Từ lâu, hoạt động kinh doanh chứng khoán vẫn được biết đến như là “chất xúc tác” cho sự tổn tại và phát triển bình thường của thị trường chứng khoán.
Thực tế đã chứng minh rằng, nếu không có hoạt động kinh doanh chứng khoán (ngụ ý chỉ hoạt động nghiệp vụ của các tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán) thì việc phát hành chứng khoán (trên thị trường sơ cấp) cũng như việc mua bán lại các chứng khoán đã phát hành (trên thị trường thứ cấp) sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều và đặc biệt, tình trạng này có thể làm gia tăng chi phí giao dịch – vốn là điều mà các chủ thể tham gia thị trường không hể mong muốn. Vì lẽ đó, việc Nhà nước chấp nhận hoạt động kinh doanh chứng khoán và sử dụng pháp luật để điều chỉnh đối với hoạt động này được xem là giải pháp tốt nhất khiến cho thị trường chứng khoán có thể vận hành và phát triển bình thường theo đúng quy luật tự nhiên.
Để cho “bàn tay hữu hình” của Nhà nước không bóp méo thị trường, các quy định về kinh doanh chứng khoán nhất thiết phải được thiết kế và xây dựng dựa trên nền tảng các nguyên tắc và quy luật vốn có của thị trường chứng khoán, chảng hạn như nguyên tắc tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh, nguyên tắc công khai, công bằng, bình đẳng và giao dịch qua trung gian, nguyên tắc tiết giảm chi phí giao dịch cho các bên tham gia thị trường chứng khoán…
Theo hướng đó, các quy định về kinh doanh chứng khoán chủ yếu tập trung vào các vấn đề cơ bản sau đây:
– Xác định những chủ thể nào được thực hiện các hoạt động kinh doanh chứng khoán và danh mục các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán mà chủ thể đó được phép thực hiện.
– Xác định các loại hợp đồng mà các bên phải ký kết và thực hiện trong quá trình kinh doanh chứng khoán.
– Xác định quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên tham gia vào những quan hệ kinh doanh chứng khoán.