giữ, nghĩa vụ được xem là đã hoàn thành.
2.2. Theo thoả thuận của các bên
Xuất phát từ nguyên tắc: “Tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận” trong việc thiết lập và thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự của các chủ thể, pháp luật cho phép các bên có thể thỏa thuận để chấm dứt nghĩa vụ. Tuy nhiên, việc thoả thuận đó không được gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Căn cứ này thường được áp dụng trong những quan hệ nghĩa vụ mà trong đó, các bên chủ thể đều có nghĩa vụ đối với nhau. Toàn bộ mối liên hệ về quyền và nghĩa vụ giữa các bên được coi là chấm dứt tại thời điểm mà các bên đã thoả thuận Xong việc không thực hiện nghĩa vụ.
2.3. Bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ
Căn cứ này thường được áp dụng trong những quan hệ nghĩa vụ mà một bên chủ thể chỉ có quyền còn bên kia chỉ có nghĩa vụ. Do đó, việc miễn hay không, trước tiên là do ý chí của người có quyền. Tuy nhiên, ý chí đó phải được sự tiếp nhận của phía bên kia. Quan hệ nghĩa vụ sẽ chấm dứt tại thời điểm người có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ.
Những biện pháp bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ cũng được chấm dứt khi người có quyền đã miễn việc thực hiện nghĩa vụ đó.
Nếu việc miễn thực hiện nghĩa vụ làm ảnh hưởng đến lợi ích của người khác thì không được coi là căn cứ làm chấm dứt nghĩa vụ.
Ví dụ: Người bị thiệt hại về sức khoẻ không còn khả năng lao động miễn việc bồi thường cho người gây thiệt hại nhưng phần bồi thường để nuôi dưỡng con chưa thành niên của người bị thiệt hại không được miễn.
2.4. Nghĩa vụ được thay thế bằng nghĩa vụ khác
Các bên có thể thỏa thuận để chấm dứt nghĩa vụ ban đầu và thực hiện nghĩa vụ theo thoả thuận mới. Căn cứ này còn được gọi là sự đổi mới nghĩa vụ.
Thông qua sự thỏa thuận các bên có thể làm hình thành một nghĩa vụ hoàn toàn mới so với nghĩa vụ trước đó.
Ví dụ: Các bên thỏa thuận chấm dứt nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua bán và nghĩa vụ đó được thay thế bằng nghĩa vụ của người vay trong hợp đồng cho vay)
Mặt khác, có thể các bên chỉ thoả thuận về việc thay thế đối tượng của nghĩa vụ đã được xác định trước bằng một đối tượng khác. Vì vậy, nếu người có quyền đã đồng ý và tiếp nhận một tài sản hoặc một công việc khác thay thế cho tài sản hoặc công việc đã thoả thuận trước thì tại thời điểm tiếp nhận, nghĩa vụ được coi là chấm dứt.
2.5. Nghĩa vụ được bù trừ
Bù trừ nghĩa vụ là căn cứ để chấm dứt nghĩa vụ trong những trường hợp cả hai bên cùng có nghĩa vụ đối với nhau về một đối tượng cùng loại và đều đã đến thời hạn thực hiện.
Như vậy, việc bù trừ nghĩa vụ chỉ được thực hiện khi có đủ yếu tố:
– Các chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ đều có yêu cầu đối nhau:
Bù trừ nghĩa vụ chỉ được thực hiện trong những trường hợp các bên trong một quan hệ nghĩa vụ đều có yêu cầu đối với nhau. Bên này là bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ hiện tại nhưng lại là bên có nghĩa vụ trong một quan hệ khác. Chẳng hạn, bên được bồi thường trong quan hệ về bồi thường thiệt hại vốn là bên phải trả nợ vay trước đó mà bên cho vay là bên phải bồi thường thiệt hại trong quan hệ bồi thường này.
– Nghĩa vụ của hai bên phải cùng loại:
Việc bù trừ chỉ được thực hiện trong trường hợp đối tượng của nghĩa vụ là tài sản cùng loại. Tuy nhiên các bên có thể thỏa thuận để định giá một vật thành tiền để bù trừ với nghĩa vụ trả tiền. Trong trường hợp giá trị của đối tượng không tương đương với nhau thì sau khi bù trừ các bên phải thanh toán cho nhau phần giá trị chênh lệch. Tại thời điểm thanh toán xong khoản chênh lệch, nghĩa vụ mới được coi là chấm dứt.
– Khi thời hạn thực hiện nghĩa vụ đều đã đến:
Có thể các bên đều có nghĩa vụ đối với nhau nhưng nếu chỉ một nghĩa vụ đến thời hạn phải thực hiện còn nghĩa vụ kia chưa đến thì các bên cũng không được thực hiện việc bù trừ nghĩa vụ, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Ngoài việc phải có đủ các điều kiện trên việc bù trừ nghĩa vụ mới được thực hiện, pháp luật hiện hành còn quy định không được bù trừ nghĩa vụ dân sự trong những trường hợp sau đây:
– Nghĩa vụ đang có tranh chấp;
– Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín,
– Nghĩa vụ cấp dưỡng;
– Trong những trường hợp khác mà pháp luật đã quy định là không được bù trừ.
2.6. Bên có quyền và bên có nghĩa vụ hòa nhập làm một
Trong thực tế, có những trường hợp khi xuất hiện một sự kiện sẽ làm cho một người đang có nghĩa vụ trở thành người có quyền đối với chính nghĩa vụ đó. Chẳng hạn, một người đang có nghĩa vụ trả nợ một khoản tiền nhưng họ lại trở thành người được đòi nợ khoản tiền đó do người chủ nợ chết mà người có nợ lại là người thừa kế duy nhất của người chết.
Trong quan hệ nghĩa vụ giữa pháp nhân với nhau, trường hợp trên xảy ra khi có sự hợp nhất hay sáp nhập giữa pháp nhân có nghĩa vụ với pháp nhân có quyền.
2.7. Nghĩa vụ chấm dứt khi thời hạn khởi kiện đã hết
Trong thời hạn do pháp luật quy định, người có quyền không khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ, khi hết thời hạn
đó, nghĩa vụ dân sự đương nhiên chấm dứt dù người có nghĩa vụ chưa thực hiện nghĩa vụ đó.
2.8. Nghĩa vụ chấm dứt khi một bên trong quan hệ nghĩa vụ chết
Thông thường, một bên trong quan hệ nghĩa vụ là cá nhân chết thì những quyền và nghĩa vụ của họ được chuyển giao cho người thừa kế. Người thừa kế được hưởng các quyền dân sự mà người này để lại đồng thời phải thay họ thực hiện các nghĩa vụ về tài sản đối với những người khác. Tương tự như vậy, nếu một bên trong quan hệ nghĩa vụ là pháp nhân chấm dứt sự tồn tại thì quyền và nghĩa vụ dân sự của nó được chuyển giao cho pháp nhân mới hợp nhất hoặc mới sáp nhập.
Tuy nhiên, khi cá nhân trong một quan hệ nghĩa vụ chết hoặc pháp nhân chấm dứt thì nghĩa vụ dân sự chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
– Nếu các bên có thoả thuận nghĩa vụ phải do chính bên có nghĩa vụ thực hiện thì khi cá nhân đó chết hoặc pháp nhân đó chấm dứt sự tồn tại, nghĩa vụ dân sự sẽ chấm dứt.
– Khi pháp luật quy định về việc nghĩa vụ phải do chính người có nghĩa vụ thực hiện.
Ví dụ: Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt khi người phải cấp dưỡng chết.
– Khi các bên thỏa thuận về việc thực hiện nghĩa vụ chỉ dành cho chính người có quyền mà người có quyền đã chết hoặc pháp nhân chấm dứt tồn tại.
2.9. Nghĩa vụ chấm dứt khi đối tượng là vật đặc định không còn
Trong thực tế, khi đối tượng được xác định trong nội dung của quan hệ nghĩa vụ là một vật đặc định thì người có nghĩa vụ giao vật phải giao đúng vật đó. Vì vậy, khi vật đó không còn thì nghĩa vụ phải giao vật đặc định chấm dứt. Tuy nhiên, các bên có thể thỏa thuận để thay thế vật khác hoặc bồi thường thiệt hại.
Như vậy, thực chất khi vật đặc định không còn chỉ là căn cứ làm chấm dứt nghĩa vụ giao đúng vật. Nó không phải là căn cứ làm chấm dứt hoàn toàn nội dung của nghĩa vụ dân sự.
2.10. Chấm dứt nghĩa vụ trong trường hợp phá sản
Pháp nhân chấm dứt do bị tuyên bố phá sản. Đây là một căn cứ mà theo đó pháp nhân hoàn toàn chấm dứt sự tồn tại của mình (chấm dứt tuyệt đối). Do vậy, nó cũng là căn cứ làm chấm dứt nghĩa vụ dân sự trong những trường hợp mà pháp luật về phá sản quy định.